29/08/2020 06:02
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn gia súc trên địa bàn tỉnh hiện có là 217.698 con; trong đó, đàn heo là 114.442 con, đạt 78,93% so với kế hoạch phát triển. Hiện nay, dịch bệnh, nhất là dịch tả Châu Phi đã được kiểm soát, nhưng tiến độ tái đàn diễn ra khá chậm, chủ yếu là ở các trang trại, còn các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn khá dè dặt, do lo sợ nguy cơ rủi ro tiềm ẩn.
Ông Mã Phi Sơn (thôn 9, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum) nuôi heo hơn 10 năm nay chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi thường nuôi 30- 40 con, thế nhưng, đợt trước dịch chết hết nên tôi không dám tái đàn. Chăn nuôi giờ ngày càng khó khăn, nhất là trong việc phòng dịch; bên cạnh đó, giá cả mấy năm nay cũng lên xuống thất thường, có đợt giá heo xuống thấp khiến gia đình tôi bị lỗ nặng phải “treo” chuồng một thời gian. Đợt này, giá heo thương phẩm cao thì lại không dám nuôi, vì giá heo giống quá cao, bỏ vốn nhiều, nhưng sợ đến lúc được bán thì giá lại xuống thấp, không có lời, thêm vào đó, nếu lỡ xảy ra dịch bệnh thì coi như “trắng tay”.
Cùng quan điểm, bà Phạm Thị Hiền (thôn Phương Quý I, xã Vinh Quang, thành phố Kon Tum) thừa nhận: Bình thường trong chuồng nhà tôi thường thả 10 – 15 con heo, việc chăn nuôi này nhằm tận dụng nguồn thức ăn sẵn có của gia đình như cám gạo, bắp mì, hèm rượu, lấy công làm lời là chính. Trong làng phần đa các hộ đều chăn nuôi heo như nhà tôi, nhà nhiều thì 30 – 40 con, nhà ít thì 10 – 20 con. Việc chăn nuôi heo của người dân ở đây dựa theo kinh nghiệm chứ không biết áp dụng khoa học kỹ thuật, xử lý môi trường gì hết. Nếu lứa nào thuận lợi, heo không bệnh tật, giá cả thị trường ổn định thì lời chút đỉnh, còn gặp phải rủi ro hay giá cả tụt dốc thì may lắm là hòa vốn, có khi thua lỗ, thậm chí mất trắng.
|
Cũng như gia đình ông Sơn, bà Hiền, hàng ngàn hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh theo quy mô nhỏ lẻ đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng đây vẫn là hình thức chăn nuôi chủ yếu, chiếm một tỷ trọng khá lớn trong lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh và là nguồn thu nhập chính của nhiều hộ nông dân.
Ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Chăn nuôi nông hộ phù hợp với điều kiện của nhiều gia đình bởi vốn đầu tư ít, không đòi hỏi kỹ thuật cao, tận dụng được các phụ phẩm trong nông nghiệp, sử dụng lao động nhàn rỗi và mang lại thu nhập tương đối ổn định cho nhiều gia đình. Tuy nhiên, những năm gần đây, hình thức chăn nuôi heo theo kiểu nhỏ lẻ này đứng trước nhiều khó khăn, do thị trường bấp bênh. Trong khi đó, việc phát triển chăn nuôi của người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu chạy theo nhu cầu của thị trường, thấy giá cao là nuôi nên rất thiếu sự ổn định; rồi dịch bệnh diễn biến phức tạp dẫn đến nhiều rủi ro. Bên cạnh đó, chăn nuôi nông hộ ngày càng bộc lộ nhiều nhược điểm như việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm yếu, lợi nhuận thấp, đặc biệt là khả năng kiểm soát dịch bệnh và môi trường hạn chế. Minh chứng rõ nét, khi bệnh dịch tả Châu Phi xảy ra chủ yếu tấn công vào đàn heo của các hộ chăn nuôi quy mô nhỏ.
Theo thống kê trong 2 đợt dịch tả châu Phi năm 2019 và đầu năm 2020, toàn tỉnh có 7.635 con heo bị bệnh và phải tiêu hủy với trọng lượng hơn 366 tấn thịt; gần 1.400 hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng. Điều này làm ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển sản xuất chăn nuôi của tỉnh và nhất là sau dịch không ít người chăn nuôi ở các địa phương rơi vào tình trạng “trắng chuồng, trắng tay”.
Cũng theo ông Trần Văn Chương, ngoài những nhược điểm đang tồn tại thì về lâu dài, chăn nuôi nông hộ cũng khó lòng cạnh tranh được với chăn nuôi tập trung, trang trại cũng như khó đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường. Vì vậy, việc dịch chuyển từ chăn nuôi hộ gia đình truyền thống sang chăn nuôi trang trại tập trung, công nghiệp, sản xuất hàng hóa áp dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học là hướng đi đang được khuyến khích để hạn chế rủi ro cho chính người dân và tạo thuận lợi trong việc tổ chức, kiểm soát hoạt động chăn nuôi của ngành chức năng, giảm tác động đến lĩnh vực chăn nuôi của tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có 21 trang trại chăn nuôi heo quy mô trên 1.000 con, chủ yếu theo hình thức nông dân liên kết với doanh nghiệp. Với hình thức liên kết này, 2 bên cùng có lợi; người nuôi chỉ bỏ vốn đầu tư kinh phí xây dựng hệ thống chuồng trại theo đúng thiết kế kỹ thuật của doanh nghiệp và bỏ công chăm sóc, tiêm phòng; còn giống, các loại vật tư như thức ăn và thuốc thú y đều do doanh nghiệp cung cấp. Doanh nghiệp còn hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho người chăn nuôi. Thực tế cũng chứng minh, hình thức chăn nuôi này đã giúp các trang trại vượt qua những tác động của dịch tả Châu Phi thời gian qua.
Có thể nói, nghề chăn nuôi heo đã giúp rất nhiều nông hộ có thu nhập ổn định, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Tuy nhiên, trước những khó khăn do dịch bệnh cùng những đòi hỏi ngày càng cao của thị trường, hình thức chăn nuôi nông hộ quy mô nhỏ lẻ đã bộc lộ không ít những hạn chế thì việc chuyển hướng chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học, xây dựng liên kết trong sản xuất là điều tất yếu để người nông dân không còn chịu cảnh bấp bênh của giá cả trị trường và cả những rủi ro trong chăn nuôi.
Thiên Hương