16/07/2018 07:06
Hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh ta hiện có lưới điện cao thế với đường dây 500kV, 220kV và 110kV, tổng chiều dài là 487,21km do Truyền tải điện Kon Tum và Chi nhánh Điện Cao thế Kon Tum quản lý; lưới điện trung thế và hạ thế với tổng chiều dài gần 3.600km do Công ty Điện lực Kon Tum quản lý.
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống lưới điện trong mùa mưa bão, từ đầu mùa mưa, ngành Công thương đã khảo sát, đánh giá và xác định rõ những công trình trọng điểm có nguy cơ bị ảnh hưởng cao khi có thiên tai.
Theo ngành chức năng, đường dây cao thế 500kV qua địa bàn tỉnh ta với chiều dài hơn 246km đoạn từ Kon Tum - Đăk Glei, đoạn từ Kon Rẫy - Kon Plông - Quảng Ngãi hầu hết nằm trên các sườn đồi núi, địa hình phức tạp có nguy cơ xảy ra các sự cố khi có mưa, bão lớn.
|
Đường dây trung thế và hạ thế hầu hết được xây dựng dọc theo các quốc lộ, tỉnh lộ, đi qua nhiều vùng đồi núi, đồng ruộng và vượt sông nên khi có mưa to, gió lớn, bão lụt dễ bị sạt lở gây đổ trụ, đứt dây.
Trong khi đó, hệ thống hạ tầng giao thông đi lại ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh còn khó khăn nên công tác xử lý khắc phục sự cố sẽ gặp nhiều trở ngại, dễ bị mất điện kéo dài.
Bên cạnh đó, hệ thống đường dây tải điện đoạn từ các nhà máy như Plei Krông, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4A, Đăk Đrinh đến điểm đấu nối vào lưới quốc gia phần lớn đi qua địa hình sườn đồi núi và một số vùng trũng, khi mưa bão có thể bị sạt lở móng trụ, đổ trụ, đứt dây điện bất cứ vị trí nào trên đường dây.
Cùng với việc xác định các công trình trọng điểm, ngành Công thương cũng xác định rõ những khu vực xung yếu thường xảy ra ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất như Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei, Đăk Tô, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi để tập trung ứng phó.
Nhằm chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống thiên tai, các đơn vị quản lý lưới điện đã kiện toàn Ban chỉ huy phòng chống lụt bão; chuẩn bị đầy đủ vật liệu, phương tiện, lương thực và các nhu yếu phẩm; thành lập đội xung kích chủ lực phòng chống lụt bão; lập phương thức vận hành hệ thống điện trong mùa mưa bão của đơn vị mình.
Các đơn vị thường xuyên chú trọng kiểm tra để đảm bảo an toàn tuyệt đối ở các điểm cột điện vượt sông, vượt đường, cột điện có độ cao lớn và các vị trí hãm, néo quan trọng…
Ngay từ đầu mùa mưa, các đơn vị cũng đã nghiêm túc thực hiện phát quang hành lang lưới điện; phối hợp chặt chẽ với các địa phương bảo vệ các đường ra vào trạm biến áp, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành tốt hành lang an toàn lưới điện...
Theo đánh giá của ngành Công thương, các đơn vị quản lý lưới điện trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị tốt và chu đáo theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện, kinh phí tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (sẵn dàng chủ động phòng tránh; sẵn sàng đối phó kịp thời; sẵn sàng khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Khi có mưa bão lớn, thiên tai xảy ra, cùng với việc bảo vệ các công trình lưới điện, các đơn vị này sẽ sử dụng các loại vật tư, phương tiện, lực lượng tại chỗ của đơn vị mình và phối hợp với địa phương để triển khai ứng cứu, cứu hộ, tổ chức sơ tán ra khỏi khu vực trọng điểm xung yếu, đảm bảo tính mạng, tài sản của nhân dân.
Là đơn vị quản lý lưới điện trung và hạ thế có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng bởi bão lũ, năm nay, Công ty Điện lực Kon Tum đã xây dựng và triển khai nhiều biện pháp ứng phó với thiên tai.
Ông Ngô Lê Thành – Phó Giám đốc Công ty cho biết: Nhằm đảm bảo lưới điện vận hành an toàn liên tục trong mùa mưa bão năm 2018, thời gian qua, đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát các vị trí xung yếu và có biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế. Đơn vị đã tiến hành phát quang hành lang lưới điện; tu bổ, vệ sinh hệ thống đường dây và trạm biến áp; kiểm tra các điểm tiếp địa, chống sét của các trạm biến áp, móng cột đường dây; gia cố các vị trí có nguy cơ sạt lở... Công ty cũng chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang thiết bị, dụng cụ; nếu xảy ra sự cố sẽ đảm bảo tập trung xử lý một cách nhanh nhất để cung cấp điện kịp thời cho khách hàng; trong đó, ưu tiên cấp điện cho khu vực biên giới, đảm bảo an ninh quốc phòng. Ngoài ra, Công ty đã kịp thời bổ sung thiết bị thông tin liên lạc, vật tư và thiết bị dự phòng, chuẩn bị tốt các phương án tìm kiếm cứu nạn; tổ chức diễn tập xử lý sự cố…
Bên cạnh các đơn vị quản lý lưới điện, các công ty thuỷ điện cũng đã xây dựng phương án phòng chống lụt bão, bảo vệ an toàn đập của đơn vị; cam kết thực hiện nghiêm túc quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa; huy động lực lượng trực; chuẩn bị phương tiện, vật tư, dụng cụ sẵn sàng triển khai công tác ứng phó khi cần thiết. Các đơn vị này cũng dự trữ vật liệu, lương thực tại chỗ, đảm bảo khắc phụ hậu quả, duy trì sản xuất.
Với tinh thần chủ động, các phương án sát thực, ngành Điện của tỉnh quyết tâm ứng phó với thiên tai, giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão này.
Thiên Hương