16/08/2022 13:10
|
Từ đầu năm 2022 đến nay, địa bàn tỉnh phát sinh một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi như dịch tả lợn Châu Phi, cúm gia cầm, tụ huyết trùng… Cụ thể, dịch tả lợn Châu Phi đã làm 416 con lợn mắc bệnh và phải tiêu hủy tại 13 ổ bệnh trên địa bàn 5 huyện (gồm Ngọc Hồi, Sa Thầy, Kon Plông, Đăk Tô, Đăk Hà) và thành phố Kon Tum; bệnh cúm A/H5N1 phát sinh, buộc tiêu hủy 2.052 con gà và 1.100 vịt tại 2 ổ bệnh trên địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Ngọc Hồi; bệnh tụ huyết trùng làm 8 con trâu của 3 hộ chăn nuôi tại huyện Kon Plông mắc bệnh.
Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, mặc dù dịch bệnh vẫn xảy ra, nhưng các ổ bệnh đều có quy mô nhỏ và được phát hiện, khống chế, dập tắt sớm nên không lây lan ra diện rộng. Nhất là, nhiều bệnh nguy hiểm khác như bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục ở trâu bò các năm trước thường hay xảy ra, thì từ đầu năm 2022 đến nay không phát sinh, nên không gây thiệt hại nhiều về kinh tế đối với ngành chăn nuôi.
Tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển ổn định. Hiện tại, đàn vật nuôi đang an toàn với các dịch bệnh. Tổng đàn gia súc là 264.961 con, bằng 103,4% cùng kỳ, trong đó đàn trâu là 24.990 con, đàn bò là 84.550 con, đàn lợn là 155.421 con; tổng đàn gia cầm 1.852.000 con.
Để có được kết quả trên, cùng với sự chủ động của các hộ chăn nuôi, thời gian qua, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung triển khai thực hiện tốt công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn vật nuôi.
|
Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao trách nhiệm, ý thức của người chăn nuôi về việc tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm. Đồng thời, chủ động giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi, nhất là tại các khu vực đã từng có dịch bệnh xuất hiện, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới xảy ra; kiên quyết xử lý các trường hợp giấu dịch để dịch lây lan rộng.
Ông Hà Thanh Lâm - Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh) cho biết: Để đảm bảo công tác tiêm chủng đạt kết quả, trước các đợt tiêm phòng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chủ động tham mưu Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của địa phương tiến hành chuẩn bị nhân lực, dụng cụ, vật tư để triển khai công tác tiêm phòng; đề phòng trường hợp thiếu sót để kịp thời bổ sung. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, kỹ năng tiêm phòng cũng như là việc bảo quản vắc xin trước và trong quá trình tiêm phòng cho nhân viên thú y ở cơ sở. Các địa phương thông báo trước thời gian, địa điểm tiêm phòng cho người chăn nuôi; phân công các nhóm hộ làm gióng, giá cố định, tập trung nhân lực tổ chức tiêm theo từng cụm, từng khu vực. Trong quá trình triển khai tiêm phòng, Chi cục phân công cán bộ chuyên môn về các địa phương để phối hợp, hướng dẫn, giám sát việc tổ chức, triển khai tiêm phòng vắc xin đảm bảo đúng yêu cầu và tỷ lệ theo quy định.
Đến thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành công tác tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2022. Trong đó, đã tiêm 78.030 liều vắc xin lở mồm long móng và 63.600 liều vắc xin tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò; 28.680 liều vắc xin dịch tả, nhị liên cho đàn lợn; 292.000 liều vắc xin cúm cho đàn gia cầm; 24.381 liều vắc xin phòng dại cho chó, mèo. Qua đó, góp phần ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh xảy ra và lây lan rộng, tạo điều kiện cho người dân yên tâm phát triển sản xuất chăn nuôi.
Để tiếp tục hạn chế nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm, trong tháng 9 và tháng 10, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tiếp tục phối hợp với các địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi đợt 2 và tháng 12 sẽ tiếp tục triển khai đợt 3.
Ngành Thú y và các địa phương cũng tiến hành phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi cho các hộ có chăn nuôi gia súc, gia cầm cùng với thời gian tổ chức các đợt tiêm phòng vắc xin. Đồng thời, tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người chăn nuôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, tăng cường dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng, hạn chế phát sinh dịch bệnh.
Mặc dù hiện tại, đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đang an toàn, nhưng nguy cơ phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm vẫn luôn tiềm ẩn. Vì vậy, việc đẩy mạnh công tác tiêm phòng vắc xin là biện pháp phòng bệnh chủ động và hiệu quả nhất, đảm bảo lĩnh vực chăn nuôi phát triển bền vững, hiệu quả.
Thiên Hương