Chuyển biến sau 2 năm thực hiện Chương trình OCOP

10/01/2021 06:29

Sau 2 năm thực hiện, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh đã thu được những thành quả to lớn. Chương trình ngày càng lan tỏa mạnh mẽ và được người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng, góp phần quan trọng tạo chuyển biến về kinh tế và thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Xác định rõ OCOP là một chương trình phát triển kinh tế quan trọng để đánh thức thế mạnh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh nên ngay từ khi bắt tay vào thực hiện, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các ngành có liên quan hướng dẫn các địa phương, chủ thể sản xuất kinh doanh thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.

Cùng với cơ chế, chính sách được ban hành đầy đủ, kịp thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, ý nghĩa của Chương trình. Đồng thời, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý cho chủ thể và năng lực cho cán bộ quản lý  tham gia Chương trình OCOP.

Hội nghị đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh. Ảnh: TH

 

Trong 2 năm qua, tỉnh và các huyện, thành phố tích cực lồng ghép nhiều nguồn lực tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc…đảm bảo theo quy định. Đến nay, toàn tỉnh có 9 đơn vị được hỗ trợ máy móc, công nghệ; xây dựng 7 mô hình phát triển vùng nguyên liệu, xây dựng nhãn mác, bao bì cho 71 sản phẩm, hệ thống truy xuất nguồn gốc cho 66 sản phẩm; quản lý chất lượng đối với 64 sản phẩm, đăng ký sở hữu trí tuệ đối với 55 sản phẩm…với tổng kinh phí thực hiện là 51.426 triệu đồng. Các ngành, địa phương cũng tổ chức 18 đợt xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm để đưa các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của tỉnh tiếp cận thị trường trong, ngoài nước.

Nhờ đó, sau 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh bước đầu đã gặt hái được những kết quả quan trọng, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong toàn hệ thống chính trị và người dân từ tỉnh đến cơ sở. Đến nay, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh đã bình chọn và xét công nhận 88 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao, 4 sao, vượt chỉ tiêu so với mục tiêu giai đoạn 2018-2020 (có 29 sản phẩm được công nhận).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trên thực tế vẫn còn một bộ phận người sản xuất chưa hiểu và nhận thức đầy đủ về chương trình OCOP. Sản phẩm đặc trưng của các địa phương nhiều, nhưng chưa biết cách khai thác và phát huy lợi thế sẵn có, sản xuất còn mang tính thủ công, quy mô nhỏ lẻ, quy cách mẫu mã sản phẩm còn hạn chế, sản phẩm thiếu cơ sở xác nhận đảm bảo quy định, chưa xác định được thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, mối liên kết giữa doanh nghiệp, nhà khoa học và nông dân chưa chặt chẽ nên chưa tạo ra chuỗi giá trị quy mô, bền vững.

Trong giai đoạn 2021- 2025, tỉnh ta đề ra mục tiêu quy hoạch và phát triển 350 sản phẩm OCOP với khoảng 200 chủ thể tham gia; Trong đó, có 300 sản phẩm nông lâm, thủy sản, dược liệu; 40 sản phẩm phi nông nghiệp đặc trưng như vải may mặc, lưu niệm, nội thất, trang trí và 10 sản phẩm du lịch.

Các sản phẩm tạo ra có thương hiệu, chất lượng hàng hóa cao đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu với ít nhất có từ 10 sản phẩm có tiềm năng đạt 5 sao. Sản phẩm OCOP của tỉnh có mặt tại thị trường trong nước và quốc tế. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo hướng gia tăng lợi ích cho cộng đồng, tạo ra nhiều việc làm, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị, tăng thu ngân sách tỉnh.

Dù vẫn còn những hạn chế nhất định, nhưng với những nền tảng đang có, bằng giải pháp cụ thể và quyết tâm của các ngành chức năng, địa phương và đặc biệt là các chủ thể, tỉnh ta sẽ thực hiện đảm bảo các mục tiêu Chương trình OCOP đã đề ra. Sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ ngày càng khẳng định thương hiệu, chỗ đứng trên thị trường và góp phần cải thiện thu nhập cho người dân.

Thiên Hương

Chuyên mục khác