Cao su, cà phê “rủ nhau rớt giá”

03/12/2018 06:59

​Thời gian qua, giá mủ cao su, cà phê thi nhau xuống thấp, thị trường tiêu thụ khó khăn. Đây là những mặt hàng nông sản chủ lực, là nguồn thu nhập chính của đại bộ phận người dân trên địa bàn tỉnh nên việc giá cả “rủ nhau xuống thấp” khiến cho nhiều hộ nông dân gặp khó.

Hiện giá mủ cao su trên thị trường chỉ còn khoảng 220 đồng/độ, tương đương mức giá khoảng 6.500  - 7.000 đồng/kg mủ nước, 7.800 – 8.000 đồng/kg đối với mủ đông khô. Thời điểm đầu vụ, giá mủ cao su ở ngưỡng cao 12.000 – 13.000 đồng/kg, như vậy, giá mủ cao su đã mất khoảng một nửa, thấp nhất từ đầu vụ cạo đến giờ.

Năm nay quả thực là một năm khó khăn với người trồng cao su. Thời điểm trước, giá mủ duy trì ở mức tương đối thì thời tiết lại mưa nhiều nên lượng mủ ít, độ mủ thấp làm; đến nay trời hết mưa, việc khai thác thuận lợi hơn, nhưng giá mủ lại rớt thê thảm nên cái khó vẫn cứ đeo bám người trồng cao su.

Người trồng cao su gặp khó khi giá mủ xuống thấp

 

Mặc dù giá mủ thấp, nhưng với những hộ nông dân có thu nhập chính từ vườn cao su và tự túc được nhân công thì họ vẫn phải duy trì việc cạo mủ. Với những hộ phải thuê người cạo thì họ buộc phải cân nhắc, tính toán trong việc khai thác để hạn chế thiệt hại, có những hộ đã chọn giải pháp ngưng cạo để khỏi thua lỗ.

Theo các thương lái thu mua mủ cao su, sở dĩ giá mủ cao su tên địa bàn tỉnh rớt thảm hại là do chịu ảnh hưởng lớn của thị trường trong nước và thế giới. Trong đó, thị trường chính là Trung Quốc đang hạn chế nhập khẩu nên các công ty phải hạ giá thành thu mua.

Điều đáng nói là trong khi giá mủ èo uột thì giá gỗ cao su thanh lý lại ở ngưỡng cao, ở mức 600.000 – 700.000 đồng/cây, thậm chí cả triệu đồng/cây. Điều này rất dễ dẫn đến việc nhiều hộ nông dân không tỉnh táo, không cố gắng vượt qua thời kỳ khó khăn sẽ chặt thanh lý vườn cây trước thời hạn, thậm chí thanh lý cả vườn cây mới cho khai thác...

Không chỉ có cao su, giá cà phê những ngày vừa qua cũng liên tục lao dốc. Hiện giá cà phê trên thị trường tỉnh ta chỉ còn khoảng 34.500 - 35.000 đồng/kg cà phê nhân xô. So với thời điểm đầu vụ, mỗi kg cà phê nhân đã mất khoảng 3.000 đồng, tương đương khoảng 3 triệu đồng/tấn. So với cùng thời điểm của vụ thu hoạch trước, giá cà phê vụ này cũng thấp hơn khoảng 1,5 triệu đồng/tấn cà phê nhân.

Không chỉ mất giá, năng suất của vụ cà phê năm nay cũng bị sụt giảm đáng kể do thời tiết mưa nhiều, mưa kéo dài ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây cà phê.

Theo dự báo của ngành Công thương, từ nay đến cuối năm, giá cà phê sẽ vẫn duy trì ở mức thấp; do đó, doanh nghiệp và người trồng cà phê cần thận trọng trong việc dự trữ cà phê. Điều này đặt người nông dân đứng trước một sự lựa chọn khó khăn trong thời điểm cuối vụ thu hái, đó là bán ngay hay trữ lại để giảm bớt thua thiệt.

Vụ cà phê này người trồng thiệt đơn thiệt kép vì vừa mất mùa, vừa mất giá

 

Ông Hồ Văn Hoài (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) chia sẻ: Nhà tôi làm cả cao su, cà phê; nhưng chưa bao giờ tôi thấy khó khăn như thời điểm này.Giá mủ cao su, cà phê xuống thấp, trong khi giá phân bón, vật tư nông nghiệp, đặc biệt là giá thuê nhân công không hề giảm, thậm chí còn tăng hơn so với các vụ trước. Cao su thì không thể trữ được nên buộc phải bán còn cà phê thu đến đâu tôi phơi khô đến đó, hiện tại vẫn chưa bán nhưng trước thông tin ảm đạm về thị trường, tôi đang băn khoăn không biết là nên bán giờ hay để lại.

Cao su, cà phê vốn là nguồn thu nhập chính của hàng ngàn hộ dân trên địa bàn tỉnh nên những diễn biến xấu của thị trường thời gian này đã tác động không nhỏ tới đời sống của nhiều gia đình. Hy vọng tình trạng giá cả ảm đạm này sẽ nhanh chóng được cải thiện để người nông dân bớt khó.

Bài, ảnh: Ngọc Thắng

Chuyên mục khác