Cây có múi ở Măng Đen

18/10/2017 13:00

​Bên cạnh phát triển rau hoa xứ lạnh, Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông) còn là vùng đất phù hợp với các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi...Các nông dân chuyên canh cây có múi, đặc biệt là cam đã khẳng định được điều này.

Cách đây 4 năm khi quyết định trồng các loài cây có múi, các nông dân ở huyện Đăk Hà “chân ước chân ráo” lên thôn Măng Đen, xã Đăk Long, huyện Kon Plông chỉ nghe nói vùng đất này phù hợp, nhưng vẫn chưa có một mô hình nào khả dĩ để học tập. “Say nắng” Măng Đen với khí hậu mát lành và được huyện Kon Plông bố trí đất sản xuất, 6 hộ nông dân đầu tư trồng 20 ha cây có múi. Qua bao ngày ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đánh vật với nắng mưa, các loài cây có múi ở Măng Đen không phụ lòng người.    

Nhìn vườn cây có múi xanh tươi, nhất là cây cam chủ lực trong vườn đang sai quả, Tạ Văn Tin, thôn Măng Đen mãn nguyện bộc bạch: Qua 4 năm đầu tư trồng và chăm sóc, đây là năm thứ hai cam cho quả. Vụ bói năm ngoái, chúng tôi đã thu được gần 15 tấn quả cam, giá bán 30 - 40 ngàn đồng/1 kg. Còn năm nay, tuy chưa đến kỳ thu hoạch nhưng thương lái vào tận nơi đặt hàng, dự tính đến rằm tháng 9 âm lịch, chúng tôi đồng loạt thu hoạch cam. Không tính cây trồng khác, bình quân mỗi cây cam năm nay cho từ 35 đến trên 50 quả.

Bình quân mỗi cây cam cho từ 35 đến 50 quả. Ảnh: V.N

 

Để ý, chúng tôi nhận thấy, cây cam trong vườn nhà nào cũng xanh tốt và màu quả bóng láng. Ông Nguyễn Hạnh cho biết, để vườn cam phát triển xanh tốt và theo hướng VietGAP bền vững, các hộ vào tận Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang mua cây giống về trồng; đồng thời nhờ 1 kỹ sư chuyên về trồng cây ăn trái ở Thành phố Hồ Chí Minh tư vấn kỹ thuật. Bên cạnh đó, chắt lọc  kinh nghiệm nhiều năm trồng cam tại xã Ngọc Wang và việc mày mò học thêm kỹ thuật trên sách báo, internet, các hộ mới xây dựng vườn cam đạt chuẩn theo mong muốn.  

Do nắm bắt và chia sẻ kinh nghiệm cho nhau, quy trình kỹ thuật chăm sóc như nhau nên các vườn cam phát triển khá đồng đều. Nói về việc đầu tư, các hộ cho biết hoàn toàn là bằng nguồn vốn tiết kiệm từ những năm trồng cam ở huyện Đăk Hà, chưa có sự hỗ trợ vay vốn từ nhà nước. Cứ bình quân mỗi năm, các hộ đầu tư cho mỗi ha cây trồng 40 triệu đồng-tương ứng với 800 triệu đồng cho 20 ha-số vốn không hề nhỏ với nhà nông.

Qua bao ngày bỏ công sức và trí tuệ cho cây trồng, các hộ được đền đáp xứng đáng. “Năm đầu tiên khi cam Kon Plông đưa ra thị trường, chúng tôi nhận thấy ít có cam nào sánh kịp về màu sắc. Nếu cam ở nơi khác khi chín màu da cam thường vàng nhạt, thì cam ở Kon Plông khi chín vàng tươi như nghệ. Nước cam Kon Plông uống cũng ngọt thanh hơn cam các nơi khác”-ông Tin cho biết.

Bàn về cây trồng chủ lực, các hộ đều xác định cam sành là cây chủ lực, tiếp đến cây quýt, bưởi da xanh rồi mới đến cây trồng khác.

Theo yêu cầu về đầu tư và xây dựng thương hiệu ở huyện, 6 hộ đang hợp sức lại thành lập công ty lấy tên là Công ty Nguyễn Hạnh. Theo hồ sơ đăng ký của Công ty Nguyễn Hạnh, Dự án thực hiện là trồng cây ăn quả chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP. Đây là hướng đi phù hợp với xu thế và người tiêu dùng hiện nay.

Văn Nhiên

Chuyên mục khác