Chuyển biến tích cực trong tái cơ cấu nông nghiệp

10/01/2021 13:09

Nhằm phát huy thế mạnh, tạo sự chuyển biến trong sản xuất, chăn nuôi, thời gian qua, tỉnh ta đã thực hiện đồng bộ các giải pháp tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững. Sau 7 năm, chương trình đã mang lại những kết quả tích cực, qua đó, thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn ngày càng phát triển.

Trong buổi làm việc của Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với Thường trực Tỉnh ủy vừa qua, ông Nguyễn Tấn Liêm - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện các chủ trương của Trung ương, Tỉnh ủy về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong giai đoạn 2013 - 2020, dưới sự chỉ đạo UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp đã nỗ lực, tích cực triển khai nhiều giải pháp để cơ cấu lại ngành theo hướng nâng cao giá trị và phát triển theo hướng bền vững. Qua đó, nông nghiệp của tỉnh đã có những chuyến biến quan trọng với tốc độ tăng trưởng toàn ngành duy trì ở mức khá, bình quân khoảng 5,1%/năm. Đặc biệt, quá trình triển khai tái cơ cấu đã làm thay đổi nhận thức của người dân trong phát triển sản xuất theo hướng đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường xây dựng chuỗi liên kết giá trị… Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của tỉnh dần được chuyển dịch theo hướng ứng dụng công nghệ cao và an toàn sinh học. Tỉnh ta đã hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhất là cây công nghiệp như cao su, cà phê, hồ tiêu, mía, mì, dược liệu và cây ăn quả.

Đến nay, toàn tỉnh có tổng diện tích cây trồng sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao khoảng hơn 8.000ha. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (huyện Kon Plông) và đang hoàn thiện Đề án thành lập Khu nông nghiệp công nghệ cao Đăk Hà và thành phố Kon Tum trình cấp thẩm quyền xem xét, quyết định. UBND tỉnh đã công nhận 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Kon Plông và huyện Đăk Hà và 2 doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là Công ty TNHH Việt Khang Nông (huyện Kon Plông) và Công ty TNHH sản xuất chế biến nông lâm sản Nghĩa Phát (huyện Đăk Hà). Đây là 2 doanh nghiệp đi tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ tự động hóa sản xuất rau, hoa, củ, quả an toàn; cây ăn quả.

Cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng được triển khai rộng rãi. Ảnh: T.H

 

Việc áp dụng cơ giới vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua ở một số khâu cũng đạt mức độ cao, nhất là đối với các sản phẩm chủ lực như cà phê đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu sản xuất, chăm sóc và sơ chế, chế biến cà phê với việc áp dụng hệ thống tưới tự động, phun phủ vi sinh, máy sơ chế, phân loại cà phê… với diện tích sản xuất trên 500 ha.

Toàn tỉnh đã xây dựng được 7 cánh đồng lớn với 4 loại cây trồng là cà phê, mía, ngô sinh khối, lúa nước theo mô hình liên kết sản xuất. Thông qua liên kết sản xuất cánh đồng lớn, các hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã được doanh nghiệp cung ứng dịch vụ đầu vào bằng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo định mức, quy trình sản xuất. Sản phẩm được thu mua lại theo giá thị trường và theo giá bảo hiểm mang lại thu nhập cao, ổn định cho người dân.

Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất, tỉnh ta chú trọng thu hút và khuyến khích nhà đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dược liệu. Đến nay, toàn tỉnh có 8 nhà máy chế biến tinh bột sắn, 10 nhà máy chế biến cao su, 1 nhà máy chế biến mía đường, 5 nhà máy chế biến cà phê và nhiều cơ sở nhỏ, lẻ, hộ gia đình. Các cơ sở chế biến cơ bản tiêu thụ hết vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, người dân, các doanh nghiệp cũng đầu tư trang thiết bị máy móc, sân phơi, xây dựng lò sấy cà phê để chế biến sản phẩm, ứng dụng mô hình nhà kính trong nông nghiệp để nâng cao chất lượng nông sản. Các ngành, địa phương tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà sản xuất xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại để tạo đầu ra ổn định cho hàng hóa; khai thác và đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông nghiệp đặc sản, lợi thế để thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ngày càng được ứng dụng rộng rãi. Ảnh: TH

 

Cùng với trồng trọt, những năm gần đây lĩnh vực chăn nuôi cũng có bước tiến rõ nét. Trên địa bàn tỉnh bắt đầu hình thành một số mô hình chăn nuôi trang trại công nghiệp với việc sử dụng chuồng lồng, chuồng sàn, chuồng có hệ thống làm mát và sưởi ấm, có hệ thống máng ăn, nước uống tự động. Một số hộ đã đầu tư máy thái cỏ, băm rơm để làm thức ăn cho vật nuôi. Đến nay, toàn tỉnh có 59 trang trại, hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, hiện đã xây dựng được 27 chuỗi liên kết chăn nuôi.

Việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh còn được triển khai gắn liền với chương trình xây dựng nông thôn mới. Những năm qua, các ngành, các địa phương đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh tế hộ. Đồng thời, các địa phương cũng chủ động triển khai có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như: Tiêu chí môi trường, tiêu chí về xóa đói giảm nghèo, tiêu chí về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, tiêu chí về xây dựng thôn, làng văn hóa... Nhờ đó, đến nay, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã đạt 14 tiêu chí, với 28 xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 6 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu và 6 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Có thể nói, việc thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển từng bước theo định hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị và thu nhập cho người dân, tạo diện mạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn ngày càng khởi sắc.  

Thiên Hương

Chuyên mục khác