Chuyển biến sản xuất nông nghiệp năm 2016

01/01/2017 14:47

​Sản xuất nông nghiệp năm 2016 không mấy thuận lợi, nhất là hạn hán ảnh hưởng không nhỏ đến bà con nông dân. Nhưng bằng sự nỗ lực của ngành Nông nghiệp tỉnh, các cấp chính quyền và người dân, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến trên nhiều phương diện.

Không năm nào như năm 2016, ngay từ đầu năm cùng với các tỉnh Tây Nguyên và nhiều nơi trong cả nước, ngành Nông nghiệp và cả hệ thống chính trị ở tỉnh đã vào cuộc giúp dân chống hạn.

Theo ông Nguyễn Trung Hải - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để khắc phục hạn hán, ngay từ những tháng cuối năm 2015, nắm chắc dự báo và theo dõi diễn biến thủy văn ở địa phương, ngành Nông nghiệp tỉnh tham mưu UBND tỉnh xây dựng phương án chuyển đổi diện tích lúa có khả năng thiếu nước sang cây trồng cạn, chỉ đạo các địa phương, đơn vị quản lý công trình thủy lợi sớm tích nước, tưới nước luân phiên, tiết kiệm, tận dụng từng ao hồ, hợp thủy để cứu lúa và các loại cây trồng. Với sự nỗ lực của ngành và của cả hệ thống chính trị, cùng với sự quan tâm hỗ trợ của Trung ương, người dân tỉnh ta đã khắc phục, giảm thiểu thiệt hại, bảo đảm ổn định sản xuất và đời sống.

Giống lúa chất lượng cao sản xuất hiệu quả ở xã Đăk La, huyện Đăk Hà. Ảnh: Đ.N

 

Vượt qua khó khăn và bằng tinh thần kiến tạo, sản xuất nông nghiệp năm 2016 đạt được nhiều kết quả trên nhiều phương diện. Theo đánh giá, trong năm tổng diện tích gieo trồng 69.978ha, đạt 103,5% kế hoạch, tăng 0,73% so với năm 2015; tổng sản lượng lương thực có hạt 111.603 tấn, đặc biệt sản lượng lúa 87.455 tấn, đạt 101,09% kế hoạch.

Trong chăn nuôi, đàn trâu 22.645 con, so với năm 2015 tăng 3,71%; đàn bò 63.694 con, tăng 6,06%; đàn heo 136.531 con, tăng 3,03%. Sản lượng thủy sản thu trên 3.830 tấn (khai thác tự nhiên trên 1.480 tấn và nuôi trồng 2.350 tấn), đạt 108% kế hoạch.

Dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi được kiểm soát, không gây hại trên diện rộng.

Nuôi dê theo hướng ứng dụng công nghệ cao ở huyện Kon Plông. Ảnh: V.N

 

Để chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và thời tiết ngày càng cực đoan, ngành Nông nghiệp đã phối hợp với các sở, ban, ngành và địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành Đề án chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây hàng năm trên đất trồng lúa thiếu nước tưới vụ đông xuân tại Quyết định số 1117/QĐ-UBND ngày 22/9/2016 của UBND tỉnh, với tổng diện tích chuyển đổi 1.045,2ha được thực hiện từ vụ đông xuân năm 2016-2017 đến vụ đông xuân năm 2017-2018.

Thực hiện Đề án trên, ngay từ đầu vụ đông xuân 2016-2017, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh giao Trung tâm Khuyến nông phối hợp với UBND các huyện, thành phố tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống mỳ cao sản KM419, HL-S11 trồng 394,5ha mỳ trên đất lúa thiếu nước; đồng thời tiếp tục chuyển đổi trồng các cây trồng cạn khác (bắp, rau, đậu đỗ, cỏ) theo kế hoạch. 

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp tỉnh còn tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền, Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh và Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT Kon Tum).

Ở Đề án hỗ trợ phát triển cà phê xứ lạnh, diện tích cà phê trồng mới năm 2014 đến nay cho bói, năng suất cà phê bình quân đạt từ 10-15 tấn cà phê tươi/ha.

Ở Dự án VnSAT do Ngân hàng Thế giới tài trợ, ngành triển khai điểm mô hình tái canh cà phê bền vững và đào tạo nông dân sản xuất cà phê bền vững. Dự án VnSAT Kon Tum phấn đấu đến năm 2020 hỗ trợ khoảng 4.000 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất 3.300ha cà phê bền vững và tái canh 480ha cà phê.

