Chống buôn lậu, hàng giả: Quyết liệt hơn, đồng bộ hơn

06/12/2023 13:02

Càng về cuối năm, nhất là khi Tết Nguyên đán đang đến gần, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa càng diễn biến phức tạp, đòi hỏi chính quyền các cấp và các ngành chức năng cần vào cuộc quyết liệt hơn, đồng bộ hơn.

Là tỉnh có đường biên giới với cả 2 nước Lào và Campuchia, địa hình phức tạp, nên trong những năm qua, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả ở tỉnh ta luôn diễn biến phức tạp.

Nhất là từ nửa cuối năm 2022 đến nay, khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát hiệu quả, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa trở lại bình thường, thì việc ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả càng trở nên khó khăn hơn, cả trên tuyến biên giới và nội địa.

Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), các lực lượng chức năng tỉnh đã tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc vi phạm có quy mô lớn, bắt giữ nhiều vụ vận chuyển, chứa hàng hóa vi phạm, với các chủng loại vô cùng đa dạng.

Lực lượng chức năng tiêu hủy hàng lậu. Ảnh: H.L

 

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, phát hiện, xử lý 250 vụ/249 đối tượng, khởi tố 1vụ/1 đối tượng, xử lý vi phạm hành chính 235 vụ/235 đối tượng với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính trên 6 tỷ đồng.

Mới đây nhất, ngày 4/11, Đội quản lý thị trường số 2, Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện ô tô tải biển kiểm soát 47H-003.37 có dấu hiệu vận chuyển hàng hóa nhập lậu.

Đội Quản lý thị trường số 2 đã phối hợp với các lực lượng chức năng huyện Đăk Hà, Phòng Cảnh sát giao thông, Phòng Cảnh sát kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành khám phương tiện, đồ vật theo quy định.

Quá trình khám phương tiện, lái xe và phụ xe không cung cấp được giấy tờ liên quan đến số hàng hóa và tỏ thái độ không hợp tác với lực lượng chức năng.

Kết quả kiểm tra sơ bộ ghi nhận trên thùng xe tải chở hàng trăm kiện với nhiều loại hàng hóa khác nhau, như chất tẩy rửa, bánh kẹo, thuốc trừ sâu, đồ gia dụng, đồ điện tử, thiết bị vệ sinh gia đình.

Thực trạng trên cho thấy hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại ngày càng diễn biến khó lường, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường lợi dụng phương tiện vận tải trên các tuyến quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh), 24 và các tuyến tỉnh lộ để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu đến các bến, bãi tập kết, lên xuống hàng hóa sau đó phân lẻ, dùng xe gắn máy, xe tải nhẹ vận chuyển, phân phối, tiêu thụ tại các huyện, thành phố trong tỉnh.

Trong khi đó, công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn tỉnh còn không ít khó khăn, hạn chế. Nổi lên là địa bàn hoạt động rộng, đường biên giới dài, địa hình hiểm trở; hoạt động của các đối tượng buôn bán hàng cấm, hàng giả ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn.

Nhân lực, trang thiết bị phục vụ công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của các lực lượng chức năng vẫn còn nhiều khó khăn. Giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng chưa có sự đồng hành, phối hợp tốt ở lĩnh vực bảo vệ thương hiệu và chống hàng giả.

Đáng chú ý là nhận thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa do chưa có đầy đủ thông tin về nhận biết hàng thật, hàng giả và ham giá rẻ nên các đối tượng lợi dụng để tiêu thụ hàng kém chất lượng, hàng giả.

Tăng cường kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm. Ảnh: HL

 

Ban Chỉ đạo 389 tỉnh nhận định, càng về cuối năm, nhất là gần Tết Nguyên đán, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa càng diễn biến phức tạp, tác động xấu đến kinh tế - xã hội, an ninh - trật tự và sức khỏe của người dân.

Để chủ động kiểm soát tình hình, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, ngày 22/11, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh ban hành Kế hoạch số 4093/KH-BCĐ389 về mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trước, trong và sau Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Theo đó, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh yêu cầu chính quyền các cấp và các ngành chức năng vào cuộc quyết liệt hơn, đồng bộ hơn trong đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Trước hết, cần phân công rõ trách nhiệm quản lý, kiểm soát cho từng cơ quan, đơn vị chức năng thuộc địa bàn, lĩnh vực quản lý.

Đồng thời xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, hàng hóa trọng điểm; tăng cường kiểm soát tại các cửa khẩu đường bộ, các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các tuyến đường bộ, các nhà kho, bến bãi, các công ty dịch vụ logistics.

Chủ động phối hợp, xây dựng phương án tổ chức lực lượng, phương tiện tăng cường kiểm tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu và nội địa. Thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng phương tiện vận tải để vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu.

Điều tra làm rõ, truy tố các vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Quá trình điều tra, xác minh cần xác định rõ trách nhiệm đối với từng ngành, từng địa phương, tập thể, cá nhân có liên quan.

Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng cần góp sức bằng những hành động cụ thể, như “nói không” với hàng giả, hàng lậu; phản ánh với cơ quan chức năng đối tượng, cơ sở có dấu hiệu kinh doanh hàng lậu, hàng giả, nhất là trên môi trường internet, giúp cơ quan chức năng điều tra, xử lý kịp thời. 

Hồng Lam

Chuyên mục khác