Chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn

10/01/2024 07:04

Thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua, tỉnh ta chú trọng phát triển các ngành nghề nông thôn. Qua đó, góp phần tạo việc làm, giảm nghèo và tăng thu nhập cho người dân, đồng thời tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở các địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nhằm thúc đẩy quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới, năm 2019, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 812/KH-UBND (ngày 11/4/2019) về phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Trên cơ sở đó, các cấp, các ngành của tỉnh tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức người dân về việc bảo tồn, phát triển các ngành nghề nông thôn; tổ chức sắp xếp lại hoạt động sản xuất để khai thác hiệu quả tài nguyên, lợi thế của từng địa phương cũng như nguồn lao động tại chỗ.

Các ngành, các địa phương đã xác định rõ những ngành nghề trọng điểm, có lợi thế để ưu tiên đầu tư phát triển, đáp ứng yêu cầu của sản xuất hàng hóa gắn với thị thường tiêu thụ, hình thành sản phẩm có thương hiệu mạnh; gắn phát triển làng nghề với việc khai thác tốt tiềm năng du lịch để tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong khu vực nông thôn.

Nhiều cơ sở, hộ gia đình đầu tư vào ngành nghề chế biến nông sản. Ảnh: TH

 

Thông qua các chương trình, chính sách hỗ trợ của tỉnh như khuyến công địa phương, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tín dụng ưu đãi… tỉnh tiến hành khuyến khích, hỗ trợ cho nhiều cơ sở, đơn vị sản xuất ở nông thôn phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, việc triển khai thực hiện mạnh mẽ chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là “đòn bẩy” tạo động lực, điều kiện để các địa phương, người dân trên địa bàn quan tâm bảo tồn và phát triển các ngành nghề, làng nghề truyền thống. Qua đó, góp phần tạo ra nhiều dịch vụ, sản phẩm có mẫu mã, chất lượng và giá trị thương mại cao, hình thành nhóm sản phẩm đặc sản vùng miền.

Sau gần 5 năm triển khai Kế hoạch số 812/KH-UBND, việc phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 1.423 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ngành nghề nông thôn đảm bảo theo quy định. Trong đó, có 61 doanh nghiệp, 50 hợp tác xã, 25 tổ hợp tác và 60 hộ gia đình đầu tư phát triển các ngành nghề chế biến bảo quản nông, lâm, thủy sản tập trung ở các địa bàn như huyện Ia H’Drai, Đăk Tô, Đăk Hà; 13 doanh nghiệp và 49 hộ gia đình tham gia vào lĩnh vực sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ tập trung ở địa bàn thành phố Kon Tum, Ngọc Hồi; 23 doanh nghiệp, 1 tổ hợp tác và 1.141 hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành nghề đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ thủy tinh, dệt may, sợi, thêu, đan lát, cơ khí nhỏ chủ yếu tại các địa phương như Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Sa Thầy. Doanh thu từ ngành nghề nông thôn năm 2023 đạt 730 tỷ đồng.

Hiện nay, toàn tỉnh có 208 sản phẩm OCOP còn hiệu lực. Trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao, 6 sản phẩm tiềm năng 5 sao đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, 16 sản phẩm 4 sao, 3 sản phẩm tiềm năng 4 sao đang đề nghị Hội đồng OCOP cấp tỉnh đánh giá và 182 sản phẩm 3 sao.

Các nghề truyền thống được khôi phục và phát triển. Ảnh: TH

 

Việc phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã góp phần tạo việc làm, nhất là vào những thời gian nông nhàn, giúp gia tăng thu nhập cho một bộ phận người dân nông thôn; trong đó, có nhiều lao động không đủ điều kiện làm việc ở đô thị, khu công nghiệp, lao động khuyết tật.

Ước tính tổng số lao động hiện đang làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh các ngành nghề ở nông thôn vào khoảng 8.700 người; thu nhập bình quân đạt 6,9 triệu đồng/người/tháng.

Dù đã đạt được những kết quả bước đầu, nhưng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, công tác phát triển ngành nghề, làng nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh vẫn còn những bất cập, hạn chế. Bởi, hoạt động sản xuất, kinh doanh chủ yếu nhỏ lẻ, theo quy mô hộ gia đình nên chưa giải quyết, thu hút được nhiều lao động tại địa phương; số lượng ngành nghề nông thôn còn ít và cũng chưa hình thành được liên kết trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa; tuy đã hình thành được một số làng nghề, nhưng trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có làng nghề nào đạt được các tiêu chuẩn theo quy định để được công nhận.

Với định hướng phát triển đa dạng ngành nghề nông thôn gắn với tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp cùng với các ngành có liên quan và các địa phương của tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ vốn, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quảng bá, xúc tiến thương mại tạo cơ hội để người dân chuyển đổi ngành nghề. Đồng thời, tăng cường lồng ghép nguồn vốn các Chương trình MTQG để hỗ trợ phát triển các sản phẩm của các ngành nghề mới hình thành và các sản phẩm đặc trưng của từng địa phương.

Có thể nói, ngành nghề nông thôn là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế ở khu vực nông thôn. Vì vậy, việc chú trọng khôi phục và đẩy mạnh phát triển ngành nghề nông thôn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở mỗi địa phương.          

Thiên Hương

Chuyên mục khác