Chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

30/09/2021 13:12

Qua 5 năm thực hiện 02-NQ/TU, ngày 30/6/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy “về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh” đã có những chuyển biến tích cực. Sản xuất NNƯDCNC góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp...

Để tìm hiểu mô hình sản xuất NNƯDCNC, chúng tôi về thăm các trang trại trồng cây ăn quả (sầu riêng, bơ, mít, ổi...) của chị Trần Thị Mai, thôn Plei Bur, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Không giấu giếm, chị Mai chia sẻ: Trong sản xuất, tôi ứng dụng công nghệ tưới nước tự động và thực hiện theo mô hình VietGAP. Sản phẩm trái cây chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm và được khách hàng ưa chuộng. Sản phẩm sản xuất ra được gia đình vào bao bì, gửi đi các nơi tiêu thụ theo các đơn đặt hàng.

Ở xã Đăk Pxi (huyện Đăk Hà), tôi làm việc với Công ty Sản xuất, chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát. Đây là Công ty được công nhận sản xuất NNƯDCNC. Ông Phạm Anh Tuấn - Phó giám đốc Công ty Sản xuất, chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát cho biết, trên diện tích đất được giao gần 300 ha, Công ty trồng các loại cây ăn quả như sầu riêng Musang King Malaysia và mít Thái. Việc sản xuất cây trồng được Công ty ứng dụng công nghệ béc tưới bù áp tự động của Israel; phân bón sử dụng phân sinh học và thuốc bảo vệ thực vật là thuốc hữu cơ sinh học. Công ty sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP (tiêu chuẩn thế giới), bảo đảm an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Cây trồng sinh trưởng tốt và đang phát huy hiệu quả kinh tế.

Nuôi cấy mô ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Ảnh: V.N

 

Tại huyện Kon Plông nơi có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất NNƯDCNC. Bà Nguyễn Thị Thiện Mỹ - Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và dịch vụ Thiện Mỹ Kon Tum đang sản xuất ở đây chia sẻ: Công ty chuyên sản xuất các loại rau, củ, quả và ứng dụng công nghệ cao trong nhà kính, nhà lưới. Sản phẩm rau hoa, củ, quả an toàn của Công ty có chỗ đứng ổn định ở thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quy Nhơn…

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự vào cuộc của các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU, tỉnh ta thành lập Khu NNƯDCNC Măng Đen (huyện Kon Plông) 170 ha phát triển rau, hoa, củ, quả xứ lạnh; công nhận Vùng NNƯDCNC tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà; đồng thời đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành Quyết định thành lập Khu NNƯDCNC tại phường Ngô Mây (thành phố Kon Tum)... Từ năm 2016 - 2021, tỉnh quan tâm đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật (thủy lợi, điện, đường giao thông…) phục vụ phát triển NNƯDCNC; ban hành danh mục các dự án đầu tư hạ tầng nông nghiệp quan trọng sử dụng vốn ngân sách nhà nước; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm nông sản; thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển NNƯDCNC của Trung ương và đặc thù của tỉnh như chính sách ưu đãi về đất đai, tín dụng, đào tạo nhân lực, phát triển thị trường và áp dụng khoa học-công nghệ, hỗ trợ khởi nghiệp doanh nghiệp NNƯDCNC.

Trong quá trình triển khai thực hiện, đến nay, tỉnh ta thu hút và triển khai 27 dự án NNƯDCNC còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 6.996,18 tỷ đồng và quyết định giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án nông nghiệp với diện tích đất cho thuê 889,71ha; có 2 doanh nghiệp đạt các tiêu chí để công nhận doanh nghiệp NNƯDCNC, 13 hợp tác xã sản xuất NNƯDCNC...

Ứng dụng công nghệ cao trong việc trồng lan kim tuyến. Ảnh: VN

 

Trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao giai đoạn 2016-2020, có 13 đề tài, dự án khoa học và công nghệ lĩnh vực NNƯDCNC được thực hiện. Qua đó, hỗ trợ các tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất ứng dụng các công nghệ cao trong sản xuất như: Công nghệ nhân giống một số loại cây trồng; công nghệ trồng cây bán tự động; công nghệ chiết xuất trong chế biến một số sản phẩm từ dược liệu; công nghệ sinh học trong phòng trừ sâu bệnh hại sâm Ngọc Linh và các loại cây trồng khác; công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học, nấm đông trùng hạ thảo...

Diện tích các loại cây trồng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao ngày càng tăng. Hiện tại, tổng diện tích sản xuất NNƯDCNC đạt 7.919ha. Các công nghệ cao được áp dụng trong sản xuất: Nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống quy mô công nghiệp (cây lan kim tuyến, sâm dây, đương quy, chuối...); tưới tiết kiệm nước, tự động hóa trong bón phân, thủy canh, nhà màn thông minh… Sản xuất NNƯDCNC góp phần giảm chi phí, tăng năng suất và chất lượng cây trồng lên 10-20%; lợi nhuận từ sản xuất NNƯDCNC đem lại cao hơn 1,2-1,5 lần so với nông nghiệp truyền thống.

Có thể khẳng định, sản xuất NNƯDCNC trên địa bàn tỉnh góp phần chuyển dịch hướng phát triển các sản phẩm chủ lực, có giá trị kinh tế cao; nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng của các sản phẩm nông nghiệp, tạo việc làm và tăng thu nhập cho một bộ phận lao động nông thôn; từng bước thay đổi bộ mặt ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.     

Văn Nhiên

Chuyên mục khác