Câu chuyện bình ổn thị trường

19/12/2023 13:13

Bình ổn thị trường cuối năm được xem như một giải pháp hữu hiệu đảm bảo thị trường hàng hóa vận hành ổn định, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, việc thực hiện cần có sự chủ động, linh hoạt và tuân thủ nguyên tắc.

Khoảng thời gian cuối năm, nhất là giáp tết, là đỉnh điểm mua sắm của mọi nhà, mọi người với mong muốn đón một cái tết đủ đầy, tươm tất. Do vậy, giá cả hàng hóa có thể tăng đột biến. Theo khảo sát hàng năm, vào cuối năm, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng có thể tăng 10-30%.

Đây chính là lúc các chính sách quản lý của Nhà nước phát huy vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cho thị trường hàng hóa vận hành ổn định, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng. Và Chương trình bình ổn thị trường cuối năm (Chương trình) được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu.

Chuẩn bị đủ hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao dịp cuối năm. Ảnh: HL

 

Được thực hiện trong nhiều năm qua, mục tiêu ban đầu của chương trình là “bình ổn giá”. Trong đó chủ yếu là đấu tranh với  tình trạng đầu cơ, găm hàng, thổi giá để trục lợi; hạn chế tình trạng nâng giá hàng tùy tiện để ổn định giá cả hàng hóa, bảo vệ người tiêu dùng.

Sau nhiều năm, mục tiêu của Chương trình đã có sự chuyển biến căn bản, không chỉ “bình ổn giá” mà còn “bình ổn thị trường”. Nghĩa là vừa ổn định giá cả các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hàng hóa thiết yếu cho người dân, vừa tăng khả năng dẫn dắt thị trường thông qua điều chỉnh giá bán linh hoạt, kịp thời.

Mặt khác, với việc phát triển các điểm bán hàng cố định và tổ chức bán hàng lưu động tại nhiều địa phương, giảm chi phí trung gian, giảm chênh lệch từ giá thành sản xuất đến và giá bán tiêu dùng, Chương trình giải quyết được mâu thuẫn giữa quyền lợi của doanh nghiệp và lợi ích của người tiêu dùng.

Qua khảo sát cho thấy, các doanh nghiệp tham gia Chương trình hàng năm đã thực hiện nghiêm túc việc đăng ký giá cả, số lượng và địa chỉ cụ thể của từng điểm bán hàng bình ổn giá với cơ quan chức năng. Tổ chức bán hàng hóa tham gia bình ổn theo Chương trình đã đăng ký đảm bảo chất lượng, an toàn.

Tất cả các mặt hàng bình ổn đều được niêm yết giá công khai, rõ ràng và thống nhất ở tất cả các điểm tham gia bán hàng bình ổn. Giá bán hàng bình ổn của các doanh nghiệp tham gia Chương trình đảm bảo ổn định trong suốt thời gian tham gia bình ổn, không để xảy ra khan hàng sốt giá.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, cùng với Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Chương trình đã phát huy mọi nguồn lực xã hội tham gia thực hiện. Giai đoạn đầu, chỉ có thành phần kinh tế nhà nước tham gia; đến nay đã thực hiện tốt xã hội hóa, với doanh nghiệp giữ vai trò nòng cốt.

Quy mô của Chương trình ngày càng mở rộng, danh mục hàng hóa bình ổn thị trường tăng từ một nhóm mặt hàng (lương thực, thực phẩm) lên bốn nhóm (lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm công nghệ, thực phẩm chế biến).

Tuy vậy, cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định. Đáng chú ý là số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia Chương trình còn khá hạn chế, thường từ 2-3 doanh nghiệp mỗi năm. Điều này dẫn đến các điểm bán hàng cố định và bán hàng lưu động bình ổn giá còn ít; hàng bình ổn giá chưa đến được với đông đảo người dân vùng sâu, vùng xa, biên giới.

Mặt khác, do thiếu vắng sự tham gia của doanh nghiệp nhà nước nên khả năng dẫn dắt thị trường theo hướng có lợi cho người tiêu dùng cũng bị hạn chế. Vì doanh nghiệp tham gia Chương trình vẫn phải đặt mục tiêu có lãi, nhất là doanh nghiệp phải vay vốn ngân hàng, nên mức giảm giá so với thị trường chưa sâu.

Bình ổn thị trường dịp tết. Ảnh: HL

 

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đã đến gần. Dù trải qua một năm đầy khó khăn, nhưng nhu cầu hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng vào dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán vẫn được dự báo tăng cao.

Nhằm bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, UBND tỉnh mới ban hành Kế hoạch số 4360/KH-UBND thực hiện Chương trình bình ổn thị trường hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Theo đó, có 2 doanh nghiệp là Siêu thị Win Mart, Siêu thị Co.op Mart đăng ký tham gia. Trị giá tổng lượng hàng hóa dự trữ cho Chương trình là hơn 56,21 tỷ đồng.

Việc bán hàng được tổ chức theo phương thức bán hàng cố định, bán hàng lưu động. Theo đó, có 2 điểm bán hàng cố định trên địa bàn thành phố Kon Tum (Siêu thị Win Mart 1 điểm tại tầng 2, Trung tâm thương mại Vincom Plaza; Siêu thị Co.op Mart 1 điểm tại đường Lê Hồng Phong, phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum).

Các điểm bán hàng bằng xe lưu động được tổ chức tại các xã Ngọk Lây, huyện Tu Mơ Rông và Ngọc Linh, huyện Đăk Glei.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc tổ chức Chương trình là rất cần thiết, nhằm cung cấp hàng hóa dồi dào, có chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho người dân với giá bình ổn, hợp lý trong giai đoạn nhu cầu tăng cao, từ đó giảm áp lực về cầu gây tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, về lâu dài, cần thúc đẩy mở rộng mạng lưới phân phối hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá bình ổn tới tay người tiêu dùng, để hàng hóa được cung ứng với giá bình ổn không chỉ vào dịp cuối năm, thời gian trước, trong và sau tết, mà cả năm.

Từ đó tăng khả năng tiếp cận nguồn hàng bình ổn của nhân dân, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào DTTS.              

Hồng Lam

Chuyên mục khác