13/06/2018 13:04
Sinh lời từ “cần câu”
Khi trao đổi về “cần câu” và “con cá”, không thuyết trình dài dòng, ông Nguyễn Xuân Biên- Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve khuyên tôi đến gặp các hộ nghèo thực hiện Dự án hỗ trợ người nghèo (còn gọi là Dự án PRPP) để rõ ngọn nguồn. Đi cùng ông Đỗ Xuân Nguyên- cán bộ phụ trách giảm nghèo giúp người dân thực hiện dự án, tôi tiếp cận các hộ nghèo được hỗ trợ “cần câu”.
Cái “cần câu” được các anh ví von ở đây thực chất là những con bò sinh sản từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ người nghèo và vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho các hộ nghèo ở thôn 7, 8 của thị trấn Đăk Rve thực hiện mục tiêu giảm nghèo đã và đang phát huy hiệu quả.
|
Không rụt rè, e ấp hay tự ti mặc cảm vốn thường thấy ở các hộ nghèo, A Lơm (thôn 7) khoe: Năm 2014, Dự án hỗ trợ hộ nghèo cho gia đình tôi 10 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 10 triệu đồng, gia đình mua con bò cái sinh sản, đến nay đẻ được 4 con. Vừa rồi, gia đình tôi bán 3 con bò để sửa lại ngôi nhà và hoàn trả 10 triệu đồng cho dự án để Ban quản lý dự án xã cho các hộ khác vay theo quy định. Bây giờ, còn lại 2 con bò được gia đình tiếp tục nuôi để nó sinh sản.
“Từ ngày nuôi bò, gia đình lấy phân bò ủ hoai mục bón cho cây trồng, sản xuất nông nghiệp phát triển. Cảm ơn dự án cho gia đình mình cái “cần câu”. Nhờ vậy, kinh tế gia đình phát triển hơn trước!”-A Lơm khẳng định.
Vào thăm một hộ khác ở thôn 8 là hộ anh Phạm Ngọc Quý. Nghe khách đến xem bò, anh Quý hồ hởi ra vườn cắt cỏ cho bò ăn để khách tiện xem bò. Quý kể: Em bị thương tật do tai nạn lao động và là hộ nghèo được Dự án hỗ trợ giảm nghèo và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay với số tiền giống như A Lơm. Dùng số tiền này, gia đình em mua 2 con bò nghé.
“Không thể lao động nặng nhọc, em ở nhà phụ vợ chăm sóc bò và lo cơm nước cho gia đình. 2 con bò nghé lớn nhanh. Chẳng bao lâu chúng trưởng thành 2 bò mẹ và sinh 2 con nghé. Con bò trở thành tài sản lớn và là nguồn động lực cho gia đình em thực hiện mục tiêu xóa nghèo”-Quý bộc bạch.
Trên thực tế, có nhiều hộ nghèo được Dự án hỗ trợ giảm nghèo cho mượn vốn và vay thêm vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện mua bò nuôi đã thoát nghèo. Không giấu niềm vui, bà Bạch Thị Hồng (thôn 8) phấn chấn kể: Cũng như nhiều hộ nghèo ở địa phương, năm 2014, gia đình tôi được Dự án hỗ trợ giảm nghèo hỗ trợ 10 triệu đồng và Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay 10 triệu đồng. Gia đình mua con bò cái làm giống hết 17 triệu đồng, còn lại 3 triệu đồng đầu tư mở rộng sản xuất.
Con bò giống không phụ công người chăm sóc, đã sinh 2 con bò con. Từ ngày có vốn mở rộng sản xuất, có phân bò bón cho cây trồng, việc gieo trồng lúa, bắp, mì…của gia đình bà Hồng hiệu quả hơn. Lấy ngắn nuôi dài, bà Hồng trồng 0,5 sào cà phê. Cuộc sống gia đình khấm khá dần.
Khoe căn nhà mới tinh còn thơm mùi sơn, bà Hồng cho biết: Gia đình tôi vừa bán 2 con bò nghé 16 triệu đồng, cùng với nguồn vốn tích lũy được xây dựng nên căn nhà này. Cuối năm 2017, gia đình tôi thoát khỏi hộ nghèo. Gia đình tôi mang ơn Dự án hỗ trợ người nghèo nhiều lắm!
