Chung tay bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm tại Kon Plông

09/08/2020 06:11

Khu vực rừng nguyên sinh của huyện Kon Plông hiện là nơi sinh sống của nhiều động vật nguy cấp và quý hiếm nằm trong Sách đỏ Việt Nam và thế giới. Các cấp, các ngành cùng các tổ chức bảo tồn, nghiên cứu động vật hoang dã đã và đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ các loài động vật nguy cấp, quý hiếm này.

Từ năm 2015 đến nay, Tổ chức bảo tồn động thực vật Quốc tế Fauna & Flora International (FFI) đã cùng với các đối tác là Trung tâm Bảo tồn da dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet), Viện nghiên cứu động vật hoang dã - Vườn thú Leibniz (IZW - Cộng hòa Liên bang Đức) tiến hành khảo sát chuyên sâu và có hệ thống tại các khu vực rừng nguyên sinh của huyện Kon Plông.

Kết quả cho thấy, rừng nguyên sinh của huyện Kon Plông có giá trị đa dạng sinh học vô cùng lớn với nhiều động vật hoang dã quý hiếm như: quần thể khoảng 500 cá thể chà vá chân xám (loài linh trưởng được xếp hạng cực kỳ nguy cấp trong Sách đỏ thế giới-IUCN); hơn 100 cá thể loài vượn đen má vàng Trung bộ (nguy cấp); các loài: gấu ngựa (sắp nguy cấp), rái cá vuốt bé (sắp nguy cấp), cầy vằn (nguy cấp), cu li nhỏ (nguy cấp) và các loài chim đặc hữu của Việt Nam và khu vực như: hồng hoàng (sắp nguy cấp), khướu Ngọc Linh (nguy cấp)…

Trong những năm qua, huyện Kon Plông cùng các tổ chức bảo tồn, nghiên cứu động vật hoang dã đã nỗ lực trong công tác quản lý, bảo vệ rừng và tổ chức các hoạt động bảo tồn các loài động vật nguy cấp, quý hiếm trên địa bàn.

Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển sinh kế bền vững. Ảnh: Đ.T

 

Ông Trương Minh Trung - Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Kon Plông cho hay, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ với các xã trên địa bàn huyện để thực hiện công tác tuyên truyền về quản lý, bảo vệ rừng; bảo tồn thiên nhiên, động vật hoang dã quý hiếm, đặc biệt là loài chà vá chân xám. Tổ chức tuần tra, truy quét, tháo, gỡ các loại bẫy, đồng thời thường xuyên tổ chức tuần tra, truy quét đối tượng khai thác lâm sản trái phép, săn bắt, tàng trữ, mua bán các loài động vật hoang dã trên địa bàn nên đã hạn chế được tình trạng người dân vào rừng săn bắt động vật hoang dã. 

Xã Đăk Tăng là 1 trong 4 xã có số lượng cá thể chà vá chân xám đang sinh sống nhiều nhất của huyện Kon Plông. Vì vậy, thời gian qua, công tác quản lý, bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động vật hoang dã quý hiếm được chính quyền và cộng đồng người dân xã thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao.

Ông A Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tăng cho biết: UBND xã tích cực phối hợp với lực lượng kiểm lâm, Lâm trường Măng Bút, Lâm trường Măng Cành 2 thường xuyên xuống tận thôn, làng tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng. Xã đã thành lập Câu lạc bộ bảo vệ động vật hoang dã, tổ chức các hoạt động truyền thông đến người dân trong xã nhằm tạo sự đồng thuận, chung tay bảo vệ rừng, gìn giữ môi trường sống cho các loài động vật hoang dã, nhất là loài động vật quý hiếm như chà vá chân xám…

Chà vá chân xám tại huyện Kon Plông. Ảnh: ĐT

 

Mặc dù các ngành chức năng, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn huyện Kon Plông đã tích cực làm tốt công tác bảo tồn các loài động vật hoang dã nhưng các loài động vật này vẫn có nguy cơ đối mặt với các mối đe dọa khác.

Vì vậy, với hơn 20 năm hoạt động tại Việt Nam, Tổ chức FFI đang hỗ trợ tích cực cho tỉnh Kon Tum nhằm thúc đẩy để sớm thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên tại huyện Kon Plông. Mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng tổ chức Hội thảo Bảo tồn đa dạng sinh học gắn liền với phát triển sinh kế bền vững với sự tham gia của các sở, ban, ngành trong tỉnh và đại diện các Khu bảo tồn ở các tỉnh lân cận nhằm chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận xây dựng kế hoạch bảo tồn tổng thể mang tính thực tế và bền vững với công tác bảo vệ rừng, bảo vệ các loại động vật hoang dã quý hiếm trên địa bàn huyện Kon Plông. Và để bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật hoang dã, cũng như bảo tồn toàn vẹn sự đa dạng sinh học của rừng Kon Plông, nhiều đại biểu cho rằng việc thành lập một Khu bảo tồn thiên nhiên tại đây là hết sức cần thiết và cấp bách.   

Ông Josh Kempinski - Trưởng đại diện Tổ chức FFI tại Việt Nam cho biết: Quần thể khoảng 500 cá thể chà vá chân xám sinh sống ở các khu rừng nguyên sinh thuộc huyện Kon Plông có thể là quần thể chà vá chân xám có số lượng cá thể lớn nhất trong phạm vi phân bố được biết tới. Ngoài ra, rừng Kon Plông còn có nhiều loài động vật nguy cấp, quý hiếm khác. Nơi đây xứng đáng là một trong những khu rừng có giá trị bảo tồn lớn nhất Việt Nam.

Đức Thành

Chuyên mục khác