23/04/2025 06:05
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diện tích rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh (đến ngày 31/12/2024) là 780.247,95ha. Trong đó diện tích đất có rừng là 616.195,94ha (rừng tự nhiên 552.350,72ha; rừng trồng 63.845,22ha); diện tích đất chưa có rừng 164.052,01ha. Khô hanh, nắng nóng kéo dài đang khiến nhiều khu vực đối diện với nguy cơ xảy ra cháy rất cao.
Từ đầu năm đến nay đã xảy ra ra 2 vụ cháy rừng, gồm 1 vụ cháy 16.35ha rừng trồng chưa thành rừng tại khoảnh 1, Tiểu khu 273, xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV InnovGreen, mức độ thiệt hại 100%; 1 vụ cháy rừng tại tại Tiểu khu 568, xã Chư Hreng, thành phố Kon Tum với diện tích cháy khoảng 1,6 ha.
Cả 2 vụ cháy không gây thiệt hại về tài nguyên rừng (thiệt hại về mặt tài sản, là cây trồng, của doanh nghiệp), cây trồng của người dân, tài sản, phương tiện và con người tham gia chữa cháy. Nhưng đó chính là lời cảnh báo nguy hiểm mà mùa khô khốc liệt “gửi” cho những ngày tới.
Gần đây, tuy đã có vài cơn mưa dông, nhưng không thể “hạ nhiệt” cho các cánh rừng. Chúng vẫn khô khát dưới nắng nóng và gió. Cây bụi, thảm thực vật bìa rừng đều khô quắt, tạo nên lớp thực bì khô dày đặc, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong sử dụng lửa là có thể bùng cháy.
|
Trước áp lực canh lửa giữ rừng trong mùa khô, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng đã chủ động bố trí lực lượng trực 24 giờ trong ngày. Sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy kịp thời khi có cháy rừng xảy ra; hướng dẫn bà con đốt rẫy đúng quy trình, ngăn chặn không cho sử dụng lửa ở các khu vực trọng điểm.
Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về PCCCR cho người dân; tu sửa các công trình phòng cháy; mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện khi cần.
Chưa kể trước đó đã chủ động xây dựng phương án PCCCR; tu sửa các công trình phòng cháy; mua sắm, bảo dưỡng các trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng.
Tuy nhiên, công tác PCCCR vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Như việc huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng còn gặp khó khăn do những diện tích rừng dễ cháy nằm xa khu dân cư.
Đa phần các khu vực trọng điểm cháy rừng thường ở các vị trí cao, đất dốc nên các phương tiện chữa cháy (như xe bồn chứa nước) khó tiếp cận, trang thiết bị dụng cụ chữa cháy còn thô sơ (dao, rựa, bàn dập) nên hiệu quả trong việc chữa cháy còn nhiều hạn chế.
Việc làm đường băng cản lửa trên một số diện tích rừng cao su giáp ranh với rừng tự nhiên vẫn chưa được thực hiện. Đặc biệt là một số đơn vị chủ rừng không có kinh phí để xử lý triệt để vật liệu cháy trong lô nên nguy cơ cháy rừng là rất cao.
Trong khi đó, với nhân lực có hạn, lực lượng làm nhiệm vụ còn phải “chia sức” cho công tác tuần tra quản lý, bảo vệ rừng, truy quét lâm tặc. Nên áp lực càng nặng nề hơn.
Mùa khô đang ở những ngày khốc liệt nhất. Những ngày này, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng của tỉnh tràn ngập hai màu đỏ tươi (cấp IV- nguy hiểm) và đỏ thẫm (cấp V- cực kỳ nguy hiểm).
Theo thông báo mới nhất của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh), khu vực các huyện Ia H’Drai, Sa Thầy, Đăk Tô và Ngọc Hồi có mức dự báo cháy rừng ở cấp V- Cấp cực kỳ nguy hiểm, có khả năng cháy lớn và lan tràn nhanh trên các loại rừng.
Ngoài ra, khu vực các huyện Đăk Hà, Kon Rẫy, thành phố Kon Tum và Đăk Glei (gồm các xã Đăk Long, Đăk Môn, Đăk Kroong, thị trấn Đăk Glei, Đăk Pék, Đăk Nhoong), Tu Mơ Rông (gồm các xã Đăk Na, Đăk Sao, Đăk Rơ Ông, Đăk Tờ Kan, Đăk Hà), có mức dự báo cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm). Thời tiết khô hanh, hạn kéo dài có nguy cơ xảy ra cháy rừng lớn, tốc độ lan tràn lửa nhanh.
Trước tình hình này, UBND tỉnh liên tục có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Các cấp, các ngành, các lực lượng liên quan và toàn dân cần triển khai công tác PCCCR với tinh thần “ngày nào cũng là cao điểm”.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh cũng có văn bản đề nghị UBND các huyện, thành phố có dự báo cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), trực tiếp chỉ đạo việc PCCCR tại địa phương. Tổ chức lực lượng tuần tra, kiểm tra rừng trên địa bàn kể cả ban đêm, ngày nghỉ; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức trực chốt, trạm, tuần tra rừng của lực lượng bảo vệ rừng trực thuộc.
Kinh nghiệm PCCCR từ những mùa khô trước cho thấy, khi PCCCR được thực hiện theo hướng quản lý rủi ro, trong đó lấy phòng ngừa là chính, sẽ đạt hiệu quả cao hơn là ứng cứu.
|
Vì vậy, các chủ rừng và lực lượng Kiểm lâm cần tiếp tục rà soát, khoanh vùng các khu vực trọng điểm cháy rừng. Lực lượng canh phòng phải ứng trực trên chòi canh và ngoài hiện trường rừng, đảm bảo trực, kiểm tra nghiêm ngặt trên các vùng trọng điểm cháy 24/24 giờ trong ngày. Tăng cường kiểm tra người và phương tiện vào rừng; thông báo thường xuyên nội quy dùng lửa trong rừng và ven rừng;
Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào rừng. Thông tin cảnh báo liên tục, kịp thời cấp dự báo cháy rừng; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện để ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra.
Và cuối cùng, bài học quý nhất là cần phải dựa vào tai mắt của người dân để giữ rừng trong mùa khô khốc liệt này.
Hồng Lam