Cầu nối xúc tiến thương mại

06/03/2021 06:03

Việc kết nối tiêu thụ, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm hàng hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, trong những năm qua, ngành Công thương và các địa phương đã có nhiều hoạt động thiết thực hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tìm kiếm đối tác, định hướng thị trường, tiêu thụ sản phẩm.

Ông Võ Văn Mười - Giám đốc Trung tâm Khuyến công - Xúc tiến thương mại tỉnh cho biết: Xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hàng hóa là mắt xích quan trọng, then chốt trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để đưa các sản phẩm hàng hóa, nhất là các mặt hàng đặc sản của tỉnh, dễ dàng tiếp cận thị trường, góp phần thúc đẩy hình thành, phát triển chuỗi giá trị hàng hoá khép kín. Đồng thời, qua đó, tạo động lực để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường. Ngoài ra, khi tham gia hoạt động kết nối cung- cầu, các hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn được tiếp xúc, trao đổi thông tin, nắm bắt tình hình cung - cầu hàng hóa để chủ động tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp và có chiến lược đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, mở rộng thị trường.

Hội chợ là một trong những hoạt động quan trọng của công tác xúc tiến thương mại. Ảnh: TH

 

Hiểu rõ vai trò của xúc tiến thương mại, thời gian qua, ngành Công thương và các ngành có liên quan đã tích cực triển khai nhiều hoạt động như tổ chức các hội chợ, triển lãm, hội thảo về thương mại để kết nối cung cầu giữa tỉnh ta với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước nhằm giới thiệu các sản phẩm của tỉnh với những đối tác trong và ngoài nước. Ngoài ra, ngành còn hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia các hội chợ, triển lãm, hội thảo về thương mại trong và ngoài nước để giới thiệu và gửi sản phẩm của các nhà sản xuất trong tỉnh vào các kênh bán hàng trong cả nước. Đồng thời, ngành Công thương cũng tích cực tìm hiểu, khảo sát, nghiên cứu thị trường, kịp thời cung cấp thông tin phù hợp với nhu cầu thị trường, phục vụ cho các doanh nghiệp địa phương có kế hoạch sản xuất kinh doanh có hiệu quả…

Đơn cử như năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhiều hội chợ, triển lãm, hội thảo bị hủy bỏ nhưng ngành Công thương vẫn chủ động phối hợp chặt chẽ với các địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia một số hội nghị, hội chợ lớn như: Hội nghị kết nối giao thương, kết nối cung cầu hàng hóa tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; hội chợ tại Khánh Hòa, Bình Phước, Ninh Thuận, Đồng Tháp, Tiền Giang và gửi sản phẩm tham gia quảng bá, giới thiệu tại nhiều hội chợ trong và ngoài nước. Đặc biệt, Sở Công thương đã tập trung đẩy mạnh hoạt động hợp tác về thương mại giữa tỉnh Kon Tum và thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh theo các chương trình đã được ký kết giữa các địa phương. Qua đó, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được những hợp đồng, hợp tác liên doanh phát triển sản xuất, mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, để nâng cao tiêu chuẩn, vị thế và sức cạnh tranh hàng hóa Kon Tum trên thị trường, thời gian qua, cùng với nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp, ngành Công thương cũng tăng cường hỗ trợ các đơn vị sản xuất xây dựng thương hiệu, thiết kế nhãn hiệu, logo, kiểu dáng công nghiệp, đăng ký mã vạch… Hai năm một lần, Sở Công thương tổ chức bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh để tìm kiếm các sản phẩm có chất lượng cao, tiềm năng phát triển để hỗ trợ các cơ sở sản xuất đầu tư, mở rộng sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ. Chỉ tính riêng năm 2020, toàn tỉnh có 12 sản phẩm của 9 đơn vị sản xuất đã được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 3 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực.

Người dân tham quan, mua sắm tại Hội chợ Công thương khu vực Tây Nguyên. Ảnh: T.H

 

Với việc tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại và không ngừng chuẩn hóa sản phẩm, đến nay, nhiều mặt hàng có chất lượng của tỉnh Kon Tum được kết nối thành công, đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn trong cả nước như Co.op Mart, Lotte… Một số sản phẩm tiêu biểu còn vươn ra được thị trường nước ngoài như: Bỉ, Pháp, Đức, Mỹ…

Để nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến thương mại, tăng cường liên kết, kết nối cung cầu hàng hóa, trong thời gian tới, trước mắt là năm 2021, ngành Công thương chú trọng tổ chức hiệu quả các hội chợ, phiên chợ trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn; phát triển thị trường trong nước, hệ thống bán lẻ gắn với tiêu thụ hàng nội địa, sản phẩm OCOP; chú trọng phát triển các nguồn hàng xuất khẩu. Ngoài ra, ngành Công thương cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, tranh thủ tốt các nguồn vốn để hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư hiện đại hóa các dây chuyền sản xuất, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, hướng hoạt động sản xuất công nghiệp theo các giá trị công nghiệp xanh, sạch và bền vững.

Bên cạnh đó, hoạt động quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại được các lực lượng chức năng tăng cường… Qua đó, góp phần hạn chế nạn hàng nhái, hàng giả, từ đó, củng cố niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm hàng hóa của tỉnh cũng như bảo vệ uy tín, quyền lợi hợp pháp của các nhà sản xuất chân chính.

Có thể nói, để hàng hóa của tỉnh ngày càng vươn xa hơn trên thị trường, nhất là thị trường ngoài nước, thì việc đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công tác xúc tiến thương mại đóng vai trò vô cùng quan trọng. Từ đó, tạo động lực khích lệ các doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh; góp phần khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh hàng hóa của tỉnh.             

Thiên Hương

Chuyên mục khác