Chuyển biến từ tái cơ cấu nông nghiệp

22/08/2019 06:06

Qua việc thực hiện chủ trương, chính sách về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sản xuất nông nghiệp, nông thôn và đời sống người dân trong tỉnh được nâng lên một bước.

Thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, trong những năm qua, UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, sở, ngành có liên quan... thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện việc tái cơ cấu hiệu quả và ngày càng đi vào chiều sâu, UBND tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách như: Đề án Chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền trên địa bàn tỉnh, Đề án Hỗ trợ phát triển cây cà phê xứ lạnh, Đề án Phát triển lâm nghiệp bền vững, Đề án Giảm nghèo nhanh và bền vững, Đề án Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Đề án Chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ đông-xuân, Đề án Đầu tư và phát triển cây dược liệu, kế hoạch tái canh cà phê, các dự án nuôi trồng thủy sản, chương trình hỗ trợ các xã trọng điểm đặc biệt khó khăn...

Về chính sách đất đai, tỉnh ban hành nhiều chính sách hỗ trợ đất đai đối với các nhà đầu tư có dự án phát triển nông nghiệp như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuê mặt nước... Các chính sách này thu hút được rất nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển sản xuất trên lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Bên cạnh đó, tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các sở, ngành có liên quan “dồn điền đổi thửa”, xây dựng "cánh đồng lớn" và tích tụ đất nông nghiệp, lâm nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuê đất phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trồng rừng, phát triển cây công nghiệp, dược liệu và chăn nuôi...

Trồng bí đỏ tại Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Ảnh: VN

 

Kết quả là diện tích các cây trồng chiến lược, có lợi thế của địa phương tiếp tục phát triển mạnh. Cụ thể, đến nay, toàn tỉnh phát triển được 74.460ha cao su (tăng 17.572ha so với năm 2011), 20.488ha cà phê (tăng 6.082ha so với năm 2011), 600ha sâm Ngọc Linh...

Thực hiện chuyển diện tích cây hàng năm kém hiệu quả sang phát triển cây lâu năm trên địa bàn tỉnh, diện tích mì giảm từ 38.978ha (năm 2013) xuống còn 38.358ha (năm 2018). Việc phát triển cây mì theo hướng thâm canh tăng năng suất và thay thế dần các giống mì cũ năng suất thấp, nhiễm bệnh chổi rồng bằng những giống mì mới, có năng suất, chất lượng cao như KM140, KM419…

Diện tích cây lương thực (lúa) giảm nhẹ do chuyển đổi một số diện tích thiếu nước tưới sang cây trồng cạn. Tuy nhiên, nhờ thâm canh, nâng cao năng suất, sản lượng lương thực có hạt vẫn tăng từ 110.467 tấn (năm 2013) lên 116.203 tấn (năm 2017). 

Phát huy lợi thế về trồng rau hoa xứ lạnh, tỉnh thu hút 64 dự án của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình đầu tư với diện tích đất giới thiệu 4.900ha ở Khu du lịch sinh thái Măng Đen (huyện Kon Plông). Nhiều dự án của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất rau-hoa-quả xứ lạnh đi vào hoạt động hiệu quả như: Dự án nông trại hữu cơ tổng hợp sản xuất rau, củ, quả xứ lạnh của Công ty TNHH Kon Tum Bellest; Dự án sản xuất bí Nhật của Công ty TNHH Đông Phương; Dự án sản xuất rau, củ, quả của Công ty 4 ways...

Diện tích các loại cây ăn quả chiếm tỷ trọng thấp trong nhóm cây dài ngày, nhưng ngày càng có xu hướng tăng, nhất là cây sầu riêng, chuối... Theo đánh giá, năm 2018, tổng diện tích cây ăn quả (cam quýt, xoài, nhãn, dứa, chuối, sầu riêng, mít…) phát triển đạt trên 3.000ha.

Trong sản xuất, các hộ kinh doanh, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp từng bước đi vào sản xuất theo hướng hữu cơ để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đi theo hướng này, toàn tỉnh có hơn 1.000ha cà phê an toàn, vì sức khoẻ cộng đồng; 118ha rau, củ, quả (bí Nhật, bắp sú, cà chua bi, dâu tây, cà rốt, khoai tây, súp lơ, xà lách), 200ha cây ăn quả (cam, bưởi, chanh, bơ, chuối...) VietGAP và an toàn. 

Trong chăn nuôi, chất lượng đàn bò ngày càng cải thiện thông qua việc lai bò Zêbu. Có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đang tiến hành đầu tư các trang trại chăn nuôi bò sữa, bò thịt với quy mô lớn. Chăn nuôi lợn, gia cầm, bước đầu hình thành nhiều cơ sở chăn nuôi theo hình thức trang trại có quy mô lớn.

Trong sản xuất, UBND tỉnh ban hành kế hoạch sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm; xây dựng danh mục dự án phát triển liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm và Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Kon Tum giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.

Trong quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân ngày càng đẩy mạnh áp dụng cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp. Các loại máy được đưa vào sản xuất nhiều là máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy cắt lúa cải tiến, máy cắt cỏ... trong các khâu làm đất, thu hoạch để nâng cao năng suất và giảm nhẹ công sức cho người lao động.

Trong quá trình sản xuất theo chuỗi giá trị, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh xây dựng được những thương hiệu sản phẩm như: cà phê sạch, an toàn; nước uống giải khát trái cây, hồng đảng sâm; trà sâm, rượu sâm Ngọc Linh, rượu vang sim; rau hoa, củ quả VietGAP... được thị trường nhiều nơi chấp nhận.

Có thể nói, việc tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đang góp phần tạo ra những chuyển biến quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Năng suất, chất lượng, sản lượng các sản phẩm nhiều cây trồng, vật nuôi ngày tăng. Sản xuất gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Đời sống vật chất và tinh thần người dân được nâng lên một bước.  

Văn Nhiên

Chuyên mục khác