Chú trọng nâng cao chất lượng đô thị

08/11/2022 06:05

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và đầu tư phát triển đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, có trọng tâm, trọng điểm, góp phần tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đến nay, tỉnh ta đã phát triển 8 đô thị  gồm: 1 thành phố Kon Tum là đô thị loại III; thị trấn Plei Kần là đô thị loại IV; 6 thị trấn là đô thị loại V (Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy, Đăk Glei, Đăk Rve, Măng Đen) và 3 đô thị đang được đầu tư xây dựng hình thành mới (huyện lỵ các huyện Tu Mơ Rông, Kon Rẫy và Ia H’Drai). Tỷ lệ đô thị hóa của các đô thị trong toàn tỉnh được nâng cao qua từng năm, từ 33,4% năm 2007 lên 34,5% năm 2012 và năm 2021 là 38,26%. Diện mạo đô thị có nhiều khởi sắc. Tại các đô thị đã xuất hiện nhiều nhà cao tầng (5-7 tầng), nhiều công trình kiến trúc mang những sắc thái riêng, không còn nhà tạm, nhà kém kiên cố. Hạ tầng dịch vụ đô thị ngày càng được hoàn chỉnh, đồng bộ và hiện đại.

Đổi thay đô thị trung tâm thành phố Kon Tum. Ảnh: HN 

 

Nổi bật nhất phải kể đến đô thị trung tâm là thành phố Kon Tum đã có sự đổi thay nhanh chóng, có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện trên mọi lĩnh vực. Diện mạo kiến trúc và cảnh quan đô thị đã có bước thay đổi đáng kể, theo hướng khang trang và hiện đại. Cơ sở hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đã và đang được đầu tư đáng kể. Không gian sống đô thị ngày càng được nâng cao. Thành phố Kon Tum đã và đang huy động tối đa mọi nguồn lực tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với xây dựng nếp sống văn minh đô thị, nhất là sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư để xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nội thành, điện chiếu sáng công lộ, cây xanh, vườn hoa, công viên, quảng trường, phấn đấu đến năm 2023, đạt tiêu chí đô thị loại II (vùng cao, vùng sâu).

Bên cạnh những kết quả đạt được thì theo đánh giá, hiện nay, các trung tâm đô thị còn tương đối rời rạc và chưa có sự bứt phá, rõ ràng đô thị trọng tâm và đô thị động lực của vùng tỉnh. Do đó, việc đẩy mạnh các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là những tuyến đường trục chính, mạng lưới điện, viễn thông, tạo sự gắn kết phát triển kinh tế giữa các đô thị và cụm động lực trong vùng tỉnh, và giữa thành thị và nông thôn là hết sức cần thiết.

Hạ tầng giao thông ngày càng phát triển mạnh tại các đô thị. Ảnh: H.N 

 

Điều đáng mừng là Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm chú trọng đối với phát triển đô thị. Bằng chứng là UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới đô thị tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 và mới đây, ngày 23/8/2022, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là tiền đề quan trọng để tỉnh tiếp tục phát triển mạng lưới đô thị, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn trên địa bàn.

Đặc biệt, Nghị quyết 16-NQ/TU của Tỉnh ủy cũng đã đưa ra giải pháp cụ thể là: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững trên địa bàn tỉnh. Tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình đô thị hóa, công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị bền vững. Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng, quản lý phát triển đô thị bền vững. Tập trung xây dựng, phát triển hệ thống đô thị bền vững và đồng bộ về mạng lưới. Đẩy mạnh phát triển nhà ở, hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống dịch bệnh. Nâng cao chất lượng cuộc sống đô thị, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, an ninh trật tự tại các đô thị.

Trong đó, xác định rõ giải pháp trọng tâm là tập trung cải tạo, chỉnh trang, nâng cấp, mở rộng, khắc phục tình trạng trì trệ, thiếu động lực và không gian phát triển tại các đô thị hiện hữu; xây dựng và phát triển đô thị thông minh tại thành phố Kon Tum và thị trấn Măng Đen. Nâng cấp, cải tạo, xây dựng hệ thống hạ tầng xã hội tại các đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại; đồng thời, chú trọng phát triển hạ tầng đô thị có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, nhất là đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, cấp, thoát nước và xử lý chất thải đảm bảo đồng bộ, hiện đại. Phấn đấu đến 2025,  toàn  tỉnh sẽ có 11 đô thị, trong đó , thành phố Kon Tum là đô thị loại II (thành phố trực thuộc tỉnh); có 3 đô thị loại IV (huyện Ngọc Hồi, thị trấn Đăk Tô, thị trấn Đăk Hà), 7 đô thị loại V (gồm 4 đô thị hiện hữu là thị trấn Đăk Rve, Măng Đen, Sa Thầy, Đăk Glei; thành lập mới 3 đô thị tại trung tâm các huyện Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai). Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 40%; 100% các đô thị có quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, chương trình cải tạo, chỉnh trang, tái thiết và phát triển đô thị…      

Hà Nam

Chuyên mục khác