Chung sức xây dựng nông thôn mới: Khó mấy cũng vượt

26/09/2020 06:02

Trong những ngày này về các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh, đâu đâu chúng tôi cũng được chứng kiến không khí hân hoan phấn khởi hướng về Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh. Khi được phỏng vấn, ai nấy cũng đều bày tỏ niềm tin, kỳ vọng về Đại hội khi chứng kiến sự đổi thay kỳ diệu của quê hương trong thời gian qua.

Anh Đinh Văn Quốc- một nông dân ở thôn Bình An (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) hồ hởi: Việc nối việc, lu bu tối ngày làm không hết. Mệt nhưng mà vui, có việc làm, có thu nhập, đời sống gia đình ngày một khá, xây được nhà, mua sắm đủ các vật dụng.

Đưa tay chỉ về lưới điện 220V chạy dọc cánh đồng, anh Quốc nói thêm: Trước đây, đời sống của gia đình tôi khó khăn lắm. Lao động chủ yếu bằng chân tay vất vả cực nhọc, năng suất thấp; đã vậy nông sản làm ra không tiêu thụ được, lại bị ép giá. Nhờ sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền mà thôn có đường, có điện, gia đình tôi cũng như mọi gia đình ở đây có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế gia đình. Tôi tin chắc rằng, Đại hội lần này sẽ có những quyết sách đột phá đưa tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Sự khởi sắc ấy không chỉ ở các vùng nông thôn thuận lợi, mà còn hiện diện rõ nét ở những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, lạc hậu như Đăk Tăng, Măng Cành, Ngọc Tem, Măng Bút (huyện Kon Plông) hay Đăk Pne, Đăk Kôi (huyện Kon Rẫy), Rờ Kơi, Mô Rai (huyện Sa Thầy), Ngọc Yêu, Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông)... Giờ đây, đường giao thông đã vươn đến từng thôn; trường học, trạm xá, điện sinh hoạt, công trình nước sạch... được đầu tư xây dựng, nâng cấp, đảm bảo chất lượng, đáp ứng đầy đủ nhu cầu hưởng thụ của mọi tầng lớp nhân dân; văn hóa xã hội, môi trường khu vực nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng; hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh; an ninh trật tự xã hội được giữ vững.

Sự đổi thay diệu kỳ ấy là thành quả của sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước; sự nỗ lực không ngừng nghỉ, sự quyết tâm cao độ của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà trong xây dựng nông thôn mới. Sự nỗ lực, quyết tâm ấy càng được thể hiện rõ nét trong nhiệm kỳ 2015-2020, khi Nghị quyết Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu: Phấn đấu đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có ít nhất 25 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Diện mạo xã Đoàn Kết (thành phố Kon Tum) khởi sắc từ thực hiện xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Đức Thành  

 

Có thể khẳng định, đây là một quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ tỉnh, bởi ở thời điểm đó, toàn tỉnh mới chỉ có 9/86 xã đạt 19/19 tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, 5 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 14 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 45 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và 13 xã đạt dưới 5 tiêu chí; bình quân đạt 8,7 tiêu chí/xã, so với năm 2010 tăng 5,91 tiêu chí/xã. Trong khi đó, do điều kiện đặc thù về địa hình khó khăn, phần lớn các xã thuộc vùng sâu, vùng xa nên việc đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn gặp nhiều khó khăn và suất đầu tư rất lớn... Một vấn đề nan giải đối với một tỉnh ngân sách còn hạn hẹp, tỷ lệ hộ nghèo cao như tỉnh ta.

Quyết tâm cao độ, mục tiêu xác định rõ, ngày 1/6/2016, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 01 “về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020, có tính đến năm 2025”. Nghị quyết xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương trong xây dựng nông thôn mới; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chỉ đạo từng ngành, địa phương tổ chức thực hiện, gắn trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ hàng năm và cả giai đoạn đối với lĩnh vực được giao.

Với sự chỉ đạo, sát sao, quyết liệt của Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ tầm quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xác định được đây là nhiệm vụ chính trị, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện đã có sự thay đổi căn bản về tư duy, đã chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể từng nội dung, không chờ đợi sự chỉ đạo của cấp trên... Lãnh đạo các địa phương, nhất là cấp xã đã chủ động, xác định được lợi thế, tiềm năng của địa phương để tập trung khai thác và lựa chọn phương pháp, cách thức triển khai xây dựng nông thôn mới một cách phù hợp và hiệu quả.

