Chủ động ứng phó và khắc phục sạt lở trong mùa mưa lũ

06/07/2023 06:04

Mặc dù đã có sự chủ động các phương án ứng phó, nhưng mới đầu mùa mưa tại các địa phương đã xuất hiện tình trạng sạt lở bờ sông, vùi lấp đất sản xuất của người dân, đồng thời, làm nhiều tuyến giao thông trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, gây hư hỏng, dẫn đến nguy cơ đứt đường.

Những ngày này, trên địa bàn tỉnh  liên tục xuất hiện những trận mưa nặng hạt, kéo dài, khiến nước trên các con sông cũng dâng lên nhanh chóng và chảy cuồn cuộn cuốn phăng mọi vật cản. Chúng tôi đi dọc các con sông lớn trên địa bàn tỉnh như sông Đăk Pne (qua huyện Kon Rẫy), sông Pô Kô (qua huyện Đăk Glei, Ngọc Hồi, Đăk Tô), sông Đăk Bla (qua thành phố Kon Tum) và chứng kiến bờ sông bị sạt lở nặng nề, làm đất sản xuất của người dân bị vùi dưới lòng sông và sông ngày càng xâm thực vào các công trình hạ tầng dọc hai bên bờ sông. 

Sạt lở tại vị trí cống xả nước đường Hai Bà Trưng (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum). Ảnh: PN

 

Đơn cử như dọc sông Đăk Pne qua huyện Kon Rẫy, hàng năm khi vào mùa mưa lũ tình trạng xói lở hai bên bờ sông ở khu vực này vẫn luôn tiếp diễn và có nguy cơ xâm thực ngày càng mạnh, ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản, đất đai và các công trình hạ tầng của Nhà nước và nhân dân trong khu vực vì chưa được đầu tư xây công trình kè chống xói lở bờ sông. Đi dọc con đường bê tông dẫn vào làng Kon Skôi (xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy) nằm dọc sông Đăk Pne, chúng tôi thấy nhiều rẫy đất trồng mì bị dòng sông “tấn công”, nhấn chìm. Có đoạn đường bê tông bị sông xâm lấn, làm sạt phần nền đường. Nhà dân cách sông rất gần, luôn trong tình trạng bị đe doạ khi mưa lũ đổ về.

 

Tương tự, đi dọc sông Pô Kô đoạn sông qua thôn Đăk Túc, xã Đăk Kroong (huyện Đăk Glei) chúng tôi chứng kiến dòng sông hung dữ cũng làm sạt lở nhiều diện tích đất sản xuất của người dân. Đặc biệt, một đoạn đường Hồ Chí Minh dài hàng chục mét cũng đang bị dòng sông uy hiếp vào sát mép đường. Quan sát tại đây, chúng tôi thấy con sông đã ăn dần vào phần hộ lan đường, làm phần kè bị sạt. Tình trạng này kéo dài mà không có phương án bảo vệ, đường Hồ Chí Minh sẽ bị con sông xâm lấn, nguy cơ sập cả nền đường.

Không chỉ vậy, mưa lũ cũng đã làm sạt lở mái ta luy tại Kè chống sạt lở bờ sông Pô Kô (đoạn qua thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei) hư hỏng nặng gần 100m kè. Ngay sau đó, đơn vị chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình NN-PTNT Kon Tum đã chỉ đạo đơn vị nhà thầu thi công tiến hành khắc phục tình trạng sạt lở.

Không chỉ ở các con sông gây ra tình trạng sạt lở, mà ngay thành phố Kon Tum, tình trạng sạt lở cũng xảy ra do mưa lũ, gây nguy cơ đứt đường. Cụ thể, tại tuyến đường Hai Bà Trưng (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) thời gian qua, mưa lớn kéo dài đã tạo ra dòng chảy tràn trên mặt đường và đổ xuống mái ta luy âm, làm sạt lở nặng, xói hở hàm ếch, gây nguy cơ đứt đường. UBND thành phố Kon Tum đã chỉ đạo ngành chức năng tham mưu trình UBND tỉnh cho chủ trương thực hiện đầu tư khẩn cấp trước hạng mục cống thoát nước ngang để khắc phục tình trạng sạt lở.

Sạt lở ăn sát vào đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Đăk Glei. Ảnh:P.N

 

Tình trạng đường bị sạt lở do mưa lũ cũng diễn ra tại một số địa bàn các huyện vùng sâu trong tỉnh. Như tại huyện Tu Mơ Rông, thời gian qua, trên địa bàn liên tục có mưa lớn kéo dài nên đã làm 3 đoạn của 2 tuyến đường đã bị sạt lở nặng (Tỉnh lộ 672 đường Ngọc Hoàng - Măng Bút - Tu Mơ Rông - Ngọc Linh).

Theo lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Tu Mơ Rông để giúp bà con đi lại, ngành chức năng đã cho khắc phục tạm điểm sạt lở trên Tỉnh lộ 672, còn đối với hư hỏng ở đường Ngọc Hoàng -Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh, địa phương đã báo Sở GT-VT tỉnh để chỉ đạo đơn vị quản lý đường tiến hành sửa chữa, khắc phục.

Ông Nguyễn Trọng Thọ- Trưởng Phòng Quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, Sở GT-VT cho biết, từ đầu mùa mưa đến nay, đã có 10 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường khác do Sở quản lý đã bị sạt lở, hư hỏng cầu cống vì mưa lớn và nước ngập gây thiệt hại khoảng 2,5 tỷ đồng. Để thông tuyến, đơn vị đã huy động các nhà thầu phụ trách bảo dưỡng các tuyến đường trên tiến hành khắc phục. Nhờ đó, các tuyến đường hư hỏng đã thông xe, giúp dân đi lại bình thường.

 Mùa mưa lũ đang vào thời kỳ cao điểm, ngoài việc đẩy nhanh tiến độ khắc phục các công trình hạ tầng, tuyến đường bị sạt lở thì ngành chức năng cũng như chính quyền địa phương cũng cần chủ động các biện pháp ứng phó với mưa lũ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân trong mùa mưa bão…

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác