Chủ động phòng chống hạn cho cây trồng

17/03/2021 13:08

Hiện nay, tỉnh ta đang ở giai đoạn cao điểm của mùa khô. Để ứng phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, bảo vệ mùa màng, ngành Nông nghiệp và các địa phương chủ động triển khai nhiều biện pháp quản lý nguồn nước, điều tiết nước tưới, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do hạn hán gây ra.

Nhằm đảm bảo nguồn nước phục vụ yêu cầu sản xuất, ngay từ cuối mùa mưa năm 2020, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh đã kiểm tra, rà soát tất cả các hồ chứa nước; triển khai các giải pháp gia tăng khả năng tích trữ nước trong phạm vi cho phép. Trên toàn tỉnh có 15 hồ chứa được nâng khả năng tích trữ thêm gần 1,5 triệu m3 nước. Đồng thời, Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh cũng xây dựng kế hoạch cấp nước tưới cho từng khu vực, công trình; thực hiện điều tiết nước một cách hợp lý  để hạn chế tối đa tình trạng thiếu nước vào các tháng cuối vụ; tiến hành bảo dưỡng sửa chữa máy móc, thiết bị vận hành, các máy bơm dự phòng để đảm bảo chủ động trong công tác điều tiết phục vụ tưới và bơm nước khi có hạn xảy ra.

Nhờ chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống hạn hán nên đến thời điểm này, các công trình thủy lợi do Ban Quản lý khai thác các công trình thủy lợi tỉnh vận hành vẫn đảm bảo cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất vụ Đông - Xuân.

Cùng với Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh, mỗi huyện, thành phố cũng có phương án riêng để ứng phó với khô hạn phù hợp với đặc điểm, tình hình của địa phương mình.

Huyện Đăk Hà vận động người dân sử dụng nước hiệu quả, tránh lãng phí để đảm bảo nước tưới cho cây trồng. Ảnh: TH

 

Chẳng hạn như huyện Đăk Hà, với diện tích trên 12.000 ha cà phê và gần 2.000 ha cây trồng hàng năm của vụ Đông - Xuân nên nhu cầu về nguồn nước tưới là rất lớn. Vì vậy, để việc cung cấp nước tưới ổn định, đáp ứng yêu cầu sản xuất, trước khi bước vào giai đoạn cao điểm mùa khô, ngành Nông nghiệp huyện và các địa phương vận động người dân tham gia cùng lực lượng chức năng tiến hành nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy; xây dựng lịch tưới nước cho các xã, thị trấn và thông báo cụ thể cho nhân dân.

Ông Ngô Hồng Hưng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đăk Hà cho biết: Trên địa bàn huyện hiện có 32 công trình thủy lợi lớn, nhỏ phục vụ nhu cầu tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Đến thời điểm này, toàn bộ diện cây trồng trên địa bàn huyện vẫn cơ bản đảm bảo đủ nước tưới, chưa xảy ra khô hạn. Tuy nhiên, để chủ động ứng phó với khô hạn, cùng với việc thực hiện tốt công tác điều tiết, phân phối nguồn nước, Phòng Nông nghiệp huyện cùng với các xã, thị trấn  tích cực tuyên truyền cho bà con thực hiện tưới nước tiết kiệm, chú ý tránh để thất thoát nguồn nước, cố gắng không để diện tích cây trồng nào trong quy hoạch bị thiếu nước.

Lực lượng thủy nông viên trên địa bàn huyện Sa Thầy thường xuyên bám đồng để điều tiết nước. Ảnh: T.H

 

Với huyện Sa Thầy, ngay từ đầu năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã tham mưu UBND huyện ban hành kế hoạch phòng, chống hạn trên địa bàn để triển khai cho các địa phương. Theo đó, để chủ động né hạn, ngành Nông nghiệp hướng dẫn các địa phương vận động người dân lựa chọn cơ cấu giống, thời điểm gieo trồng cho từng khu vực một cách hợp lý; chuyển đổi những diện tích trồng lúa thường xảy ra thiếu nước sang trồng các loại cây ngắn ngày khác; huy động nhân dân sửa chữa những công trình thủy lợi bị hư hỏng, nạo vét, tu bổ lại hệ thống kênh mương, khơi thông dòng chảy…

Nhờ vậy, hiện tại các loại cây trồng trên địa bàn huyện Sa Thầy đều phát triển tốt, chưa có diện tích nào bị khô hạn. Tuy nhiên, một số diện tích lúa do nằm ở cuối kênh, ở khe suối, đập tạm nên đang phải thực hiện tưới luân phiên; dự báo, khả năng đến cuối tháng 3 có khoảng 30 ha sẽ bị thiếu nước.

Ông Văn Tất Cường - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Ngay từ đầu vụ Đông - Xuân 2020 - 2021, đơn vị đã tham mưu  UBND tỉnh ban hành kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống hạn trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề ra giải pháp phòng, chống hạn đối với các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt do cấp tỉnh và cấp huyện quản lý; chú trọng đến các khu vực có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Chi cục Thủy lợi thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, tình hình nguồn nước, mực nước các hồ chứa thủy lợi để có giải pháp ứng phó kịp thời. Đồng thời, phối hợp, đôn đốc các huyện, thành phố, đơn vị quản lý khai thác công trình thực hiện nghiêm kế hoạch sử dụng nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và phòng, chống hạn cụ thể, chi tiết theo từng địa phương; tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp tích trữ nước, sử dụng nước hiệu quả, tiết kiệm.

Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, mực nước các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 65% dung tích trữ trở lên, đảm bảo cung cấp nước phục vụ sản xuất cho giai đoạn còn lại của vụ Đông - Xuân. Tuy nhiên, thời tiết đang bước giai đoạn cao điểm của mùa khô, nắng nóng kéo dài nên một số khu vực thuộc thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Đăk Hà, Kon Rẫy… có thể sẽ xảy ra khô hạn cục bộ. Ước tính, khoảng 1.000 ha cây trồng có khả năng sẽ bị thiếu nước. Do đó, hiện nay, các đơn vị chuyên môn của ngành Nông nghiệp cùng các đơn vị đang tích cực rà soát, đánh giá cụ thể tình hình hạn hán để đề ra phương án xử lý phù hợp, hiệu quả.

Để đảm bảo nguồn nước tưới, chống hạn một cách hiệu quả thì cùng với các giải pháp của ngành Nông nghiệp, các địa phương thì cần có sự phối hợp tích cực của người dân trong quá trình bơm, sử dụng nước tưới. 

Thiên Hương

Chuyên mục khác