“Chạy trước” khô hạn

01/04/2025 06:01

Mặc dù vừa qua, một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã có mưa rào và dông nhưng về cơ bản vẫn đang đứng trước cao điểm mùa khô. Việc chủ động triển khai sớm và quyết liệt các giải pháp cụ thể trên tinh thần chống hạn chủ động là rất cần thiết để giảm thiểu tác động của hạn hán.

Xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà) có một số hồ thủy lợi cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, như hồ 707, hồ 6A, 6B; một phần diện tích lấy nước lòng hồ thủy điện Plei Krông, nhưng phần lớn diện tích cà phê vẫn phải lấy nước từ hồ Đăk Uy. Vì vậy, vào cao điểm mùa khô nguy cơ thiếu nước, khô hạn rất cao.

Ông Lê Trọng Hảo- Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Mar cho hay, vừa qua, trên địa bàn xã cũng có mưa dông nên phần nào “giải nhiệt” cho cây trồng, nhất là diện tích cà phê. Tuy nhiên, nếu nắng nóng kéo dài thì nguy cơ khô hạn là không thể tránh khỏi.

Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn xã chưa xuất hiện tình trạng thiếu nước. Nhưng nếu thời gian tới tiếp tục nắng nóng, không có mưa thì sẽ có một số diện tích cây trồng thiếu nước tưới. Xã đã lên kế hoạch ứng phó với hạn hán, trong đó chú trọng thực hiện các giải pháp tiết kiệm nước và điều tiết nước tưới phù hợp; vận động nhân dân sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm- ông Lê Trọng Hảo nói.

Cần làm tốt công tác tích nước tại các hồ thủy lợi. Ảnh: HL

 

Theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, thời tiết nắng nóng xuất hiện trong tháng 3 ở khu vực phía Tây, Tây Nam và phía Nam tỉnh, có xu hướng mở rộng trong tháng 4 và kéo dài đến tháng 5. Nhiệt độ trung bình từ tháng 3-5/2025 trên phạm vi toàn tỉnh có khả năng cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 0,1-0,30C.

Từ tháng 12/2024 đến nay, mực nước trên các sông, suối có dao động nhỏ theo xu thế giảm dần qua các thời kỳ. Trên các sông Đăk Bla tại thành phố Kon Tum, sông Pô Kô tại các huyện Ngọc Hồi, Đăk Tô, sông Đăk Tơ Kan tại Đăk Tô mực nước có dao động mạnh do chịu ảnh hưởng hoạt động của các nhà máy thủy điện.

Tổng lượng dòng chảy trên sông Đăk Bla đạt thấp hơn 62-73% so với trung bình nhiều năm cùng kỳ. Từ tháng 3-5/2025, mực nước và lưu lượng trên các sông, suối có dao động nhỏ theo xu thế giảm chậm và duy trì ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ (trên sông Đăk Tờ Kan và sông Pô Kô lưu lượng thấp hơn từ 5-15%; riêng sông Đăk Bla đoạn chảy qua huyện Kon Rẫy và thành phố Kon Tum thấp hơn từ 30 - 40%).

Từ giữa tháng 12/2024, một số hồ chứa đã có mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường, như hồ Ia Bang Thượng (thành phố Kon Tum) thấp hơn mực nước dâng bình thường 0,34m; hồ Đăk Uy (huyện Đăk Hà) thấp hơn mực nước dâng bình thường 0,1m; hồ C19 (huyện Đăk Tô) thấp hơn mực nước dâng bình thường 0,42m.

Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn Kon Tum phát ngày 28/3, trong các ngày qua, khu vực các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Hà, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum có nắng nóng, nhiệt độ cao nhất ngày đạt từ 35 - 37°C, độ ẩm tương đối thấp nhất từ 35 - 40%.

Do ảnh hưởng của nắng nóng kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có khả năng xảy ra khô hạn, thiếu nước ở khu vực không chủ động nguồn nước thuộc các huyện Kon Rẫy, Đăk Hà, Đăk Tô, Ngọc Hồi, Sa Thầy, Ia H’Drai, Nam Đăk Glei và thành phố Kon Tum.

Năm 2024, lượng mưa trên địa bàn tỉnh thấp hơn từ 5 – 10% so với các năm trước. Dù có mưa trái mùa giúp giảm nguy cơ hạn hán, thiếu nước cho cây trồng, nhưng ngành Nông nghiệp cũng như các địa phương cần có phương án chủ động ứng phó khi hạn hán có thể xảy ra vào cuối mùa khô. Đặc biệt, cần chú ý tích nước tại các hồ chứa; phân bổ lịch tưới tiêu phù hợp.

Thống kê từ Chi cục Thuỷ lợi và Tài nguyên nước (Sở Nông nghiệp và Môi trường) cho thấy, tính đến nay, trên địa bàn, có khoảng 380ha lúa, cây công nghiệp, rau màu bị thiếu nước do các hồ, đập, trạm bơm không đảm bảo cấp nước.

Những dự báo không mấy thuận lợi về tình hình thời tiết, thủy văn trong những tháng mùa khô trước mắt cho thấy cần triển khai sớm và hiệu quả các giải pháp cụ thể, trên tinh thần không “chạy theo” để ứng cứu mà phải “chạy trước” khô hạn.

Chủ động đảm bảo cấp nước phục vụ đời sống và sản xuất. Ảnh: H.L

 

Trên tinh thần đó, ngay từ đầu năm 2025, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 4744/KH-UBND về phòng, chống hạn hán, thiếu nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh mùa khô năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp liên quan và chính quyền địa phương các cấp chủ động xây dựng phương án bảo đảm cung cấp nước phục vụ sinh hoạt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp trong mùa khô năm 2025.

Mới đây, ngày 26/3, UBND tỉnh tiếp tục có văn bản số 983/UBND-KTN chỉ đạo tiếp tục  triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước mùa khô năm 2025.

UBND tỉnh lưu ý, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng nước tiết kiệm; phổ biến các phương pháp tưới tiết kiệm, khoa học nhằm tiết kiệm nước.

Thường xuyên kiểm kê nguồn nước các công trình thủy lợi, điều tiết, dự trữ nguồn nước. Có kế hoạch phân phối, điều chỉnh hợp lý khi nguồn nước bị thiếu hụt để bảo đảm nguồn nước cung cấp đầy đủ cho sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô.

Trường hợp nguy cơ bị thiếu nước nghiêm trọng, chỉ thực hiện tưới để duy trì sức sống tối thiểu của cây trồng, kết hợp với việc sử dụng vật liệu sẵn có ở địa phương để giữ ẩm, hạn chế thất thoát nước do bốc hơi; thực hiện công tác khắc phục hạn hán, thiếu nước theo phương châm “4 tại chỗ”.

Các chủ hồ đập thủy lợi, thủy điện thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa và quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định của quy trình vận hành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không để ảnh hưởng đến đời sống và hoạt động sản xuất của nhân dân ở phía hạ du.        

Hồng Lam

Chuyên mục khác