Trong điều kiện ngân sách đầu tư còn rất hạn chế, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng mới nâng cấp hạ tầng kinh tế - xã hội. Theo đó, các địa phương đã đầu tư xây dựng, nâng cấp trên 1.000 km đường giao thông thông thôn, xây dựng và sửa chữa 80 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 30 km kênh mương nội đồng, 100% xã có điện lưới quốc gia, xây dựng mới và sửa chữa nâng cấp cho 190 trường học các cấp, xây dựng mới 27 nhà văn hóa xã, xây mới và sửa chữa 340 nhà văn hóa thôn, 298 khu thể thao thôn... góp phần nâng cao điều kiện sống người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao thu nhập người dân.

Người dân thôn Đăk Tăng, xã Ngọk Tụ, huyện Đăk Tô ra quân làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: V.H 

 

Trong phát triển sản xuất, cùng với tập trung chỉ đạo thực hiện theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh các sản phẩm ngành hàng, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ một số loại cây có giá trị thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, hình thành các vùng sản xuất tập trung..., các địa phương còn chú trọng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển các mô hình sản xuất theo liên kết chuỗi đã được hình thành. Các hợp tác xã đã được tổ chức lại và thành lập mới đảm bảo theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Đến tháng 8/2019, toàn tỉnh đã có 68 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, ngoài ra đã thành lập được 01 Liên hiệp Hợp tác xã Nông công nghiệp xanh Kon Tum; có 112 tổ hợp tác thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, 108 trang trại trong lĩnh vực nông lâm nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng đạt kết quả cao, với tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 34%, đa số các học viên sau khi học nghề đã áp dụng vào thực tiễn công việc sản xuất của gia đình, nắm bắt kỹ thuật để phát triển sản xuất có hiệu quả, nâng cao năng suất lao động, cải thiện đời sống, tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình.

Cùng với phát triển kinh tế, chất lượng đời sống văn hóa tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao. Với đặc trưng văn hóa đa dạng, đậm đà bản sắc của 28 DTTS sinh sống trên địa bàn, trong đó có 7 dân tộc tại chỗ, các địa phương đã chú trọng công tác bảo tồn, phục dựng các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, phát huy các thế mạnh về văn hóa để phát triển du lịch, nhất là du lịch cộng đồng như tại huyện Kon Plông, thành phố Kon Tum...

Trong công tác tuyên truyền vận động nhân dân chung sức xây dựng nông thôn mới, các địa phương, đoàn thể đã có nhiều cách làm hay và sáng tạo như: Mô hình “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” do Hội LHPN tỉnh phát động; “Tuổi trẻ Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới” cùng các hoạt động ngày thứ Bảy tình nguyện, ngày Chủ nhật xanh do Tỉnh đoàn tổ chức; phong trào “Thi đua xây dựng nông thôn mới gắn với đô thị văn minh” của Hội Nông dân tỉnh...

Theo đó, phong trào “Kon Tum chung sức xây dựng nông thôn mới“ thực sự trở thành một phong trào có ý nghĩa, có tính nhân văn, đi vào cuộc sống và có sức lan tỏa sâu rộng ở các địa phương, thu hút được người dân và cộng đồng hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong 5 năm qua (2015-2020), toàn tỉnh xuất hiện nhiều điển hình tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới như: 2 hộ gia đình ông A Rơi và A Đông trú tại xã Ngọc Tụ (huyện Đăk Tô) hiến 12.800 m2 đất để xây dựng trường mầm non trung tâm xã và đường giao thông liên thôn; 2 hộ gia đình ông U Đê và A Leo trú tại xã Đăk Tơ Lung (huyện Kon Rẫy) hiến 750 m2  đất để làm đường giao thông nông thôn; ở huyện Ngọc Hồi có 2 hộ gia đình ông A Khao và A Dun trú tại xã Đăk Ang hiến 2.400 m2 đất, hộ gia đình ông Xa Văn Dương trú tại xã Pờ Y hiến 150 m2 đất thổ cư và 1 ngôi nhà cấp 4 có diện tích 80 m2 trị giá 350 triệu đồng để xây dựng đường giao thông nông thôn…

Với sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, của các sở, ngành và sự tham gia hưởng ứng tích cực của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh, trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh đã có 27 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, tăng 18 xã so với năm 2015, số tiêu chí đạt chuẩn bình quân/xã là 13,9 tiêu chí, tăng 5,2 tiêu chí so với năm 2015, không còn xã đạt chuẩn dưới 8 tiêu chí.

Ông Nguyễn Tấn Liêm - Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh khẳng định: Chương trình nông thôn mới thực sự đã đi vào đời sống, phù hợp với lòng dân, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Trong đó, quan trọng nhất là huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị nhằm góp phần tạo diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các xã nông thôn mới ngày càng được hoàn thiện, đời sống nhân dân được nâng cao, văn hóa xã hội có nhiều tiến bộ, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.       

Vĩnh Hà

Chuyên mục khác