“Chìa khóa” cho tăng trưởng kinh tế

11/04/2023 13:02

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế, là “chìa khóa” quan trọng để chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu. Thực hiện chủ trương của Đảng về KHCN&ĐMST, kinh tế - xã hội tỉnh ngày càng có những chuyển biến tích cực.

Thực tế cho thấy, sự phát triển mạnh mẽ của KHCN&ĐMST có tác động tích cực đến đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, thể hiện qua việc góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực (lao động, vốn, tài nguyên thiên nhiên...), thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng tăng dựa vào TFP (Total Factor Productivity- Năng suất các nhân tố tổng hợp).

Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã xác định, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KHCN&ĐMST, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để KHCN thực sự là động lực chính của tăng trưởng kinh tế.

Ứng dụng KHCN vào sản xuất dâu tây ở Măng Đen. Ảnh: Đ.N

 

Theo Sở KH&CN, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đối với KHCN&ĐMST, tỉnh ta có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ gắn với phát triển và ứng dụng KHCN được thực hiện và phát huy hiệu quả, như: phát triển sâm Ngọc linh và dược liệu; phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; xác lập, bảo hộ và khai thác quyền sở hữu trí tuệ; khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; chuyển đổi số.

Công tác quản lý nhà nước về KHCN ngày càng đi vào nền nếp, hiệu quả hơn. Việc tạo lập, quản lý và phát triển các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được chú trọng. Trên địa bàn tỉnh đã xác lập và bảo hộ Chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ và Chỉ dẫn địa lý “Đăk Hà” cho sản phẩm cà phê; xác lập và bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “sâm Ngọc Linh Kon Tum”, 9 loại dược liệu khác.

Trong những năm qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân chung của tỉnh đạt 6,03%. Vai trò của KHCN& ĐMST có tác động nổi bật đóng góp trong tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Thể hiện tốc độ tăng TFP bình quân của tỉnh đạt 2,72%/năm và đóng góp lên tới 35,95% vào tăng GRDP. Tăng TFP đã có đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Khu vực nông lâm nghiệp, thủy sản có tốc độ tăng TFP bình quân 2,51%/năm, tăng giá trị gia tăng 6,42%/năm và tăng TFP đóng góp 39,09% vào tăng giá trị gia tăng. Khu vực công nghiệp - xây dựng có tốc độ tăng TFP 3,45%/năm, tốc độ tăng giá trị gia tăng bình quân 11,65%/năm, đóng góp của tăng TFP vào tăng giá trị gia tăng là 29,61%. Khu vực dịch vụ tăng TFP bình quân 1,28%/năm, tăng giá trị gia tăng 6,35%/năm và tỷ trọng đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng giá trị gia tăng là 20,12%. Tỷ lệ tăng giá trị gia tăng từ tiến bộ công nghệ đạt được bình quân 2,7%/năm, tiến bộ công nghệ đang có xu hướng tăng theo thời gian và đóng góp ngày càng cao hơn tới tăng năng suất.

Nuôi cấy mô ở Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen. Ảnh: Đ.N

 

Có thể khẳng định, KHCN&ĐMST ngày càng có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.  Tuy nhiên, để KHCN&ĐMST trở thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta còn gặp không ít khó khăn, thách thức như: Doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đa số là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực KHCN, trình độ công nghệ còn hạn chế; hoạt động nghiên cứu KHCN và phát triển công nghệ trong các doanh nghiệp chưa nhiều, chưa có sự gắn kết giữa doanh nghiệp với các nhà khoa học, các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu; đội ngũ cán bộ KHCN&ĐMST thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, cơ cấu chưa phù hợp; đầu tư cho hoạt động KHCN&ĐMST còn thấp; thiếu cơ chế, chính sách ưu đãi, kích thích sáng tạo đối với người làm công tác khoa học.

Để phát huy vai trò của KHCN&ĐMST phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, theo Sở KH&CN, trong thời gian tới, tỉnh ta cần xác định KHCN&ĐMST là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành; gắn các mục tiêu, nhiệm vụ KHCN& ĐMST với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung xây dựng và thực hiện có hiệu quả chương trình, kế hoạch phát triển KHCN&ĐMST của tỉnh làm cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, ứng dụng kết hợp với phát triển công nghệ nhất là trong những ngành, lĩnh vực mới có tiềm năng, lợi thế.

Việc phát triển KHCN&ĐMST theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm và các tổ chức nghiên cứu khoa học là chủ thể hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng. Đầu tư hạ tầng kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao, làm chủ, nâng cao năng lực và phát triển công nghệ. Đồng thời, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST trong doanh nghiệp. Đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp KHCN; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp thành lập tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST tỉnh giai đoạn 2019 - 2025.

Đồng thời thực hiện tốt cơ chế chính sách huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư cho hoạt động KHCN&ĐMST; đẩy mạnh công tác xã hội hóa phát triển KHCN; phát huy hiệu quả Quỹ phát triển KHCN tỉnh; triển khai các biện pháp huy động nguồn vốn xã hội thông qua hệ thống Quỹ phát triển KHCN của địa phương, doanh nghiệp và các dự án hợp tác công - tư. Khuyến khích, thu hút khu vực tư nhân và doanh nghiệp đầu tư cho KHCN.

Đào Nguyên 

Chuyên mục khác