12/11/2023 13:10
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 10/2023, trên toàn tỉnh, tổng đàn trâu hiện có là 24.084 con, tổng đàn bò là 84.992 con và đàn heo là 164.038 con. Hiện nay, phương thức chăn nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh ta vẫn là chăn nuôi nông hộ, quy mô nhỏ lẻ, chưa áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn; nhất là ở vùng DTTS, phần lớn người dân vẫn giữ thói quen chăn nuôi theo kiểu thả rông, tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, đói, rét.
|
Để hạn chế thấp nhất những thiệt hại do thời tiết bất lợi có thể gây ra trong mùa Đông- Xuân 2023-2024, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp các địa phương, nhất là 3 huyện có điều kiện thời tiết khắc nghiệt là Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei, triển khai nhiều biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi.
Theo đó, ngành chức năng và các địa phương tập trung tuyên truyền, vận động người chăn nuôi, nhất là hộ đồng bào DTTS thay đổi phương thức chăn nuôi, chuyển từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt có quản lý; chủ động phòng, chống đói, rét, dịch bệnh cho đàn vật nuôi; từng bước áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào chăn nuôi để nâng cao năng suất, chất lượng đàn gia súc và hiệu quả chăn nuôi.
Đồng thời, hướng dẫn người dân kỹ thuật xây dựng, gia cố chuồng nuôi đảm bảo phòng tránh mưa, rét cho trâu, bò. Trong quá trình sản xuất, thu gom các phụ phẩm nông nghiệp, làm cây rơm, thu gom lá cây bắp, ngọn lá mía; tận dụng đất trống xung quanh vườn nhà để trồng cỏ, trồng bắp dày để làm thức ăn cho trâu, bò nhằm đảm bảo thức ăn cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức nhiều lớp tập huấn hướng dẫn đội ngũ cán bộ thôn, làng và các hộ chăn nuôi triển khai các phương án ứng phó kịp thời khi rét đậm, rét hại xảy ra, như tổ chức chăm sóc, nuôi dưỡng gia súc trong thời điểm mưa, rét; thực hiện nuôi nhốt trâu bò tại chuồng, không chăn thả khi nhiệt đới xuống thấp dưới 12oC; giữ khô nền chuồng, che chắn tránh gió lùa, làm áo khoác giữ ấm, tạo nguồn nhiệt (đốt trấu, củi) sưởi ấm cho trâu, bò. Qua đó, nâng cao kiến thức, kỹ năng của người dân trong việc phòng chống đói, rét cho đàn trâu bò, hạn chế thấp nhất những thiệt hại người dân trong chăn nuôi trước tác động của thời tiết.
|
Song song với công tác tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân cách phòng chống, đói, rét cho đàn vật nuôi, ngành Nông nghiệp và các địa phương chú trọng thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, nhất là trong những thời điểm giao mùa, thời tiết giá rét khiến sức đề kháng của vật nuôi giảm sút.
Theo đó, từ tháng 9/2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố trên địa bàn tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho động vật. Trong đó, tập trung vào các bệnh nguy hiểm như lở mồm long móng, viêm da nổi cục, dịch tả lợn châu Phi, dại đảm bảo trên 80% đàn gia súc được tiêm phòng đầy đủ; triển khai tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng đợt 2.
Đội ngũ cán bộ thú y được giao phụ trách các địa phương thường xuyên bám địa bàn để theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh, nhất là tại các ổ bệnh cũ, khu vực có nguy cơ cao để phát hiện sớm, cảnh báo kịp thời và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát sinh; hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, xử lý xác gia súc và chất thải vật nuôi theo quy định, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi của gia đình để kịp thời phòng dịch bệnh xảy ra; tổ chức các đoàn kiểm tra thường xuyên nắm bắt tình hình, đôn đốc, nhắc nhở các địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống đói, rét cho đàn gia súc.
Các ngành chức năng và chính quyền các địa phương chú trọng công tác quản lý hoạt động vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật, giết mổ động vật, nhằm không để dịch bệnh phát tán, lây lan làm ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Việc chủ động triển khai sớm các giải pháp phòng chống đói, rét và phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, góp phần bảo đảm để người chăn nuôi ổn định sinh kế và hạn chế thiệt hại kinh tế trong chăn nuôi do ảnh hưởng của tình hình thời tiết bất lợi gây ra. Bên cạnh đó, qua công tác tuyên truyền, hướng dẫn của ngành chức năng cũng từng bước thay đổi nếp, cách làm người dân, nhất là các hộ đồng bào DTTS trong chăn nuôi. Từ đó, từng bước hạn chế chăn nuôi theo hình thức nhỏ lẻ, manh mún, chuyển sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa, hiệu quả và bền vững hơn.
Thời điểm cuối năm, thời tiết ở nhiều vùng trên địa bàn tỉnh có diễn biến thất thường, mưa lạnh, khiến cho sức đề kháng của đàn vật nuôi giảm, trong khi đó, hoạt động buôn bán, vận chuyển giết mổ động vật thường tăng cao, dẫn đến nguy cơ cao phát sinh nhiều dịch bệnh. Vì vậy, việc thực hiện tốt các biện pháp bảo vệ an toàn đàn vật nuôi không chỉ bảo vệ tài sản lớn của người dân mà còn góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán.
Thiên Hương