Chủ động bảo vệ gia súc trong mùa giá rét

20/02/2017 08:35

Dự báo cuối tháng 2, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng từ 1 đến 2 đợt không khí lạnh. Do vậy, các cơ quan chuyên môn, các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể cần vận động người dân ở các xã vùng Đông Trường Sơn chủ động hơn trong việc phòng chống rét cho gia súc.

Hàng năm cứ bước vào mùa giá rét (trước, trong, sau Tết Nguyên đán, nhất là vào khoảng tháng 3 âm lịch - rét Nàng Bân) kèm với mưa phùn kéo dài nhiều ngày, gia súc trên địa bàn các xã vùng Đông Trường Sơn ở tỉnh thường hay bị chết rét.

Không ít năm có những đợt rét đậm kéo dài, làm hàng nghìn con gia súc ở các xã vùng Đông Trường Sơn ở huyện Kon Plông, Tu Mơ Rông, Đăk Glei bị chết rét. Để bảo vệ đàn gia súc chống chọi với giá rét, ngành Nông nghiệp phối hợp với các cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nhiều biện pháp, tích cực vận động người dân gia cố chuồng trại, đưa gia súc thả rông trong rừng về chuồng, đốt lửa sưởi ấm cho gia súc, bổ sung thức ăn cho gia súc…

Có nhiều xã ở huyện Kon Plông đã triển khai hỗ trợ dân thực hiện cuộc cách mạng “ba cứng” chuồng trại: khung cứng, nền cứng và mái cứng để bảo vệ đàn gia súc phát triển khá hiệu quả. Tuy nhiên, theo thời gian, nhiều chuồng trại gia súc bây giờ xuống cấp, cần tiếp tục gia cố lại.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trước Tết Nguyên Đán năm 2017, toàn tỉnh có trên 160 con trâu, bò ở các xã vùng Đông Trường Sơn bị chết vì mưa và rét. Mặc dù sau Tết thời tiết nắng ấm hơn, gia súc không còn bị chết rét như trước, tuy nhiên vẫn có nhiều con gia súc già, bị bệnh sán lá gan không đủ sức khỏe chống lại bệnh tật và giá rét.

Đàn trâu ở xã Hiếu (huyện Kon Plông) phát triển tốt nhờ người dân địa phương áp dụng chăn nuôi có chuồng trại, có người chăn dắt, bổ sung thức ăn... Ảnh: V.N

 

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, dự báo từ nay đến hết tháng 2/2017, trên địa bàn tỉnh chịu ảnh hưởng từ 1 đến 2 đợt không khí lạnh, nhiệt độ ở các xã khu vực vùng Đông Trường Sơn huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông, Kon Plông có khả năng xuống phổ biến 9-110C. Ở nhiệt độ này, nếu kèm theo mưa phùn kéo dài nhiều ngày, gia súc bị chết rét là không tránh khỏi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Ngọc Hiếu - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, lực lượng thú y đang tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành và các tổ chức đoàn thể chủ động vận động nhân dân phòng chống rét cho gia súc trong những thời điểm giá lạnh, mưa bất thường.

Trong công tác phòng chống rét cho gia súc, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ đạo các trạm Chăn nuôi và Thú y tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Công văn số 1657/SNN-KH ngày 7/11/2016 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh về việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh, đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm và hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tại Công văn số 189/CCCNTY-QLG ngày 18/11/2016 về việc phòng chống đói, rét cho đàn gia súc, gia cầm...

Về lâu dài, để bảo vệ đàn gia súc phát triển, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ đạo các trạm Chăn nuôi và Thú y ở các huyện tham mưu các cấp chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể vận động người dân địa phương thay đổi tập quán thả rông gia súc trong rừng đưa về các chuồng trại. Việc phát triển chăn nuôi gia súc có chuồng trại, có người chăn dắt, bổ sung thức ăn cho gia súc, đàn gia súc sẽ đủ sức chống chọi với giá rét.    

Thay đổi tập quán chăn nuôi và chủ động bảo vệ gia súc trong mùa giá rét không chỉ là vấn đề cần quan tâm hiện nay, mà còn là yêu cầu xuyên suốt trong việc phát triển chăn nuôi gia súc ở các xã vùng Đông Trường Sơn để giúp người dân giảm nghèo và nâng cao đời sống.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác