21/12/2016 09:19
Cây bo bo được đồng bào dân tộc Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông trồng từ bao đời nay. Nhưng bà con trồng không nhiều, chủ yếu là để ăn và làm rượu cần phục vụ sinh hoạt trong gia đình.
3 năm trở lại đây, cây bo bo được bà con nơi đây phát triển mạnh, đang trở thành cây hàng hóa bán ra thị trường, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Huyện Tu Mơ Rông cũng đã đưa loại cây này vào kế hoạch, trở thành một trong những cây hàng hóa để phát triển góp phần xóa nghèo.
Tìm hiểu thực tế tại xã Đăk Hà, chúng tôi tìm đến một số gia đình có diện tích bo bo nhiều. Đơn cử như nhà bà Y Liễu (37 tuổi, ở làng Mô Pảh, xã Đăk Hà) năm nay trồng gần 2ha cây bo bo.
|
Theo Y Liễu, khoảng giữa cuối tháng 5 thì trồng cây bo bo trên rẫy, sau hơn 5 tháng bắt đầu thu hoạch; hiện đang là thời điểm thu hoạch rộ. So với các loại cây trồng khác, bo bo rất dễ trồng, mỗi vụ làm cỏ 4-5 lần mà thôi.
Chỉ rẫy bo bo bạt ngàn trước mặt, Y Liễu giới thiệu, khi trổ bông, cây bo bo cao hơn 2m, mới trổ hạt màu xanh, chín hạt tròn và chuyển sang màu đà đà, hạt nào to như đầu bút bi, to hơn thì như thân cây bút máy. Năm nay, dù chưa thu hoạch hết nhưng Y Liễu dự đoán sẽ được khoảng 5 tấn.
"Giá hiện giờ thua năm ngoái nên nhà tôi không bán mà đợi giá lên mới bán"- Y Liễu nói.
So với Y Liễu, hộ Y Liên (58 tuổi) ở làng Mô Pảh còn trồng nhiều hơn: trên 2ha và dự kiến vụ bo bo này sẽ bán được vài chục triệu đồng.
Ông A Lý- Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: Toàn xã năm nay trồng hơn 41ha bo bo, trong đó có khoảng 15 hộ trồng hơn 1 ha/hộ. Vào đầu vụ thu hoạch năm ngoái, hạt bo bo có thời điểm cao đến 19.000-20.000 đồng/kg khô, sau đó hạ xuống 16.000 đồng/kg và đến mùa thu rộ thì trung bình 10.000 đồng/kg.
"Các năm trước, khi được giá, bà con thu hoạch bo bo xong là bán hết, có hộ thu vài chục triệu đồng. Còn năm nay, giá ở mức dưới 10.000 đồng nên bà con chưa bán mà trữ lại, đợi giá lên mới bán"- A Lý cho hay.
Đến xã Măng Ri, chúng tôi cũng chứng kiến người Xê Đăng ở đây đang thu hoạch cây bo bo. Bà Y Hlạng ở làng Pu Tá cho biết, cây bo bo vốn là cây bản địa, nhưng hơn chục năm nay chẳng mấy người trồng. Mấy năm nay, cây này được phục hồi và cho thu nhập khá, hơn hẳn nhiều loại cây lương thực khác.
A Róc- Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết: Cây bo bo trước đây được đồng bào Xê Đăng sử dụng như cây lương thực, nấu độn với gạo thành cơm, ăn có vị bùi bùi, ngọt… Đặc biệt, vào tháng cuối năm đồng bào hay dùng hạt bo bo để nấu rượu cần và xem đó cũng như cây dược liệu trong vùng.
Tương tự, về xã Ngọc Yêu thời điểm này - địa phương có diện tích bo bo nhiều nhất huyện Tu Mơ Rông (toàn xã trồng được hơn 63ha bo bo), tại đây, trên các khoảnh đồi, rẫy, người dân bắt đầu thu hoạch bo bo ở những khoảnh chín rộ.
Ở Ngọc Yêu, thôn Ba Tu và Tam Rin là 2 thôn được bà con trồng khá nhiều cây bo bo. A Dũi (thôn Ba Tu) cho biết: Ở đây bà con thường trồng cây bo bo trên rẫy, trồng xen với cây bời lời, cà phê…
Nhà mình năm nay trồng không nhiều, khoảng 3 sào thôi. Ở đây bà con bắt đầu thu hoạch rộ loại cây này. Cây bo bo cũng là cây thu hoạch cuối cùng của năm.
Theo một số người dân ở Ngọc Yêu, hiện các thương lái tiến hành thu mua cây bo bo với giá từ 6.500- 7.000 đồng/kg, nhưng bà con thấy giá thấp hơn năm ngoái nên vẫn chưa bán mà để chờ giá lên.
Theo ông Nguyễn Hải Nam- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông, cây bo bo được người dân ở địa phương phát triển mạnh từ năm 2014. Hồi đó, thương lái các vùng vào tận huyện để lùng và mua sạch hạt bo bo của đồng bào Xê Đăng. Ban đầu bà con tự phát trồng, sau đó thấy cây trồng này có triển vọng khá hơn một số loại cây lương thực khác nên địa phương khuyến khích và hỗ trợ giống cho người dân trồng.
Theo thống kê, năm 2016 này cả huyện trồng được 420ha, tăng 60ha so với năm 2015 (trong thực tế có thể nhiều hơn), tập trung nhiều nhất ở xã Đăk Rơ Ông, Đăk Sao, Ngọc Yêu, Măng Ri… với năng suất trung bình đạt 32 tạ/ha.
Giá bán hạt bo bo trung bình qua các năm dao động từ 10.000-14.000 đồng/kg, thời điểm thấp nhất là 7.000-8.000 đồng/kg. Nếu tính giá 10.000 đồng/kg hạt bo bo thì thu về 32 triệu đồng/ha, lợi hơn nhiều so với lúa rẫy, bắp và cây mì tại đất này.
Cũng theo ông Nam, đặc tính cây bo bo là dễ trồng, dễ thu hoạch. Trong quá trình trồng cây này, đồng bào có thể trồng xen với cây bời lời, bắp và lúa rẫy. Những rẫy trồng xen này, đồng bào thường thu bắp và lúa trước, sau đó mới đến cây bo bo, còn cây bời lời là cây lâu năm nên khoảng 5-7 năm sau mới thu hoạch.
Ông A Hơn- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, năm sau chắc chắn diện tích trồng cây bo bo trên địa bàn sẽ tăng cao hơn, vì đồng bào Xê Đăng thấy được lợi ích của cây trồng này. Vì vậy, sản lượng bo bo cũng tăng theo. Để tránh bị tư thương ép giá, chính quyền sẽ làm việc với các đầu mối mua hạt bo bo ký kết bao tiêu sản phẩm cho người dân...
Đó là tín hiệu vui cho bà con đồng bào dân tộc Xê Đăng ở Tu Mơ Rông yên tâm phát triển cây bo bo như là một loại cây trồng chủ lực góp phần giúp bà con sớm thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Văn Phương