Chìa khóa để thoát nghèo bền vững

29/09/2020 13:05

10 năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh ta chú trọng đầu tư thực hiện, mang lại những kết quả đáng kể, mở ra cánh cửa thoát nghèo cho nhiều hộ gia đình.

Quyết định số 1956/QĐ-TTg về “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành ngày 27/11/2009. Trọng tâm Đề án đề ra là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề; tạo điều kiện cho lao động nông thôn được tham gia học nghề với sự hỗ trợ của Nhà nước. Với tinh thần khẩn trương, ngay sau khi Chính phủ phê duyệt “Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020”, tỉnh ta đã tập trung chỉ đạo, thực hiện một cách đồng bộ và quyết liệt từ tỉnh đến cơ sở.

Suốt 10 năm qua, công tác đào tạo nghề đã huy động được sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị. Các cấp, ngành, tổ chức chính trị-xã hội và người lao động ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò, ý nghĩa của dạy nghề đối với việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh cũng như mỗi địa phương. Việc tổ chức đào tạo nghề ngày càng đi vào chiều sâu, sát với nhu cầu thực tiễn, giải quyết việc làm sau quá trình đào tạo. Hoạt động đào tạo nghề không chỉ bó hẹp trong các cơ sở đào tạo nghề, các địa phương mà còn huy động cả sự tham gia của các doanh nghiệp, những nghệ nhân, người có tay nghề cao. Nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã đã quan tâm, hợp tác với các cơ sở đào tạo để xây dựng giáo trình, hỗ trợ địa bàn thực tập, tuyển dụng học viên sau khóa học…

Lớp đào tạo nghề chăm sóc cà phê vối ở làng Long Loi, thị trấn Đăk Hà. Ảnh: Đức Thành

 

Thực tế cho thấy, các ngành nghề tỉnh ta đưa vào đào tạo rất đa dạng, bám sát nhu cầu của địa phương và người dân. Các lĩnh vực như chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, cơ khí, mộc dân dụng, thợ nề... được người dân lựa chọn học tập. Từ đó, lao động được đào tạo nghề đã phát huy tốt tay nghề, tìm được việc làm mới hay ứng dụng hiệu quả trong thực tiễn, khai thác lợi thế của địa phương, tăng thu nhập, nâng cao giá trị ngày công lao động và mở ra hướng thoát nghèo, làm giàu hiệu quả.

Điều này được thể hiện bằng những con số biết nói. Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có 27.410 lao động nông thôn được hỗ trợ đào tạo nghề. Trong đó, giai đoạn 2010-2015 có 12.941 người, giai đoạn 2016-2020 có 14.469 người. Trong số đó, có 22.036 người đã tìm được việc làm sau đào tạo, đạt tỷ lệ gần 80,4%. Đặc biệt, toàn tỉnh có 1.509 người lao động nông thôn đã được các doanh nghiệp tuyển dụng vào làm việc theo hợp đồng lao động. Số còn lại phần đa lao động nông thôn tiếp tục làm nghề cũ nhưng năng suất lao động, thu nhập tăng lên. Trong 10 năm qua, số hộ gia đình có người tham gia đào tạo nghề thoát nghèo là 2.394 hộ và có đến 2.432 hộ gia đình có người tham gia đào tạo nghề trở thành hộ có thu nhập khá.

Rõ ràng, việc đào tạo nghề đã mang lại lợi ích rất thiết thực nên từ chỗ nhiều người dân còn coi học nghề chỉ để hưởng ứng một phong trào hay việc đi học chỉ nhằm mục đích để lấy trợ cấp, thì hiện nay người dân mong muốn học nghề để có cơ hội tìm việc làm, được trang bị, cập nhật thêm kiến thức khoa học, kỹ thuật áp dụng vào sản xuất, từ đó, cải thiện và nâng cao thu nhập. Nhìn một cách tổng thể hơn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn có vai trò rất quan trọng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới của mỗi địa phương. Bởi nếu không có chương trình này thì tiêu chí về tỷ lệ lao động và tiêu chí tăng thu nhập cho người dân nông thôn rất khó có thể đạt được.

Dẫu đạt được những kết quả đáng kể, nhưng cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn chưa thật sự chú trọng đến việc chỉ đạo triển khai, thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chưa gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội để chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng giảm dần tỷ lệ lao động nông nghiệp, tăng dần lao động tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. Một số nghề chưa phát huy được hiệu quả sau đào tạo, người lao động sau khi học nghề chưa duy trì được nghề lâu dài. Đây là vấn đề đã được đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Tháp đặc biệt nhấn mạnh và lưu ý các cấp, các ngành cần khắc phục ngay nhằm nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề tại Hội nghị tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”.

Ngoài ra, những vấn đề như công tác tuyên truyền về nghề đào tạo, tư vấn việc làm cho lao động nông thôn nhiều nơi còn hạn chế; chưa xác định được trọng tâm tuyên truyền, nội dung, phương thức tuyên truyền còn chung chung. Hoạt động tư vấn, hướng nghiệp học nghề, việc làm chưa thật hiệu quả, việc tuyển sinh, đào tạo nghề và giải quyết việc làm chưa thực sự trở thành mối liên kết thống nhất…

Lâu nay, trong việc triển khai các chính sách an sinh xã hội và thực hiện mục tiêu giảm nghèo, chúng ta hay nói đến vấn đề trao “cần câu” chứ không cho “con cá”. Đào tạo nghề cho lao động nông thôn, để từ đó, người dân phát huy năng lực, sở trường, khả năng cũng như biết khai thác những lợi thế sẵn có của gia đình, địa phương tạo ra việc làm, nâng cao thu nhập, đó chính là một cách trao “cần câu” vào tay người dân, hay nói một cách khác đó chính là chìa khóa để người dân thoát nghèo bền vững.    

Thùy Hương

Chuyên mục khác