Việc phát triển cây sâm Ngọc Linh và rau hoa xứ lạnh tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Đối với cây sâm Ngọc Linh, toàn tỉnh phát triển được trên 300ha.

Cây sâm Ngọc Linh ở tỉnh được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công bố quyết định và cấp giấy chứng nhận bản chính đăng ký chỉ dẫn địa lý Ngọc Linh cho sản phẩm sâm củ. Việc củ sâm Ngọc Linh ở tỉnh được cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý góp phần nâng cao vị thế, sức cạnh tranh của sâm Ngọc Linh trên thị trường trong nước và quốc tế. 

Việc phát triển rau hoa xứ lạnh cũng có những chuyển biến tích cực. Ngoài việc ngành Nông nghiệp tỉnh xây dựng một số mô hình trình diễn sản xuất một số loại rau, hoa xứ lạnh để chuyển giao sản xuất cho người dân, UBND huyện Kon Plông còn giới thiệu cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân và hộ gia đình lập các dự án phát triển rau, hoa quả xứ lạnh với diện tích 975,2ha (10 công ty, tổ chức đầu tư đăng ký sản xuất 664,3ha và các hộ gia đình, cá nhân 273,9ha).

Cũng tại vùng kinh tế động lực Kon Plông, bước đầu một số doanh nghiệp đi vào sản xuất như Công ty TNHH Bửu Lộc An đã tổ chức sản xuất hoa (hoa lay ơn ...), dược liệu (sâm dây); Công ty CP Xăng dầu Sông Châu đã sản xuất rau, bí; Công ty CP Dược liệu và thực phẩm Măng Đen đã trồng cỏ, nuôi dê sữa theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn là hướng đi tất yếu của nông nghiệp tỉnh, vì vậy ngành Nông nghiệp đã chủ trì, phối hợp với các sở, ngành tham mưu HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 64/2016/NQ-HĐND ngày 19/8/2016 về Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến trên địa bàn tỉnh Kon Tum.  

Trên lĩnh vực chăn nuôi, nhất là chăn nuôi gia súc tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo được tỉnh hỗ trợ và các địa phương tích cực triển khai thực hiện. Đây là điều kiện quan trọng để góp phần nâng cao chất lượng đàn bò, phát triển kinh tế, giảm nghèo cho người dân.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, ngành đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh việc thực hiện Kết luận số 04-KL/TU ngày 13/1/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển, cất giữ, mua bán lâm sản trái pháp luật; Kế hoạch 1095/KH-UBND ngày 26/5/2016 của UBND tỉnh về Phương án tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và quản lý lâm sản giai đoạn năm 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Theo đó, các đơn vị phối hợp với UBND các huyện, thành phố, các chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, tuần tra, truy quét các điểm nóng thường xảy ra các vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng. Công tác quản lý bảo vệ rừng ngày càng đi vào nề nếp và hiệu quả hơn.

Cũng trên lĩnh lực lâm nghiệp, các công ty lâm nghiệp hoàn thiện Đề án sắp xếp đổi mới nâng cao hiệu quả hoạt động trình UBND tỉnh phê duyệt; đồng thời rà soát, xác định nhu cầu sử dụng đất, xây dựng phương án quản lý sử dụng đất, bàn giao về địa phương diện tích đất không có nhu cầu sử dụng và xử lý dứt điểm các trường hợp tranh chấp, lấn chiếm, cấp trùng, sử dụng không đúng quy định. Cũng trong năm nay, các công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ trồng được 1.266ha rừng, đạt 114,6% kế hoạch đề ra.

Lĩnh vực xây dựng nông thôn mới tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Với sự huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, các địa phương huy động sức dân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai nhiều hình thức tổ chức sản xuất như thành lập các tổ hợp tác sản xuất lúa, cà phê an toàn, nuôi bò, nuôi cá... có hiệu quả ở nông thôn.

Bằng những nỗ lực xây dựng nông thôn mới, đến nay, toàn tỉnh có 13 xã đạt 19/19 tiêu chí (trong đó có 9 xã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới), 2 xã đạt từ 15-18 tiêu chí, 20 xã đạt từ 10-14 tiêu chí, 44 xã đạt từ 5-9 tiêu chí, 7 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân mỗi xã đạt 9,47 tiêu chí, tăng 0,77 tiêu chí so với năm 2015. Diện mạo nông thôn tiếp tục có nhiều thay đổi, đời sống vật chất và tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.

Có thể khẳng định rằng, những chuyển biến sản xuất nông nghiệp năm 2016 đặt nền móng quan trọng cho việc tái cơ cấu nông nghiệp trong những năm đến thuận lợi hơn.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác