Chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao- nhìn từ kinh tế tập thể

21/10/2022 13:01

Thực hiện chủ trương phát triển kinh tế tập thể (KTTT) của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, KTTT mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), nhất là các HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao ở tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo việc làm và nâng cao đời sống cho người lao động.

Tham dự các điểm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP ở tỉnh, tôi  chứng kiến các sản phẩm OCOP của các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến khá phong phú và đa dạng, nhất là các sản phẩm từ dược liệu, hạt mắc ca, cà phê. Việc sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao đã tạo nên những thương hiệu cho các HTX. 

Để kiểm chứng các sản phẩm, tôi đến các cơ sở sản xuất của một số HTX. Tại cơ sở sản xuất, chế biến mắc ca của HTX Mắc ca Nhân Hòa (thôn 3, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô), tôi thật sự “mắt tròn mắt dẹt” khi thấy vườn cây mắc ca được ứng dụng công nghệ cao sản xuất theo hướng hữu cơ VietGAP, GlobalGAP xanh tốt và trực tiếp xem cơ sở chế biến. Ông Nguyễn Văn Quyết - Giám đốc HTX Mắc ca Nhân Hòa không giấu lòng: “Không chế biến, không nâng cao chất lượng sản phẩm thì sản phẩm khó có chỗ đứng trên thương trường”.

Các thương hiệu cà phê ở huyện Đăk Hà. Ảnh: V.N

 

Không thua kém và nổi bật trong việc sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao là các cơ sở sản xuất cà phê của nhiều HTX trên địa bàn huyện Đăk Hà. Mô hình tiêu biểu tôi đến làm việc là HTX Nông nghiệp Sáu Nhung liên kết với các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với sản lượng 1.000 tấn/năm; HTX Công bằng Pô Cô liên kết với các hộ dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm với sản lượng 900 tấn/năm.

Việc thực hiện liên kết sản xuất của các HTX này theo quy trình từ khâu sản xuất đến thu hoạch. Toàn bộ diện tích của HTX được chăm sóc theo tiêu chuẩn hữu cơ VietGap, an toàn và được áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, tưới tiêu phun mưa tự động. Sản phẩm của HTX chế biến ra đều được quản lý, kiểm soát chặt chẽ về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Các sản phẩm tinh từ cà phê của các HTX có bao bì đẹp, chất lượng sản phẩm tốt, bảo đảm sức khỏe và đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Và đặc biệt, các sản phẩm của HTX Nông nghiệp Sáu Nhung, HTX Công bằng Pô Cô đều được Cục Sở hữu trí tuệ của Bộ Khoa học và Công nghệ cấp chứng nhận đăng ký thương hiệu, được tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng cấp mã số mã vạch.

Ở các cơ sở sản xuất dược liệu (sâm dây, ngũ vi tử, đương quy, nấm…) của HTX cũng có những chuyển biến tích cực. Trong các sản phẩm dược liệu, đông trùng hạ thảo vốn có nguồn gốc từ xứ lạnh nhưng được HTX Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Kon Tum sản xuất thành công và đưa ra thị trường trong và ngoài nước. Các sản phẩm từ thương hiệu Vương Khang Thảo có chất lượng của HTX này có thể kể: Đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo ngâm mật ong, đông trùng hạ thảo ngâm rượu, bột chăm sóc da đông trùng hạ thảo, nhộng trùng thảo, đế đông trùng hạ thảo. Thương hiệu Vương Khang Thảo của HTX Nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo Kon Tum tạo dấu ấn đối với người tiêu dùng cả về chất lượng và mẫu mã.

Các sản phẩm OCOP của huyện Đăk Tô. Ảnh: VN

 

Còn nhiều HTX nữa mà trong khuôn khổ một bài báo, tôi không  thể kể hết được. Với những chuyển biến trên, KTTT, mà nòng cốt là HTX ở tỉnh từng bước thoát khỏi tình trạng yếu kém kéo dài, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống người dân, nhất là hộ thành viên.

Để tạo điều kiện cho KTTT tiếp tục phát triển, ngày 11/10/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3421/KH-UBND về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh năm 2023. Theo đó, UBND tỉnh đặt ra mục tiêu triển khai thực hiện tốt quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về KTTT, HTX nhằm đổi mới toàn diện về nội dung, hình thức hợp tác, liên kết phù hợp với từng vùng, lĩnh vực; hỗ trợ các HTX mở rộng quy mô, năng lực sản xuất, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường ổn định, mở rộng xuất khẩu; củng cố và xây dựng các THT, HTX hoạt động có hiệu quả tham gia sâu vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp; tập trung chuyển giao ứng dụng khoa học, kỹ thuật cho thành viên; chú trọng phát triển “nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu” để góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh có những định hướng, các chỉ tiêu cụ thể và các giải pháp phát triển KTTT trong năm 2023. Với những quyết sách mới, hy vọng việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 16/06/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” trên địa bàn tỉnh sẽ có bước phát triển mạnh hơn, nhất là từ sản xuất gắn với chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ cao.   

Văn Nhiên

Chuyên mục khác