06/03/2017 19:42
Một buổi sáng, tôi cố gắng chạy xe lên huyện Đăk Hà thật sớm theo chân người dân đi chợ để được mục sở thị việc kinh doanh, mua bán tại khu vực chợ an toàn vệ sinh thực phẩm của huyện đã được rất nhiều người ca ngợi.
Khi bước vào khu hàng thịt, tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự sạch sẽ, thoáng mát đúng chuẩn của một khu chợ văn minh khác hẳn với thời điểm mấy tháng trước khi tôi theo chân các cán bộ Sở Công thương đến khảo sát tại đây.
Hai dãy bàn được xây cao ráo và lát gạch men sáng bóng, dưới nền láng bê tông phẳng lỳ, hệ thống thoát nước được làm mới nên không có một chút nước đọng nào, điện bật sáng trưng, hai dãy bảng tên sáng bóng ghi đầy đủ thông tin của hộ kinh doanh được treo bên trên mỗi kệ hàng...
Mô hình chợ an toàn vệ sinh thực phẩm tại chợ trung tâm huyện Đăk Hà hiện tại mới chỉ được triển khai đối với mặt hàng thịt gia súc với 59 hộ kinh doanh tham gia. Mô hình được xây dựng theo phương thức Nhà nước và người dân cùng làm.
|
Ông Võ Xuân Sơn - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hộ kinh doanh tại chợ về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm Sở phối hợp với UBND huyện Đăk Hà, Trung tâm quản lý và khai thác công trình công cộng huyện Đăk Hà, Ban quản lý chợ tuyên truyền, vận động các hộ tiểu thương tham gia vào việc xây dựng mô hình. Cùng với nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, tiểu thương đã đóng kinh phí xây dựng, cải tạo khung vòm nhà lồng, hệ thống nước thải, mặt bằng quầy, sạp gắn biển hiệu, trang bị tạp dề, tủ đựng thịt...
Sau hơn nửa năm xây dựng, đến cuối năm 2016, mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ trung tâm huyện Đăk Hà đã cơ bản hoàn thành giúp cho các hộ kinh doanh hàng thịt heo, thịt bò có điểm kinh doanh thuận lợi, bảo đảm vệ sinh, đủ diện tích theo quy chuẩn. Tổng kinh phí xây dựng khu bán thịt an toàn thực phẩm này là 764 triệu đồng, trong đó từ nguồn vốn nhân dân đóng góp 522 triệu đồng.
Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng đã phối hợp với Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm triển khai tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm, phổ biến tuyên truyền các quy định của pháp luật về đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cho các tiểu thương tại chợ; đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông giúp người dân nhận thức rõ hơn việc sử dụng sản phẩm sạch, an toàn.
Ngoài ra, Sở Công thương còn tổ chức cho các hộ kinh doanh tham quan, học tập kinh nghiệm tại chợ Hàn, chợ Cồn, chợ đầu mối của thành phố Đà Nẵng để được tận mắt xem, học cách mua bán thực phẩm an toàn.
Toàn bộ thịt đưa vào bán tại chợ đều được kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ. Gia súc phải được giết mổ tại Khu giết mổ tập trung của huyện, kiểm tra thú y trước khi đưa vào nuôi nhốt; sau giết mổ, thịt gia súc lại được kiểm tra rồi mới lăn dấu đưa ra thị trường tiêu thụ.
Để có những quầy hàng đảm bảo tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, các tiểu thương đã phải bỏ ra một khoản tiền không nhỏ, hộ ít cũng 7 – 8 triệu, hộ nhiều tới cả chục triệu. Ban đầu không ít tiểu thương cũng băn khoăn, nhưng khi đem ra so sánh với lợi ích lâu bền là niềm tin, sức khoẻ của người tiêu dùng, họ đều rất ủng hộ.
Bà Trần Thị Hồng Vân phấn khởi khoe: Từ khi xây dựng khu vực bán thịt kiểu mẫu này, chúng tôi mừng lắm. Mừng vì mình có nơi bán hàng khang trang, sạch sẽ, tốt cho sức khoẻ của mình trước; sau đó là đến sự tin tưởng của người mua hàng. Thịt được lấy có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được kiểm duyệt gắt gao, được bán ở một nơi vệ sinh như thế này, chắc chắn khó có người tiêu dùng thông thái nào lại nói không thích, không an tâm dù việc phải vào tận trong chợ mua hàng trước đây vốn làm không ít người ngại ngùng.
Chợ an toàn vệ sinh thực phẩm đi vào hoạt động không những đáp ứng nhu cầu mua bán của tiểu thương mà còn là cơ sở làm thay đổi thói quen của người tiêu dùng trong việc chọn lựa thực phẩm tốt cho sức khỏe, hình thành ý thức kinh doanh lành mạnh giữa các thành phần tham gia vào lĩnh vực thương mại.
Chị Đỗ Thị Hải (tổ 6, thị trấn Đăk Hà) cho biết: Bước vào khu chợ thí điểm này, nhìn mấy quầy hàng xây cao ráo, sạch sẽ đã tạo được ấn tượng rất tốt với người dân chúng tôi. Ở mỗi sạp đều có ghi thông tin của tiểu thương khiến cho người tiêu dùng cảm thấy tin tưởng hơn khi mua hàng. Đặc biệt, toàn bộ thịt trong chợ đều được bán với giá cả rất hợp lý, không cao hơn so với bên ngoài mà lại đảm bảo cho sức khỏe cho người tiêu thụ.
Sau khu bán thịt an toàn thực phẩm, mục tiêu mà Sở Công thương đề ra trong năm 2017 là sẽ tiếp tục triển khai nhân rộng đối với các hộ khu hàng hải sản tươi sống, trang bị giá treo mặt hàng thịt heo, bò; đến năm 2018, toàn bộ mặt hàng rau, thực phẩm khô đều được thực hiện theo tiêu chuẩn bảo đảm an toàn thực phẩm tại chợ trung tâm huyện Đăk Hà.
Có thể thấy chủ trương xây dựng mô hình thí điểm chợ an toàn thực phẩm là chủ trương đúng đắn, thiết thực, bảo đảm sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, đáp ứng yêu cầu văn minh thương mại, thuận lợi cho quá trình mua. Đồng thời, qua đó, cũng góp phần thúc đẩy việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao, đảm bảo an toàn cung ứng cho thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho người dân.
Thuỳ Hương