Chuyển biến tích cực trong công tác giảm nghèo

05/07/2023 13:15

Thời gian qua, nhờ nguồn kinh phí đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững (gọi tắt là Chương trình), công tác giảm nghèo ở tỉnh ta đạt được những kết quả tích cực. Nhiều hộ nghèo đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nỗ lực phát triển sản xuất, tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững.

Tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 phân bổ cho các đơn vị, địa phương của tỉnh để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững là 637,726 tỷ đồng.

Giai đoạn 2021-2025, tổng vốn đầu tư nguồn ngân sách địa phương đối ứng đảm bảo theo quy định để thực hiện Chương trình được UBND tỉnh phân bổ cho các đơn vị, địa phương 63,773 tỷ đồng (ngân sách cấp tỉnh 8,239 tỷ đồng; ngân sách cấp huyện, xã 55,534 tỷ đồng).

Tính đến 31/3/2023, tổng nguồn vốn tín dụng đạt 3.844 tỷ đồng. Trong đó, vốn cân đối từ Trung ương đạt 3.326 tỷ đồng, chiếm 86,5%/tổng nguồn vốn; nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 177 tỷ đồng, chiếm 4,6%/tổng nguồn vốn; vốn huy động của các tổ chức, cá nhân, tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn 342 tỷ đồng, chiếm 8,9%/tổng nguồn vốn.

Nhiều hộ đồng bào DTTS huyện Kon Plông thoát nghèo nhờ vay vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất. Ảnh: Q.Đ

 

Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách (TDCS) đến 31/3/2023 đạt 3.832 tỷ đồng với hơn 69.000 hộ còn dư nợ; tỷ lệ tăng trưởng dư nợ bình quân trong giai đoạn đạt 14%. Nguồn vốn TDCS đã góp phần giúp người dân phát triển sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Các chương trình TDCS đã tác động tích cực đến vùng nghèo, vùng khó khăn, vùng đồng bào DTTS; lồng ghép với công tác khuyến nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, nhằm thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Ngoài ra, việc vay vốn TDCS với thủ tục đơn giản, không phải thế chấp, lãi suất ưu đãi, nhận tiền vay, trả nợ trả lãi tại điểm giao dịch xã giúp người dân dễ dàng tiếp cận các chương trình tín dụng chính thức, hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi, tín dụng đen, giảm chi phí cho các đối tượng vay vốn, góp phần làm chuyển biến nhận thức của hộ nghèo, nhất là đồng bào DTTS, giúp họ thay đổi tập quán sản xuất, xóa bỏ tự ti, mặc cảm, tự lực vươn lên thoát nghèo.

Một số hộ DTTS huyện Ngọc Hồi nhờ vay vốn tín dụng chính sách đầu tư chăn nuôi heo có thêm thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững. Ảnh: QĐ

 

Theo số liệu thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 2021-2023, thông qua nguồn vốn TDCS, có 55.205 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn. Trong đó, có 8.550 hộ nghèo, 8.949 hộ cận nghèo, 3.735 hộ mới thoát nghèo vay vốn để buôn bán, sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm để vươn lên thoát nghèo bền vững. Cũng từ nguồn vốn TDCS, có 25.540 công trình nước sạch, nhà vệ sinh được xây dựng, sửa chữa nâng cấp; 8.896 lượt hộ tại vùng khó khăn được vay vốn sản xuất kinh doanh; tạo việc làm cho 10.449 lao động; 225 học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; 49 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hỗ trợ xây dựng được 315 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP; giúp cho hơn 20 ngàn hộ nghèo, hộ cận nghèo vay vốn sản xuất để vượt qua ngưỡng nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh.

Cụ thể năm 2021, số hộ thoát nghèo 5.838 hộ, đạt tỷ lệ 4,11%, đạt 102,75%; năm 2022 giảm 6.781 hộ, đạt tỷ lệ 4,46%, đạt 111,5% kế hoạch. Tổng số hộ nghèo toàn tỉnh đến cuối năm 2022 là 15.943 hộ, chiếm 10,86% so với tổng số hộ toàn tỉnh.

Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội A Kang cho hay: Trong giai đoạn 2023-2025, mục tiêu của tỉnh Kon Tum là tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 4%/năm; trong đó chỉ tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm trên địa bàn các huyện nghèo từ 6-8%/năm.

Để thực hiện mục tiêu trên, trong thời gian tới, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội chú trọng nhân rộng các phong trào giảm nghèo, các mô hình sản xuất hiệu quả trong phát triển kinh tế; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở các cấp, các ngành từ khâu chuẩn bị đến thực hiện dự án nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, lãng phí trong quá trình thực hiện; huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thuộc Chương trình; quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù; phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện khả năng thụ hưởng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các tầng lớp nhân dân ở các xã vùng sâu, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới trên địa bàn tỉnh.

Năm 2022, cấp tỉnh tổ chức 5 lớp cho 370 CBCC, cấp huyện tổ chức 32 lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác giảm nghèo cho 1.031 lượt CBCC. Qua các lớp tập huấn, cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp được cập nhật các nội dung để triển khai thực hiện Chương trình theo quy định.

Quang Định

Chuyên mục khác