Chủ động ứng phó với thiên tai

14/05/2023 06:05

Diễn biến thời tiết, khí hậu ngày càng cực đoan, công việc phòng, chống thiên tai ngày càng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, việc nhận định đúng tình hình, theo dõi sát diễn biến thời tiết là yếu tố quan trọng giúp các cấp, các ngành chủ động xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả nhằm góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Theo nhận định của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, năm 2023, tình hình thời tiết trên địa bàn tỉnh có những diễn biến phức tạp, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan. Trong các tháng đầu năm 2023, tình hình nắng nóng, hạn hán đã xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh, gây thiếu nước cục bộ làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân. Mùa mưa năm 2023 bắt đầu từ đầu tháng 5, phù hợp quy luật nhiều năm ở hầu hết các khu vực trong tỉnh. Lượng mưa trong các tháng của mùa mưa trên toàn tỉnh khả năng đạt từ 250- 450mm/tháng, riêng khu vực huyện Ia H’Drai vào tháng 7- 8 có mưa từ 400- 650mm/tháng; khu vực huyện Kon Plông và các xã phía Đông huyện Tu Mơ Rông, các xã phía Bắc, Đông Bắc huyện Đăk Glei trong tháng 9, 10, 11 có mưa từ 400 -700mm/tháng.

Hằng năm, thiên tai, lũ lụt thường gây ra nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp. Ảnh: T.H

 

Ông Nguyễn Văn Huy- Giám đốc Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh cho biết: Tổng lượng mưa trong toàn mùa mưa năm 2023 dự báo đạt xấp xỉ trung bình nhiều năm và khả năng cao hơn so với mùa mưa năm 2022. Đặc biệt, từ tháng 8-10, trên địa bàn tỉnh sẽ xảy ra 4- 5 đợt mưa to trên diện rộng với số ngày mưa liên tục từ 2- 3 ngày; tổng lượng mưa đạt từ 150- 350mm/đợt. Năm nay, sẽ có khoảng 3- 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới tỉnh, tập trung trong thời kỳ từ tháng 8- 11, gây mưa vừa, mưa to đến rất to dẫn đến ngập lụt, lũ, lũ quét, sạt lở đất ở nhiều nơi.

Mưa lớn gây ra lũ trên hầu hết các sông, suối của tỉnh và năm nay được dự báo là năm nhiều lũ với khoảng 6- 8 đợt lũ xảy ra. Trong đó, có từ 3- 5 đợt lũ trung bình và lớn, mực nước đỉnh lũ có thể đạt mức báo động cấp II trở lên, xuất hiện tập trung trong khoảng từ tháng 8-10 trên các lưu vực sông Pô Kô, Sa Thầy và từ tháng 9- 11 trên sông Đăk Bla. Mực nước đỉnh lũ lớn nhất của năm 2023 trên các sông đạt cao hơn mức báo động cấp III từ 1,00- 2,50 mét.

Mưa bão, lũ lụt gây thiệt hại về vật chất, cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng xấu đến môi trường, điều kiện sống, các hoạt động kinh tế- xã hội của tỉnh, nhất là ở các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, giao thông, thủy lợi. Do đó, các cấp, các ngành cần nắm bắt, theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo để chủ động xây dựng phương án phòng tránh, ứng phó kịp thời, hiệu quả với thiên tai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại- ông Nguyễn Văn Huy chia sẻ.

Mưa lũ gây ảnh hưởng tới các công trình giao thông. Ảnh: TH

 

Trên cơ sở những nhận định thời tiết của Đài Khí tượng- Thủy văn tỉnh, hiện nay, các cấp, các ngành của tỉnh đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống thiên tai với quan điểm phòng tránh là chủ yếu, ứng phó kịp thời, khắc phục nhanh chóng, hiệu quả. Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai- tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã được củng cố, kiện toàn.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị chức năng xây dựng phương án tăng cường bảo đảm an toàn công trình thủy lợi trong mùa mưa, lũ năm 2023. Trong đó, tập trung rà soát, đánh giá hiện trạng của tất cả các công trình hồ đập; lập, điều chỉnh bổ sung quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa, vận hành cửa van hồ chứa; tiến hành bảo trì cho từng hạng mục công trình và thực hiện kiểm định an toàn hồ đập; xây dựng phương án bảo vệ đập, hồ chứa nước khi mưa lũ xảy ra.

Các ngành, các địa phương tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 cho phù hợp với tình hình thực tế; chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, nhu yếu phẩm, lực lượng sẵn sàng cho mọi tình huống với phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao năng lực và khả năng ứng phó với thiên cho người dân, nhất là ở những nơi có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, đá ở ven sông, suối; các khu vực ngầm, cầu tạm.

Phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt, góp phần bảo vệ cuộc sống người dân và những thành quả phát triển kinh tế- xã hội. Do đó, cùng với nỗ lực của các cấp, các ngành chức năng thì điều quan trọng là mỗi người dân, cộng đồng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, chủ động theo dõi thông tin thời tiết để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản của bản thân, gia đình và cộng đồng dân cư.         

Thiên Hương

Chuyên mục khác