“Chìa khóa” cho tăng trưởng bền vững

22/09/2023 06:17

Trong giai đoạn 2020-2025, tỉnh ta xác định tăng cường phát triển nguồn nhân lực, phát huy tiềm năng, lợi thế, vươn lên hội nhập, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững.

Để hoàn thành mục tiêu đó, cần nâng cao năng suất và củng cố nguồn nhân lực, nghĩa là phải có số lượng đông đảo người lao động có kỹ năng và trình độ cao.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận thực tế là chất lượng nguồn nhân lực tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Số lượng nguồn nhân lực đang ngày càng tăng cùng với sự gia tăng dân số, nhưng nhân công giá rẻ chiếm đa số, thiếu lực lượng tay nghề chuyên môn cao.

Một báo cáo khảo sát thị trường lao động do Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở LĐ,TB&XH) tiến hành cho thấy, nhu cầu lao động chưa qua đào tạo chiếm tới 68%, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nông nghiệp (chăm sóc cao su, cà phê, trang trại chăn nuôi), may mặc, xây dựng (thợ phụ), buôn bán, giúp việc, môi giới bất động sản, nhân viên giao hàng.

Lao động có tay nghề cao còn khan hiếm. Ảnh: H.L

 

Trong khi đó, công tác phân luồng hướng nghiệp cho học sinh phổ thông cũng còn nhiều tồn tại, không đạt mục tiêu Nghị quyết số 06-NQ/ĐH ngày 30/9/2020 của Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác phân luồng, hướng nghiệp.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo (tháng 8/2023), từ năm 2020 đến năm 2022, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp và trung cấp tăng không đáng kể: Năm 2020 đạt 4,94%, năm 2021 đạt 8,1%, năm 2022 đạt 9,3%.

Số học sinh tốt nghiệp THPT học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng cũng trong tình trạng tương tự, thậm chi tụt lùi: Năm 2020 đạt 15,1%, năm 2021 đạt 16,1%, năm 2022 giảm xuống 12,4%.

Nhiều ý kiến cho rằng, để giải bài toán nhân lực chất lượng cao cần, đòi hỏi sự đầu tư mạnh mẽ hơn cho giáo dục đào tạo, trong đó có giáo dục nghề nghiệp (GDNN).

Trên thực tế, những năm qua, tỉnh ta đã ban hành nhiều chính sách nhằm cụ thể hóa chủ trương phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư của địa phương. Trong đó, đã rất quan tâm phát triển giáo dục nghề nghiệp.

Hiện toàn tỉnh có 12 cơ sở GDNN, trong đó có 9 cơ sở GDNN công lập, gồm  Trường Cao đẳng Kon Tum và 8 trung tâm GDNN - GDTX cấp huyện và 3 trung tâm GDNN tư thục.

Các cơ sở GDNN đã tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề để đảm bảo cơ bản cho công tác đào tạo nghề, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.

Để đáp ứng xu hướng đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, tỉnh đã chỉ đạo các cơ sở GDNN đẩy mạnh liên kết với doanh nghiệp tổ chức đào tạo nghề; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề hoặc liên kết với cơ sở GDNN tổ chức tuyển dụng, đào tạo lao động.

Tuy nhiên, như đã nói ở trên, thị trường lao động trong tỉnh chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Nguồn nhân lực vẫn có lợi thế về số lượng, nhưng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ hiện nay, thì rất nhanh chóng, lợi thế này không còn nữa.

Vì vậy, yêu cầu cốt lõi cho phát triển nguồn nhân lực thời gian tới là đầu tư cho giáo dục và đào tạo, trong đó có hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Thúc đẩy đào tạo nghề để nâng cao chất lượng lao động. Ảnh: HL

 

Với mục tiêu trên, ngày 15/9, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3101/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 105-KH/TU ngày 11/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4/5/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Kế hoạch xác định một số chỉ tiêu cụ thể như, đến năm 2030 thu hút 45-50% học sinh trung học vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động. Đến năm 2045, đáp ứng cơ bản nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, tiếp cận được trình độ tiên tiến của thế giới.

Trong quá trình này, sự đổi mới của hệ thống giáo dục – đào tạo, nhất là giáo dục nghề nghiệp, đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

Đặc biệt, cần thay đổi từ cách thức quản lý giáo dục, phương pháp dạy, giáo trình dạy và cả những môn học mới gắn với thị trường lao động. Ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập, phát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa.

Thực hiện đầy đủ chính sách đào tạo nghề nhằm đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân và người lao động thông qua các hình thức hỗ trợ phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

Tăng cường công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở và định hướng nghề nghiệp cho học sinh trung học phổ thông. Triển khai vừa đào tạo nghề, vừa dạy văn hoá tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Ưu tiên chi ngân sách cho các cơ sở GDNN công lập để nâng cao chất lượng đào tạo, nhất là đào tạo nhân lực chất lượng cao, các ngành, nghề trọng điểm; đồng thời hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, đối tượng chính sách khi sử dụng dịch vụ giáo dục nghề nghiệp.

Chủ động, tích cực liên kết vùng, khu vực trong giáo dục nghề nghiệp, tiến tới hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.   

Hồng Lam

Chuyên mục khác