09/09/2023 13:05
Sau nửa chặng đường triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cơ cấu kinh tế của tỉnh có những chuyển dịch đúng hướng.
Rõ nét nhất là trong công tác quy hoạch giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2050 được Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành triển khai thực hiện và đến nay đã hoàn tất, trình Hội đồng thẩm định quy hoạch thẩm định để trình Chính phủ phê duyệt. Việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và lập mới quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành… được Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm chỉ đạo quyết liệt và trình Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ lập Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen; điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum; triển khai rà soát, điều chỉnh Quy hoạch chung cấp huyện, thành phố.
Công tác cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được triển khai quyết liệt. Điển hình là đã triển khai kịp thời Nghị quyết số 11-NQ/TU, ngày 16/5/2022 của Tỉnh ủy “về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng cường thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Và qua sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, trong năm 2022, chỉ số PCI của tỉnh đạt 64,89 điểm, xếp thứ 37/63 tỉnh, thành phố, tăng 24 bậc so với năm 2021, là thứ hạng cao nhất tỉnh đạt được kể từ năm 2006 đến nay. Điều này, minh chứng cho quyết tâm chính trị của tỉnh trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
|
Bên cạnh đó, lĩnh vực nông nghiệp từng bước phát triển theo chiều sâu, các loại cây trồng chủ lực ở tỉnh tiếp tục được chú trọng phát triển, đến nay, hầu hết đều đạt và vượt so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XVI đề ra. Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng “cánh đồng lớn”, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, nông nghiệp hữu cơ gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ được Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chú trọng và lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt.
Cùng với đó, tỉnh thu hút được một số dự án chăn nuôi tập trung ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động tại địa phương, đặc biệt là vùng dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Đặc biệt, công nghiệp phát triển cả về quy mô và chất lượng, chỉ số phát triển công nghiệp giai đoạn 2021-2023 bình quân tăng 16,51%/năm. Các ngành công nghiệp có lợi thế tiếp tục được chú trọng phát triển với sản lượng tăng dần qua các năm. Công nghiệp chế biến có bước phát triển, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản, với sự tham gia từ nhiều loại hình kinh tế. Hiện tại, một số cơ sở chế biến cà phê ứng dụng có hiệu quả công nghệ cao trong quá trình sản xuất, một số sản phẩm thâm nhập và được đón nhận tại các thị trường lớn, có tiêu chuẩn cao như Singapore, Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Mê Hi Cô, Hàn Quốc.
Ngành Du lịch của tỉnh có nhiều khởi sắc và tăng trưởng mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19, tổng lượng khách bình quân giai đoạn 2021-2023 tăng 38,59%/năm, ước thực hiện trong năm 2023 đạt khoảng 1.550.000 lượt khách, đạt 62% mục tiêu Nghị quyết đề ra. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch tăng nhanh qua các năm, năm 2023 ước đạt 450 tỷ đồng, tăng gấp 3,75 lần so với năm 2020.
Có thể khẳng định, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cùng với sự đồng thuận của hệ thống chính trị, các doanh nghiệp và nhân dân, kinh tế của tỉnh được tái cơ cấu đồng bộ theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đây là nền tảng vững chắc để quân và dân trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra.
Dương Đức Nhuận