14/06/2017 18:12
Theo ghi nhận tại các nhà vườn trồng chanh dây, trong năm 2016, giá chanh dây duy trì ở mức ổn định từ 10.000-12.000 đồng/kg. Từ tháng 2/2017 đến tháng 4/2017, giá chanh dây liên tục tăng mạnh, đỉnh điểm lên đến mức 43.000-50.000 đồng/kg. Bắt đầu từ giữa tháng 5/2017 đến nay, giá chanh dây được thương lái thu mua tại vườn đã giảm mạnh, còn từ 1.500-3.000 đồng/kg; có nơi nhà vườn khốn đốn khi quả đã chín nhưng không có thương lái đến thu mua.
Vì cho rằng 1ha cao su của gia đình trồng quá dày nên khả năng sẽ cho sản lượng mủ thấp (trong khi mủ cao su liên tục rớt giá), năm 2016, gia đình chị Lê Thị Anh Tân ở thôn Tân An, xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) sau khi tham quan vườn chanh dây của một người bạn tại tỉnh Gia Lai và biết người bạn đã thu tiền tỷ từ vườn cây này đã quyết định chặt bỏ vườn cây cao su (mặc dù gần đến kỳ cho thu hoạch) để trồng chanh dây.
Chị Tân cho biết, mặc dù kỹ thuật trồng chanh dây không khó nhưng đây là loại cây trồng đòi hỏi nhiều công chăm sóc và vốn đầu tư ban đầu rất cao. Dù đã tận dụng cây cao su để làm giàn nhưng số tiền gia đình chị Tân phải đầu tư ban đầu để trồng 1ha chanh dây lên đến 100 triệu đồng (trung bình nếu đầu tư ban đầu khoảng 150 triệu đồng/ha). Chi phí cao nhất là giống cây trồng, từ 32.000 đồng/cây (giống Nghệ An) đến 40.000 đồng/cây (giống Đài Loan). Thời gian đầu, cây trồng mới xuống giống đòi hỏi nhà vườn phải thường xuyên phun tưới, bón phân liên tục. Tuy vậy, khi cây trồng đã cho thu hoạch (sau khi xuống giống khoảng 6 tháng) thì thời gian thu hái có thể kéo dài đến 2 năm với sản lượng trung bình 90-100 tấn/ha.
|
Từ khi vườn chanh dây cho thu hoạch, gia đình chị Tân đã thu hái được 2 đợt: đợt đầu tiên thu trái bói được 2,5 tấn quả; đợt thứ hai thu hoạch được 11 tấn quả. Với mức giá bình ổn, có thời điểm tăng lên đến 43.000 -50.000 đồng/kg nên gia đình chị Tân đã cơ bản lấy lại được vốn.
Tuy nhiên, vườn cây mới bước vào thu hoạch chưa đầy năm, giá chanh dây bắt đầu rớt thê thảm, thương lái không mặn mà với việc thu mua nên gia đình chị Tân quyết định dừng việc đầu tư chăm sóc cho vườn cây. Hiện tại, vườn chanh dây của gia đình chị Tân còn khoảng 4 tấn quả chín, chị đang cố gắng tìm thương lái đến thu mua, thế nhưng, hầu hết các đầu mối thu mua chanh dây ở Kon Tum không mặn mà, còn các đầu mối ở Gia Lai thì cho biết nếu chanh dây đẹp (tức giống chanh dây Đài Loan) sẽ thu mua với mức giá khoảng 3.000 đồng/kg, còn giống chanh dây Nghệ An chỉ thu mua với giá 1.000-1.500 đồng/kg.
Đưa chúng tôi tham quan vườn cây, chị Tân thở dài: “Đúng là chua như chanh dây”. Chị chia sẻ, làm nông nghiệp bây giờ may rủi lắm, bởi nhà nông phải tự bươn chải để tìm đầu ra sản phẩm nên phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Hơn nữa, chanh dây không thể tích trữ được như các nông sản khác, dù giá cả có “rẻ như bèo” thì người nông dân cũng phải bán cho thương lái...
Chị Tân ngao ngán cho biết, gia đình chị dự định sau khi thu hái hết số quả trong vườn sẽ phá bỏ giàn để chuyển sang trồng loại cây trồng khác…
Theo ông Hoàng Nguyên Chiến – Chủ tịch xã Ia Chim: Do giá cao su, hồ tiêu và gần đây nhất là giá heo hơi giảm mạnh nên từ đầu năm 2016 đến nay, có hơn chục hộ nông dân trên địa bàn xã Ia Chim đã tự mày mò, chuyển đổi sang trồng chanh dây. Lúc đầu chỉ có một vài hộ trồng thử nghiệm sau đó thấy lợi nhuận cao, lại là loại cây dễ trồng nên đến nay diện tích trồng chanh dây tăng lên đến gần chục héc ta; có hộ gia đình đầu tư trồng cả héc ta. Những hộ nông dân trồng ở thời điểm đầu năm 2016 đến nay cơ bản đã phần nào lấy lại được vốn; số hộ mới trồng sau này chưa bước vào thu hoạch thì không khỏi lo lắng vì chi phí mức đầu tư ban đầu khá cao nên sẽ không tránh khỏi thua lỗ.
Theo một số thương lái, mặt hàng nông sản chanh dây phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc. Thế nhưng, thời điểm hiện nay, thị trường Trung Quốc ngưng thu mua. Sở dĩ một số nhà vườn vẫn có thể bán được chanh dây với giá rẻ là vì hiện có một số ít thương lái thu mua để mang ra các điểm chợ bán lẻ hoặc rao bán hàng trên các trang mạng xã hội kiếm lời.
Khảo sát tại khu vực Trung tâm thương mại Kon Tum, hiện giá chanh dây bán lẻ trên thị trường dao động từ 5.000-8.000 đồng/kg.
Trên địa bàn thành phố Kon Tum hiện nay có một số hộ nông dân ở các xã, phường chuyển đổi sang trồng chanh dây như Đăk Năng, Đăk Rơ Wa, Thắng Lợi… Tuy diện tích chanh dây chuyển đổi chưa nhiều nhưng đây cũng là bài học mà nông dân cần rút kinh nghiệm, không nên ồ ạt chuyển đổi cây trồng với diện tích lớn khi thấy giá cả thị trường tăng cao.
Cách đây vài năm, bà con nông dân ở huyện Đăk Hà cũng ồ ạt trồng chanh dây, nhiều hộ gia đình trồng 3-4 ha. Sau thời gian, giá chanh dây giảm mạnh, nhiều nơi không có người thu mua nên bà con đành phải chặt bỏ vườn cây chuyển sang trồng loại cây trồng khác. Từ đầu năm 2016 đến nay, chanh dây tăng giá trở lại, một số hộ nông dân ở đây cũng bắt đầu trồng lại; tuy nhiên, họ đã đề phòng hơn bằng việc trồng xen chanh dây với một số loại cây trồng khác để tránh rủi ro.
Bài, ảnh: Tú Quyên