Chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm

18/02/2023 06:03

Vượt qua những số liệu thống kê, tôi cảm nhận rất rõ sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của nhiều hộ nghèo ở huyện biên giới Ia H’Drai. Điều đặc biệt là sự thay đổi ấy đã chuyển từ “thụ động” sang “chủ động”.

Tôi vẫn nhớ rất rõ lần đầu đến thăm nhà anh Trương Văn Phúc (thôn Chư Hem, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) vào giữa năm 2021. Theo giới thiệu của chính quyền xã, gia đình anh Phúc là hộ nghèo, nguồn thu nhập chính từ lương công nhân cao su không đảm bảo cho cuộc sống.

Bản thân tôi cũng muốn đầu tư cho chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình, nhưng cái khó bó cái khôn, tiền bạc không có, nên những trăn trở về hướng làm ăn cũng bị “bóp nghẹt” ngay từ đầu- anh Phúc chia sẻ.

Nhiều hộ nghèo huyện Ia H'Drai vươn lên thoát nghèo từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Ảnh: HL

 

May mắn là Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai. Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Đal vận động anh tham gia mô hình nuôi heo lai rừng do xã triển khai, đồng thời hỗ trợ 15 triệu đồng để gia đình thực hiện mô hình.

Với số tiền trên, anh Phúc mua 10 con heo giống, tận dụng những vật liệu cũ để xây dựng chuồng trại; tận dụng cây chuối, cám gạo, trồng rau lấy thứ ăn cho heo nên tiết kiệm chi phí. Sau vài tháng tham gia mô hình, đàn heo bắt đầu sinh sản, giúp gia đình có thêm thu nhập.

Và hôm nay, dù cuộc sống vẫn còn không ít khó khăn, nhưng đã reo vui những thanh âm mới. Và quan trọng nhất, gia đình anh đã thoát nghèo.

Quan trọng là bản thân dám thay đổi khi được hỗ trợ để thay đổi- anh Phúc nói- Ban đầu, nói đến vay vốn làm ăn thì tôi cũng lo ngại, cứ lo lắng, băn khoăn “lỡ có chuyện gì, lấy tiền đâu mà trả nợ”. Nhưng được cán bộ xã, thôn vận động, hướng dẫn, tôi đã quyết định tham gia mô hình. Và thực tế đã chứng minh rằng tôi đã quyết định đúng.

Gia đình anh Phúc chỉ là một trong số nhiều hộ gia đình nghèo ở huyện Ia H’Drai đã vươn lên từ khi Cuộc vận động được cấp ủy, chính quyền huyện Ia H’Drai triển khai trên địa bàn.

Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động huyện, trong 2 năm 2021-2022, Cuộc vận động đã được triển khai quyết liệt, với sự vào cuộc cuộc của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng tích cực của nhân dân, nên đạt hiệu quả cao.

Trong đó, địa phương chú trọng việc triển khai các mô hình cụ thể để vừa giúp hộ gia đình tham gia mô hình vươn lên, vừa là “giáo cụ” trực quan để các hộ nghèo học tập. Hiện nay, huyện duy trì 1 mô hình “Vệ sinh môi trường, trồng rau sạch; vận động nhân dân ăn chín, uống sôi tại điểm dân cư 64, thôn Ia Đơr, xã Ia Tơi”; ở cấp xã triển khai xây dựng 30 mô hình, đảm bảo phù hợp với tình hình và yêu cầu thực tế tại địa phương.

Đã có nhiều hộ đồng bào DTTS mạnh dạn vay vốn từ nguồn vốn vay ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện (thông qua các hội, đoàn thể các cấp). Đến nay có 76 hộ DTTS nghèo, cận nghèo tham gia tổ hợp tác, nhóm liên kết đầu tư chăn nuôi phát triển sản xuất với số tiền hơn 6,3 tỷ đồng để xây dựng 26/31 mô hình.

Ông A Khiên- Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện đánh giá, qua 2 năm triển khai thực hiện, Cuộc vận động đã huy động được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị và được các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng thực hiện, nhất là đồng bào DTTS, từ đó mang lại hiệu quả thiết thực góp phần đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo trên địa bàn huyện.

Mấu chốt của vấn đề là phải thay đổi được nếp nghĩ của bà con, phải nhổ bật cái tư tưởng cam chịu đói nghèo đã thâm căn cố đế, đã bám nhiều như rễ tranh, rễ le trong suy nghĩ của bà con. Một khi tư tưởng thông thì việc lớn đến mấy cũng xong; tư tưởng mà tắc thì việc nhỏ cũng ì ạch- ông A Khiên nhấn mạnh.

Vượt qua những số liệu thống kê, tôi cảm nhận rất rõ sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của nhiều hộ nghèo ở huyện biên giới Ia H’Drai. Điều đặc biệt là sự thay đổi ấy đã chuyển từ “thụ động” sang “chủ động”.

Minh chứng là đã có gần 2.200 hộ đồng bào DTTS chủ động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, bỏ dần các hủ tục, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 100% các hộ đồng bào DTTS biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất; gần 690 hộ đồng bào DTTS có đời sống vật chất, tinh thần được cải thiện, có chiều hướng thoát nghèo vào đầu năm 2023.

Phát triển chăn nuôi đại gia súc ở Ia H'Drai. Ảnh: HL

 

Ông Võ Anh Tuấn- Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai nhấn mạnh rằng, trong quá trình triển khai Cuộc vận động, không chỉ nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, mà cán bộ, đảng viên  cũng sửa đổi cách tuyên truyền, vận động theo hướng cụ thể, thiết thực, tránh hình thức; khắc phục sự quan liêu, xa dân; thực hiện tốt phong cách công tác dân vận “Trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân”.

Với mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2023 giảm khoảng 7- 9% hộ nghèo, huyện Ia H’Drai xác định tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Theo đó, các cấp, ngành tiếp tục phối hợp, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia vay các nguồn vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đầu tư vào các lĩnh vực để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Tăng cường kiểm tra, kết hợp với hướng dẫn nhân dân sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả; đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động giảm nghèo trong đồng bào DTTS; cụ thể hóa nội dung Cuộc vận động gắn với việc triển khai Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các phong trào, các cuộc vận động của các đoàn thể chính trị - xã hội chủ trì.

Tiếp tục vận động người dân thay đổi ý thức, tính kỷ luật trong lao động, sản xuất, thúc đẩy tính cần cù, chịu khó làm kinh tế, vận động nhân dân xóa bỏ những phong tục, tập quán không còn phù hợp.   

Hồng Lam

Chuyên mục khác