“Chính sách vàng” để Kon Tum bảo vệ và phát triển rừng bền vững

01/05/2020 06:03

Sau hơn 9 năm triển khai thực hiện, chi trả dịch vụ môi trường rừng được khẳng định là chính sách “vàng” để tỉnh Kon Tum bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Cùng với tạo lập được nguồn kinh phí ổn định giúp các đơn vị chủ rừng “không thiếu tiền” để bảo vệ rừng, chính sách này còn giúp hàng nghìn hộ dân, với chủ yếu là đồng bào DTTS của tỉnh thoát nghèo, thậm chí làm giàu được nhờ rừng, từ đó gắn bó hơn với rừng.

Tạo lập sinh kế gắn bó với rừng

Có một tập quán đã tồn tại lâu nay trong cộng đồng các DTTS ở tỉnh Kon Tum nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung, đó là chặt phá rừng làm rẫy mỗi khi mùa khô đến. Để chấm dứt tình trạng này, hàng chục năm qua, chính quyền và ngành lâm nghiệp các địa phương đã đổ nhiều công sức tuyên truyền, ngăn chặn, song nhiều nơi rừng vẫn “biến” thành rẫy.

Những câu chuyện buồn về việc con người đối xử tệ bạc với rừng của già A Gong, dân tộc Xơ Đăng, thôn Đăk Kroong, xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà đột ngột ngừng lại, vì vừa qua khỏi khúc quanh của làng, rừng hiện ra với một màu xanh tươi mát giữa mùa khô khốc liệt. Già A Gong cười vui, người dân Đăk Kroong giờ không còn đi phá rừng làm rẫy rồi. Bây giờ vào rừng là để bảo vệ rừng.

Thôn Đăk Kroong hơn 9 năm trước cũng là điểm nóng khai thác lâm sản, chặt phá rừng làm rẫy. Từ khi có chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, 73 hộ dân trong làng bảo nhau nhận khoán quản lý bảo vệ gần 1.200ha rừng của Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Hà. Các hộ chia thành 4 nhóm ngày đêm luân phiên tuần tra bảo vệ rừng. Nhờ quản lý bảo vệ tốt, mỗi năm dân làng nhận được trên 600 triệu đồng tiền dịch vụ môi trường rừng. Anh A Lê Mi Ô - thôn trưởng thôn Đăk Kroong cho biết, cuộc sống của bà con được cải thiện nhờ bảo vệ rừng. Giờ thôn là điển hình của xã, của huyện trong việc bảo vệ rừng.

 “Từ khi có dịch vụ môi trường rừng, đời sống bà con khác hẳn. Tiền đó để lo cho đời sống của con cái trong gia đình. Rồi có thêm thu nhập từ rừng nữa. Mỗi lần đi kiểm tra rừng là thôn ghi chép những hộ đi tham gia rồi chi trả theo ngày công. Tiền dịch vụ môi trường rừng còn dùng để mắc điện công lộ, sửa chữa nhà rông, các sinh hoạt của thôn như lễ bánh chưng xanh, lễ sửa máng nước. Cũng nhờ đó, thôn sắm được một bộ cồng chiêng, đồng phục truyền thống” - anh A Lê Mi Ô chia sẻ.

Tại 9 xã thuộc 2 huyện Tu Mơ Rông và Đăk Glei, người Xơ Đăng ở đây đang giàu lên từng ngày nhờ trồng cây sâm Ngọc Linh và nhiều loại dược liệu khác dưới tán rừng. Với giá bán trung bình trên 150 triệu đồng/kg sâm Ngọc Linh tươi như hiện nay, từ chính núi rừng quê hương ngày càng có thêm nhiều triệu phú người Xơ Đăng.

Thực tế cho thấy mô hình trồng dược liệu dưới tán rừng đã mang lại lợi ích kép, người dân vừa bảo vệ hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng vừa làm giàu được từ rừng.

Bà Y Xuôi, người con của dân tộc Xơ Đăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh phấn khởi chia sẻ: “Mình trồng sâm nghĩa là bảo vệ rừng. Mà có rừng thì sẽ có nước. Mà có nước thì có kinh tế. Có kinh tế thì tiếp tục mới phát triển gìn giữ trật tự an ninh, an toàn xã hội và đảm bảo cho cuộc sống cho đồng bào dân tộc tại chỗ. Rõ ràng không có một thế lực nào có thể lợi dụng vào đấy để mà phá”.

Đến nay, sau hơn 9 năm thực hiện Nghị định số 99, ngày 24/9/2010 của Chính phủ về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, đã có trên 5.000 hộ dân, 567 nhóm hộ, cộng đồng và tổ chức của tỉnh Kon Tum nhận khoán quản lý bảo vệ hơn 200.900ha rừng. Mỗi năm trung bình một hộ dân nhận được 13 triệu đồng, cộng đồng dân cư 160 triệu đồng và tổ chức trên 500 triệu đồng. Từ số tiền này, người dân và cộng đồng sử dụng vào việc cải thiện sinh kế nên cuộc sống của người làm nghề rừng ngày càng ấm no.