Gắn bó dự án, gắn bó với người nghèo trong quá trình thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở địa phương, ông Đỗ Xuân Nguyên chia sẻ: Không chỉ bà Hồng, ở thôn 8 còn có hộ Phạm Hồng Cường, Lê Văn Hùng…cùng thoát nghèo nhờ việc nuôi bò từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ người nghèo và nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện.
Nhân rộng “cần câu”
Trở lại quanh việc cho người nghèo cái “cần câu” hay cho “con cá”, ông Nguyên khẳng định: Để giúp người nghèo vươn lên thoát nghèo, việc cho người nghèo cái “cần câu” tốt hơn cho “con cá”. Việc cho người nghèo cái “cần câu” như cách làm của Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giúp người nghèo có ý thức vươn lên trong phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới, không dựa dẫm, ỷ lại Nhà nước.
|
Thông thường ở các chương trình, dự án cho không, nếu không có các ràng buộc chặt chẽ, người nghèo thường không có trách nhiệm với nguồn vốn được cho. Việc sản xuất (từ cây trồng, vật nuôi của cho) được chăng hay chớ, bà con không chịu nỗ lực vượt khó để sử dụng của cho hiệu quả và sinh lời.
Thực tế cho thấy, ở địa phương từng có chương trình cho không con bò, nhưng chẳng bao lâu sau khi kiểm tra lại thì bò không còn. Có nhiều nguyên nhân xảy ra khiến bò cho không thường “ra đi” theo chương trình là do bò được hỗ trợ từ nơi khác đến không phù hợp với khí hậu bị ốm chết; hay cũng có trường hợp quá túng quẫn, người nhà ốm đau, bà con bán đi để lấy tiền lo thuốc thang…Còn Dự án hỗ trợ người nghèo và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho người nghèo mượn vốn, vay vốn mua bò nuôi, bà con được tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Bà con cũng thấy được trách nhiệm của mình phải làm cho đồng vốn sinh sôi và nghĩa vụ trả vốn nên việc chăn nuôi hiệu quả- ông Nguyên phân tích.
Để chứng minh và giúp tôi hiểu rõ thêm, Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Biên bàn cái hay của Dự án hỗ trợ giảm nghèo: Trước khi cho người nghèo cái “cần câu”, Dự án tập huấn kỹ thuật nuôi bò, trồng cỏ, ủ phân chuồng bón cho cây trồng và hỗ trợ dụng cụ thuốc thú y (túi đựng thuốc, kim tiêm)…
Từ sự thành công của Dự án hỗ trợ giảm nghèo cho 30 hộ nghèo ở thị trấn vay mượn vốn (không tính lãi) nuôi bò năm 2014, đến năm 2016, thị trấn Đăk Rve thực hiện Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo cho 25 hộ nghèo khác. Cũng với phương thức cho người nghèo cái “cần câu” như Dự án hỗ trợ người nghèo, 25 hộ nghèo được hỗ trợ thực hiện Dự án nhân rộng mô hình người nghèo nuôi bò ở thị trấn Đăk Rve nay cũng đều nuôi bò thành công và có thêm bò con.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Phúc (dân tộc Hre) khoe: Từ đồng tiền Dự án nhân rộng mô hình giảm nghèo và nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, gia đình thêm tiền mua con bò mẹ và bò con 22 triệu đồng, nay bò mẹ lại sinh thêm bò con. Như vậy, gia đình tôi có 3 con bò. Gia đình xây chuồng nuôi bò và lấy phân chuồng bón cho 0,4 ha cà phê. Cây cà phê của gia đình phát triển tốt nhờ phân bò.
“Năm vừa qua, cà phê cho bói, gia đình tôi bán thu được gần 20 triệu đồng. Việc nuôi bò và trồng cà phê đang mở cơ hội cho gia đình thoát nghèo”-ông Phúc khẳng định.
Nhân rộng mô hình hỗ trợ “cần câu”, thị trấn Đăk Rve đang từng bước thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu giảm nghèo ở địa phương.
Văn Nhiên