19/02/2022 13:18
Để trồng mới 500ha sâm Ngọc Linh, UBND tỉnh đã giao huyện Đăk Glei tổ chức thực hiện trồng 10ha trong nhân dân và huyện Tu Mơ Rông triển khai trồng 490ha. Riêng huyện Tu Mơ Rông sẽ phát triển 8ha sâm Ngọc Linh trong nhân dân, 482ha còn lại do các doanh nghiệp thực hiện.
Đối với 2.000ha được liệu khác, UBND tỉnh phân bổ cho các địa phương gồm thành phố Kon Tum 185ha, huyện Đăk Hà 165ha, Đăk Tô 150ha, Đăk Glei 300ha, Ngọc Hồi 100ha, Kon Rẫy 50ha, Kon Plông 400ha, Sa Thầy 100ha, Tu Mơ Rông 500ha và Ia H’Drai 50ha.
Nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng dược liệu năm 2022, ngay từ cuối năm 2021, đầu năm 2022, các huyện, thành phố đã xây dựng phương án cung ứng và đăng ký nguồn giống cây, đặc biệt là giống sâm Ngọc Linh.
Chẳng hạn như ở huyện Đăk Glei, để thực hiện trồng mới 100.000 cây sâm Ngọc Linh (tương đương với 10ha), UBND huyện đã chủ động giao chỉ tiêu cho từng xã nằm trong vùng quy hoạch để triển khai cho nhân dân. Tuy nhiên, điều mà địa phương trăn trở nhất là chưa chủ động được nguồn giống tại chỗ.
|
Còn tại huyện Tu Mơ Rông, trên cơ sở được tỉnh giao, UBND huyện đã phân bổ chỉ tiêu cho các xã đăng ký thực hiện trồng mới 80.000 cây sâm Ngọc Linh (tương đương 8ha). Các doanh nghiệp đăng ký với địa phương và ngành Nông nghiệp triển khai trồng mới diện tích sâm Ngọc Linh như sau: Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng 3.000.000 cây (tương đương 300ha); Công ty Cổ phần Vingin trồng mới 1.670.000 cây (tương đương 167ha); Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Đăk Tô trồng 100.000 cây (tương đương 10ha), còn lại các doanh nghiệp khác trồng 50.000 cây (tương đương 5ha). Để đảm bảo thực hiện kế hoạch trồng sâm vụ mới, các doanh nghiệp đã chủ động nguồn giống; nhân dân trên địa bàn cũng có thể xuất vườn được khoảng 70.000 cây giống, tương đương với 7ha. Tuy nhiên, địa phương vẫn còn thiếu khoảng 10.000 cây giống, tương đương 1ha để triển khai trong nhân dân.
Trước băn khoăn, lo lắng của các địa phương về nguồn giống sâm Ngọc Linh, giữa tháng 12/2021, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị bàn giải pháp củng cố, đẩy mạnh phát triển các hợp tác xã và xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn tỉnh để thảo luận, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nguồn giống.
Là các doanh nghiệp có đủ điều kiện sản xuất và cung ứng giống sâm Ngọc Linh ra thị trường, 2 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô và Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã cam kết sẽ cung ứng, hỗ trợ các địa phương để giúp người dân tiếp cận với nguồn giống chất lượng, giá thành phù hợp, đảm bảo hài hòa lợi ích cho cả người dân và doanh nghiệp. Hiện tại, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã thiết lập vườn ươm sâm Ngọc Linh với công suất 3,7 triệu cây/năm; Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Đăk Tô đã xây dựng được vườn ươm với công suất hơn 300.000 cây/năm để phục vụ cho nhu cầu của doanh nghiệp và góp phần cung ứng cho nhân dân.
Ngoài ra, để đảm bảo cung ứng nguồn giống sâm Ngọc Linh lâu dài, ổn định, các doanh nghiệp và các địa phương cũng tính toán phương án hỗ trợ xây dựng vườn ươm tại 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei. Phấn đấu đến năm 2025, nâng tổng diện tích sâm Ngọc Linh toàn tỉnh lên khoảng 4.500ha, các cây dược liệu khác khoảng 10.000ha.
Cùng với sâm Ngọc Linh, để đảm bảo kế hoạch trồng các loại dược liệu khác, UBND các huyện, thành phố cũng đã tiến hành phân bổ chỉ tiêu cho các xã, thị trấn, doanh nghiệp, hợp tác xã đứng chân trên địa bàn xây dựng phương án tổ chức thực hiện. Điểm thuận lợi khi triển khai kế hoạch trồng mới 2.000ha dược liệu khác trên địa bàn tỉnh là hầu hết người dân, các đơn vị sản xuất, hợp tác xã đã chủ động được nguồn giống, vừa có thể tự cung ứng, vừa hỗ trợ nguồn giống cho nhau.
Như tại huyện Tu Mơ Rông, hiện nay trên địa bàn có tới 7 hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức ươm giống sâm dây và các cây dược liệu khác như đương quy, thảo quả, sơn trà, ngũ vị tử... đáp ứng nhu cầu trồng của các đơn vị và cung ứng giống cây cho người dân tại địa bàn và các địa phương lân cận.
Phát triển các loại dược liệu, đặc biệt là sâm Ngọc Linh, được tỉnh ta xác định là một trong những sản phẩm có lợi thế và là sản phẩm chủ lực, giúp người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo. Vì vậy, để từng bước mở rộng diện tích trồng dược liệu, phục vụ nhu cầu thị trường và chế biến sâu thì việc đảm bảo nguồn giống được coi là yếu tố đầu tiên, có ý nghĩa rất quan trọng.
Thiên Hương