Người dân sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng vào cải thiện sinh kế. Ảnh: K.Đ

 

“Chính sách vàng” để bảo vệ và phát triển rừng bền vững

Với trên 610.000ha, Kon Tum là địa phương có diện tích rừng lớn nhất so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên. Thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hơn 9 năm qua, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum đã thu nộp và chi trả gần 1.500 tỷ đồng cho 96 chủ rừng. Là địa phương điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn như Kon Tum thì số tiền trung bình mỗi năm chi cho công tác quản lý bảo vệ rừng là rất lớn.

Hiệu quả việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cũng là câu trả lời cho câu hỏi: Làm thế nào để người dân sống được từ rừng và gắn bó bảo vệ rừng tốt hơn? 

 Hiện tại, ở tỉnh Kon Tum có diện tích rừng hàng năm được chi trả dịch vụ đạt tới trên 1 triệu đồng/ha. Trong 96 đơn vị hưởng lợi, đứng đầu là Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Kon Plông. Nhờ có 34.000ha rừng được hưởng dịch vụ môi trường rừng, năm 2019 vừa qua, Công ty này có nguồn thu trên 26 tỷ đồng.

Đã từng trong cảnh thiếu kinh phí để quản lý bảo vệ rừng, nay mỗi năm Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray có thêm khoảng 7 tỷ đồng từ diện tích 9.500ha rừng được chi trả dịch vụ.

“Đơn vị chúng tôi 100% vốn ngân sách cấp hàng năm do đó rất hạn chế trong hoạt động quản lý bảo vệ rừng. Chính sách giúp chi trả dịch vụ môi trường rừng cho đơn vị chủ động hơn trong việc triển khai các hoạt động quản lý bảo vệ rừng, đặc biệt là trong công tác tuần tra, chi cho các hoạt động kiểm tra, kiểm soát. Tác động tích cực nhất mà chúng tôi đánh giá dịch vụ môi trường rừng là chúng tôi giao khoán cho cộng đồng địa phương tham gia bảo vệ rừng. Đó là một nguồn thu đáng kể đối với các hộ gia đình địa phương còn đang rất khó khăn” - Ông Đào Xuân Thủy, Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray cho biết.

Thành công hơn nữa là đến nay tỉnh Kon Tum đã mở rộng được nguồn thu sử dụng dịch vụ môi trường rừng với 36 nhà máy thủy điện và 13 cơ sở sản xuất công nghiệp. Tiền dịch vụ môi trường rừng hiện đã đảm bảo cho công tác quản lý, bảo vệ trên 360.600ha rừng, đạt gần 64% tổng diện tích rừng của tỉnh. Tỉnh cũng đã thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng cho hơn 2.700/5.546 hộ gia đình cá nhân, cộng đồng dân cư, vừa tiết kiệm được thời gian vừa minh bạch trong thực hiện chính sách.

Cũng từ nguồn chi trả dịch vụ môi trường rừng, tỉnh Kon Tum đã đẩy nhanh được tiến độ giao đất, giao rừng. Đến nay, trên 610.000ha rừng cùng với diện tích đất lâm nghiệp của tỉnh đã được giao cho các chủ thể quản lý.

 “Các chủ rừng là tổ chức, gồm có các Công ty lâm nghiệp, các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng đã có nguồn kinh phí ổn định, bền vững để đảm bảo các hoạt động của mình. Đời sống của cán bộ, công nhân của các đơn vị chủ rừng ngày càng được nâng lên, nên rất tích cực để tham gia bảo vệ rừng. Nhờ có nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng ổn định này người dân cũng tích cực tham gia tuần tra quản lý bảo vệ rừng, đời sống của họ cũng ngày càng được ổn định” - ông Hồ Thanh Hoàng, Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nhấn mạnh.

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện hiệu quả đã tạo ra sự thay đổi ấn tượng trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Nếu như năm 2011 toàn tỉnh xảy ra 528 vụ phá rừng trái phép, thì đến năm 2015 giảm xuống còn 33 vụ. Diện tích rừng bị phá từ trên 84ha giảm còn dưới 9ha. Từ năm 2015 trở lại đây mặc dù lâm tặc ngày càng manh động, có nhiều thủ đoạn tinh vi song các đơn vị chủ rừng và người dân đều quyết tâm bảo vệ rừng.

Hiệu quả thực tế hơn 9 năm thực hiện đã khẳng định, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng là “chính sách vàng” để tỉnh Kon Tum bảo vệ và phát triển rừng. Cùng với huy động được các nguồn lực xã hội để bảo vệ phát triển rừng bền vững, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước, thì chính sách này cũng phù hợp với xu thế mới ở Việt Nam và xu thế chung của thế giới trong bảo vệ môi trường.               

Khoa Điềm

Chuyên mục khác