Cây cà phê xứ lạnh trên vùng đất Đăk Man

12/11/2014 16:13

Năm 2004, xã Đăk Man, huyện Đăk Glei đã phát triển được 95,8ha cà phê; mới đây, chính quyền xã có chủ trương trồng thêm 15ha cà phê catimo cho 126 hộ nghèo.
Thu hoạch cà phê xứ lạnh trên vùng cao Đăk Man. Ảnh: T.A

 

Chúng tôi có dịp đến với xã Đăk Man (Đăk Glei) đúng vào dịp thu hoạch cà phê. Năm nay, cây cà phê nơi đây được mùa, trái nhiều và chín đều cộng thêm được giá nên bà con ai cũng phấn khởi.

Có được sự thay đổi trên vùng đất này là nhờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự quan tâm của các ban, ngành huyện Đăk Glei ngay từ năm 2004 đã giúp bà con chuyển đổi số diện tích trồng các loại cây không hiệu quả sang trồng cà phê xứ lạnh.

Ông A Quang – Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Man cho biết: Nhận thấy khả năng có thể phát triển cây cà phê xứ lạnh, chúng tôi đã vận động bà con trong xã cải tạo đất hoang hóa, đất trồng bắp và mỳ không hiệu quả để trồng cà phê. 

Ban đầu rất ít hộ đăng ký tham gia vì ngại chuyển đổi giống cây trồng 4 năm sau mới cho thu hoạch - Ông Quang cho hay. 

Qua quá trình tuyên truyền, vận động, bà con hiểu hơn về mô hình cà phê xứ lạnh. Phòng NN&PTNT huyện Đăk Glei cũng đã phối hợp với chính quyền xã mở lớp tập huấn và hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà phê xứ lạnh; huyện hỗ trợ phân bón, giống. 

Nhờ vậy, ngay trong năm 2004, xã phát triển được 95,8ha cà phê; mới đây, chính quyền xã có chủ trương trồng thêm 15 ha cà phê catimo cho 126 hộ nghèo.

Năm nay, diện tích 95,8ha cà phê trồng năm 2004 cho năng suất bình quân từ 13-15 tạ/ha, bà con ai cũng phấn khởi. 

Chị Y Nhã (32 tuổi), thôn Măng Khênh tâm sự: Cây cà phê ở xã Đăk Man chúng tôi đã cho thu hoạch được mấy năm rồi, nhưng năm nay được mùa nhất, trái nhiều, chín đều, bà con ai cũng vui. 

Gia đình chị Y Nhã trồng 1ha cà phê, thu hoạch được 20 bao, mỗi bao chứa 60kg cà phê tươi, chứ không giống như năm trước phải đi hái chọn trái chín trước, đã vất vả mà còn bị thương lái ép giá. 

Chị Y Nhã cho biết: Về phân bón và các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ… thì được Hội Nông dân xã cấp, đến mùa thu hoạch bán cà phê rồi mới thanh toán các khoản tiền cho Hội nên chúng tôi rất yên tâm trồng và chăm sóc. Dự kiến năm sau, tôi sẽ mở rộng thêm 3 sào cà phê catimo ở diện tích đất trồng lúa rẫy không hiệu quả, nhằm tận dụng quỹ đất để phát triển kinh tế.

Anh A Ken, thôn Đông Nây cho biết: Từ khi trồng cây cà phê, cuộc sống gia đình nào cũng được nâng lên, không giống như lúc xưa chỉ trông chờ vào lúa và bắp nên khổ lắm. 

Chúng tôi mong muốn, sau khi thu hoạch cà phê sẽ có công ty nào đó đứng ra mua, chứ các thương lái vào từng gia đình mua ép giá nên thiệt thòi cho bà con.

Với những hiệu quả mang lại, cây cà phê xứ lạnh đã mở hướng thoát nghèo cho bà con Đăk Man. 

Cùng với chăm sóc diện tích cũ, đầu tư mở rộng diện tích, bà con rất mong nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành trong việc tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.  

                                                                                           Tuấn Anh

Chuyên mục khác