11/01/2024 06:59
PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị và ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác. Bởi vậy, với việc được đánh giá cao ngay trong lần đầu tiên VCCI công bố Chỉ số PGI (tháng 4/2023) đã thể hiện rất rõ định hướng đúng đắn, sự nỗ lực của tỉnh ta trong phát triển kinh tế gắn với việc bảo vệ môi trường trong suốt thời gian qua.
|
Thực tế cho thấy, tỉnh ta luôn đảm bảo sự hài hòa, gắn kết trong phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, chọn lọc các dự án đầu tư thân thiện môi trường, đánh giá cụ thể tác động môi trường các dự án, tạo điều kiện, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân sử dụng hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên và gìn giữ, bảo vệ môi trường, ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, với những lợi thế về mặt tự nhiên, có độ che phủ rừng đạt 63,12%, khí hậu ấm nóng có nhiều thuận lợi để phát triển năng lượng tái tạo, doanh nghiệp, người dân ngày càng quan tâm, có nhiều hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường.
Việc phát triển xanh, quan tâm đến bảo vệ môi trường ở tỉnh ta có thể thấy rõ trên các lĩnh vực như phát triển nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ. Lấy đơn cử trong phát triển nông nghiệp. Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy “về phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030” nêu rõ quan điểm: “Phát triển nông nghiệp hàng hóa đi vào chiều sâu (trong đó có nông nghiệp hữu cơ), ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và đáp ứng thị trường tiêu thụ là nhiệm vụ mang tính chiến lược, lâu dài, gắn với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu”. Bởi vậy, thời gian qua, tỉnh ta đã có những chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường, mang lại hiệu quả kinh tế cao, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 16.878ha cây trồng có ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, có 2 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Măng Đen (huyện Kon Plông) và vùng sản xuất cà phê vối ứng dụng công nghệ cao Đăk Hà. Số lượng các mặt hàng nông sản trên địa bàn tỉnh theo xu hướng áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, hữu cơ, Global GAP, UTZ… ngày càng nâng lên. Trong chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh có khoảng 142 trang trại, hộ chăn nuôi áp dụng phương pháp nuôi chuồng kín.
|
Việc các doanh nghiệp, người dân chủ động ứng dụng công nghệ để thích ứng biến đổi khí hậu trong sản xuất, xây dựng nền nông nghiệp xanh - sạch đã mang lại năng suất cao, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Bởi vậy, cùng với việc được đánh giá cao về thân thiện với môi trường, năm 2023, Kon Tum có tốc độ tăng trưởng đạt 7,32%, đứng thứ 22 cả nước và đứng thứ nhất khu vực Tây Nguyên.
Quay trở lại với chỉ số PGI, chỉ số này được đo lường thông qua 4 chỉ số thành phần đánh giá chất lượng môi trường và hiệu quả quản trị môi trường của các tỉnh, thành phố, gồm: Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; Thúc đẩy thực hành xanh; Chính sách ưu đãi và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường. Và đáng mừng là ngay trong lần công bố đầu tiên, Kon Tum đã có một số chỉ số thành phần được đánh giá tốt, xếp thứ hạng cao như: Thúc đẩy thực hành xanh (xếp hạng 5), Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường (xếp hạng 11). Kết quả này có ý nghĩa hết sức quan trọng, vừa khẳng định vai trò của tỉnh trong xây dựng và phát triển kinh tế xanh, vừa tác động, dẫn dắt các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn tỉnh trong quá trình sản xuất, kinh doanh phải chú trọng đến bảo vệ môi trường, giữ gìn môi trường và đi đầu trong tiết kiệm năng lượng hoặc sử dụng năng lượng tái tạo.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong chuyến thăm và làm việc với tỉnh Kon Tum đã nhấn mạnh: “Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp chế biến”.
Với những định hướng cụ thể và kết quả thực tiễn đáng khích lệ, tỉnh ta trong thời gian tới tiếp tục nỗ lực thực hiện tốt Chỉ số PGI, song hành giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển nhanh và bền vững.
Nguyên Phúc