“Chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế

11/06/2023 06:06

Những số liệu thống kê ấn tượng về tình hình kinh tế 5 tháng đầu năm cho thấy các chính sách điều hành của tỉnh, sự nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị và nhân dân đang phát huy hiệu quả.

Số liệu mà Cục Thống kê công bố về bức tranh kinh tế-xã hội 5 tháng đầu năm cho thấy những tín hiệu khởi sắc. Trong đó, vốn đầu tư thực hiện thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước do địa phương quản lý ước đạt 309,21 tỷ đồng, tăng 36,59% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 5/2023 ước tính tăng 7,19% so với cùng kỳ năm trước (tăng 1,38% so với tháng 4/2023), nâng mức tăng  chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng lên 10,2% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, hầu hết các ngành sản xuất đều có chỉ số sản xuất tăng. Trong đó ngành công nghiệp khai khoáng tăng 15,1%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,21%; sản xuất và phân phối điện tăng 11,46%; cung cấp nước; hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,04%.

Với mức tăng ấn tượng, khu vực thương mại- dịch vụ đang có đóng góp ngày càng lớn cho kinh tế của tỉnh, đồng thời thu hút ngày càng nhiều lao động; năng suất, chất lượng lao động cũng đang tăng lên.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công để tăng giải ngân vốn là ‘’chìa khóa’’ thúc đẩy tăng trưởng. Ảnh: T.H

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 5 tháng đầu năm tăng 16,37%  so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và đang dần bắt kịp tốc độ tăng cùng kỳ của các năm trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19.

Ngành du lịch là điểm sáng khi tiếp tục đà tăng trưởng sau dịch, thu hút được khoảng 871.400 lượt khách (trong đó có khoảng 1.266 lượt khách quốc tế), bằng 67% kế hoạch, tăng 35,1% so với cùng kỳ; doanh thu ước đạt 374,4 tỷ đồng, bằng 117% kế hoạch, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ.

Kết quả trên cho thấy các chính sách điều hành của tỉnh, sự nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị và nhân dân đang phát huy hiệu quả.

Tuy nhiên, báo cáo của UBND tỉnh cho thấy còn không ít khó khăn cần vượt qua để hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản của năm 2023.

Trong đó, thu ngân sách nhà nước thấp, chỉ đạt khoảng 1.430 tỷ đồng, bằng 44,05% dự toán Trung ương giao, 31,8% dự toán địa phương giao và bằng 70,9% so với cùng kỳ.

Một số nhóm ngành công nghiệp như chế biến, chế tạo gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, đơn hàng sản xuất và thị trường tiêu thụ sản phẩm, nên có chỉ số sản xuất giảm so cùng kỳ,

Dù có sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự nỗ lực nhất định của các cấp, các ngành, chủ đầu tư, nhưng giải ngân đầu tư công vẫn chưa đạt kỳ vọng.

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến ngày 20/5, toàn tỉnh mới giải ngân được khoảng 607,63 tỷ đồng, đạt 18,55% so với thực nguồn tỉnh giao, và đạt 16,94% so với kế hoạch vốn trung ương giao (3.587,16 tỷ đồng).

Ngay cả vốn đầu tư công năm 2022 được cấp thẩm quyền cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2023 (436 tỷ đồng) cũng mới giải ngân được 67,26 tỷ đồng , đạt 15,43% kế hoạch.

Phát triển doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn. Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 118 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 32,8% kế hoạch và  giảm 33% so với cùng kỳ. So với cùng kỳ năm 2022, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 50,58% (tương ứng 42 doanh nghiệp); số doanh nghiệp giải thể  tăng 63,6% so với cùng kỳ (tương ứng 18 doanh nghiệp).

Theo UBND tỉnh, dù còn không ít khó khăn, nhưng từ bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm có thể thấy còn dư địa để triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Trong đó, việc thực hiện hiệu quả các dự án đầu tư công trọng điểm, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là “chìa khóa” tăng trưởng trong cả ngắn và dài hạn.

Du lịch là điểm sáng trong phát triển kinh tế 5 tháng đầu năm. Ảnh: TH

 

Vì vậy, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện các quy hoạch quan trọng của tỉnh như: Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch xây dựng vùng huyện; Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh giai đoạn 2021- 2025; Quy hoạch chung Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông; Quy hoạch chung thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông; Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Kon Tum để có cơ sở triển khai câc dự án đầu tư và thu hút đầu tư.

Tiếp tục quan tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương. Khẩn trương hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với các dự án triển khai trong năm 2023, đặc biệt là các dự án trọng điểm của tỉnh.

Tăng cường làm việc với nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đẩy nhanh thực hiện thủ tục về chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án trọng điểm, dự án của các nhà đầu tư chiến lược nhằm sớm triển khai.

Một giải pháp hết sức quan trọng nữa là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; cải cách thủ tục hành chính đi đôi với kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, siết chặt kỷ luật, kỷ cương công vụ, khắc phục tình trạng né tránh trách nhiệm trong một bộ phận đội ngũ cán bộ, công chức.    

Thành Hưng

Chuyên mục khác