Chống hạn chủ động

21/02/2024 13:05

Với những dự báo không mấy thuận lợi về tình hình thời tiết, thủy văn trong những tháng mùa khô trước mắt, việc triển khai sớm và hiệu quả các giải pháp cụ thể trên tinh thần chống hạn chủ động là rất cần thiết để giảm thiểu tác động của hạn hán.

Những dự báo không thuận lợi

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, diễn biến khí tượng, thủy văn từ tháng 1-6/2024, khá phức tạp. Trong các tháng 1 và 2 ít mưa; tháng 3 mưa dông trái mùa xuất hiện nhiều hơn. Xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm (như nắng nóng). Mực nước và lưu lượng trên các sông, suối giảm dần và duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ.

Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo, trong các tháng 3, 4, 5, có nguy cơ cao xảy ra khô hạn, thiếu nước trên diện rộng, đặc biệt là các khu vực không chủ động được nguồn nước tưới ở thành phố Kon Tum và các huyện Sa Thầy, Ia H’Drai, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Kon Rẫy, Nam Đăk Glei.

Trong khi đó, theo ngành Nông nghiệp, hiện nay, 80 hồ chứa thủy lợi trên địa bàn tỉnh đạt dung tích trữ khoảng 80% so với dung tích thiết kế.

Chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất trong mùa khô hạn. Ảnh: TH

 

Dù qua tính toán, nguồn nước trong các hồ chứa cơ bản đảm bảo phục vụ tưới vụ Đông xuân năm 2023- 2024. Nhưng số liệu quan trắc tính đến ngày 22/1 cho thấy, mực nước ở nhiểu hồ chứa lớn thấp hơn mực nước dâng bình thường, như hồ Đăk Yên thấp hơn 1,74m; hồ Ia Bang Thượng thấp hơn 1,36m; hồ Đăk Uy thấp hơn 2,26m.

Tại các đập dâng và hồ chứa nhỏ nguồn nước vẫn ổn định, nhưng nếu thời tiết nắng nóng kéo dài, một số công trình có lưu vực nhỏ trên địa bàn huyện Đăk Hà, Đăk Tô, Sa Thầy và thành phố Kon Tum có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước về cuối vụ.

Tổng diện tích cây trồng dự kiến có khả năng khô hạn, thiếu nước là 1.777,15ha (783,15ha lúa, 994ha cà phê). Trong đó, thành phố Kon Tum  khoảng 445,65ha lúa, 425ha cà phê; Sa Thầy khoảng 80ha lúa, 45ha cà phê; Đăk Hà khoảng 85ha lúa, 420ha cà phê; Đăk Tô khoảng 30ha lúa, 70ha cà phê; Ngọc Hồi khoảng 12ha lúa nước, 15ha cà phê; Kon Rẫy khoảng 68,5ha lúa nước, 19ha cây công nghiệp; Đăk Glei khoảng 62ha.

Về nước sinh hoạt, có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ ở các khu vực không chủ động được nguồn cung cấp nước trên địa bàn thành phố Kon Tum, như phường Trần Hưng Đạo (các tổ dân phố 3, 4, 5, 6 và Trường THCS Chu Văn An); một số thôn, làng ở các xã Đoàn Kết, Hòa Bình, Ngọk Bay, Kroong, Vinh Quang, Đăk Năng, Đăk Rơ Wa.

Chống hạn chủ động

Những dự báo không mấy thuận lợi về tình hình thời tiết, thủy văn trong những tháng mùa khô trước mắt cho thấy cần triển khai sớm và hiệu quả các giải pháp cụ thể, trên tinh thần chống hạn chủ động.

Là một trong những địa phương được dự báo có nguy cơ khô hạn, thiếu nước nặng nhất, thành phố Kon Tum đã chủ động phương án phòng, chống khô hạn, thiếu nước từ sớm.

Ông Nguyễn Thanh Mân- Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho hay, các địa phương, đơn vị đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nước tiết kiệm; phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước.

Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đảm bảo nguồn nước sang cây trồng cạn khác để giảm thiệt hại khi hạn xảy ra. Xem xét quy hoạch chuyển sang cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm thích hợp đối với vùng khó khăn về nguồn nước  để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Sẵn sàng phương án cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khi xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ. Ảnh: T.H

 

Vận động nhân dân tích cực tham gia làm thủy lợi, nạo vét phát dọn kênh mương, sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý, tận dụng tối đa nguồn nước hiện có. Thực hiện tưới tiết kiệm, tưới vừa đủ cho nhu cầu cây trồng, giữ bờ bao, bờ thửa để lợi dụng khả năng trữ nước ở mặt ruộng từ 3-5 ngày, tránh tưới liên tục, tràn lan từ thửa này sang thửa khác.

Đối với nước sinh hoạt, các xã, phường cũng được yêu cầu chủ động xây dựng có giải pháp chống hạn riêng cho từng khu vực.

Tại Kế hoạch số 520/KH-UBND ngày 7/2 về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2024 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan và chính quyền các cấp chủ động, kịp thời huy động mọi nguồn lực để thực hiện các biện pháp phòng, chống hạn, thiếu nước cụ thể và hiệu quả.

Trong đó, thường xuyên kiểm kê nguồn nước các công trình thủy lợi, điều tiết, dự trữ nguồn nước. Thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô; có kế hoạch phân phối, điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm nguồn nước cung cấp đầy đủ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2024.

Tăng cường quản lý, khai thác vận hành các công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện đảm bảo theo đúng quy định, quy trình vận hành hồ chứa đã được phê duyệt. Tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng hoạt động cấp nước sinh hoạt của các công trình thủy lợi, công trình cấp nước sạch nông thôn,  để có giải pháp cấp nguồn thay thế kịp thời khi xảy ra thiếu nước.

Xây dựng phương án các điểm cấp nước tập trung, cấp nước lưu động, hỗ trợ thiết bị cấp, trữ nước hộ gia đình cho những khu vực chịu ảnh hưởng. Vận động nhân dân trong vùng hưởng lợi từ các công trình nước tự chảy thường xuyên nạo vét đầu mối, súc rửa bể lắng lọc, sửa chữa tuyến đường ống và các bể chứa để chống rò rỉ gây thất thoát nước.     

Thành Hưng

Chuyên mục khác