“Canh lửa, giữ rừng” ở Sa Thầy

19/03/2021 06:10

Là địa phương có diện tích rừng lớn, trước tình hình diễn biến nắng nóng gay gắt của mùa khô, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao, huyện Sa Thầy chủ động các phương án “canh lửa, giữ rừng”, nhằm hạn chế mức thấp nhất các vụ cháy rừng xảy ra trên địa bàn.

Không chủ quan trước những kết quả đạt được thời gian qua, mùa khô năm nay, huyện Sa Thầy chủ động xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng và tăng cường nhiều biện pháp, chủ động, phòng ngừa, bảo vệ an toàn cho diện tích rừng trên địa bàn trong cao điểm mùa nắng nóng và mùa đốt rừng làm rẫy. Chính nhờ làm tốt công tác khoán quản lý bảo vệ rừng, tăng cường trách nhiệm của các chủ rừng được giao quản lý bảo vệ rừng và làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong nhiều năm qua, các biện pháp phòng ngừa, bảo vệ rừng trên địa bàn được triển khai nhanh và phát huy hiệu quả trong thực tế khi được “kích hoạt”. 

Nhiều năm qua, ngoài việc thực hiện công tác khoán quản lý bảo vệ rừng, gắn trách nhiệm và quyền lợi cho người dân khi tham gia, huyện Sa Thầy tập trung chỉ đạo các ngành, địa phương cơ sở, nhất là lực lượng kiểm lâm thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng gắn với công tác phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn. Trong đó, thường xuyên tổ chức các hội nghị tuyên truyền cung cấp thông tin, trang bị kiến thức về bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy tại các thôn làng, khu dân cư cho chủ rừng và người dân; chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với các địa phương, các chủ rừng, tổ đội bảo vệ rừng thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm tra tại các khu vực giáp ranh, khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng, mất rừng, phá rừng làm rẫy, hướng dẫn người dân cách phát dọn xử lý thực bì đảm bảo an toàn phòng chống cháy rừng trong những tháng cao điểm.

“Canh lửa” ở Trạm Ba Rgốc. Ảnh: Đ.V

 

Ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray cho biết: Vườn Quốc gia có tổng diện tích 56.249,2 ha rừng thuộc địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi. Trong đó, rừng đặc dụng có 54.583,59 ha; rừng sản xuất 1.665,64 ha. Diện tích đất có rừng 52.704,59 ha, đạt độ che phủ là 93,7%. Rừng có vùng dân cư sinh sống xung quanh được hoạch định là vùng đệm nằm trên 8 xã và 1 thị trấn. Để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô hanh, chúng tôi đã tích cực phối hợp với hạt kiểm lâm trong công tác bảo vệ rừng và tham mưu UBND huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi ban hành các văn bản, công điện để chỉ đạo các địa phương làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.

Đến thời điểm hiện tại, Vườn Quốc gia Chư Mon Ray có 108 viên chức và người lao động, trong đó lực lượng bảo vệ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ QLBVR-PCCCR là 77 người, được bố trí ở 14 trạm, 1 Tổ cơ động và Đội chuyên trách bảo vệ rừng. Mặc dù lực lượng ít so với quy định chung, nhưng để thực hiện hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, đến thời điểm hiện nay đơn vị đã đầu tư xây dựng 3 hồ đập phục vụ cho hoạt động chữa cháy tại trạm Ya Book (xã Mo Rai) và trạm Đăk Tao (xã Rờ Kơi); xây dựng 10 chòi canh lửa; làm 15 bảng cấp dự báo cháy rừng; 1.130 bảng tam giác cấm lửa và chuẩn bị nhiều công cụ chữa cháy khác... Mùa khô năm nay, công tác tuyên truyền cũng được đơn vị đẩy mạnh và đã tổ chức 21 cuộc tuyên truyền cấp thôn, làng với 844 lượt người tham gia; ký 98 bản cam kết QLBVR với các hộ sống gần rừng.

Là một trong những địa phương có diện tích rừng khá lớn, những năm qua xã Sa Sơn luôn chú trọng làm tốt công tác phòng chống cháy rừng. Nhiều năm liền, trên địa bàn xã Sa Sơn không để xảy ra vụ cháy rừng nào.

Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn - Đoàn Văn Tám cho biết, xã Sa Sơn có 4 thôn, với hơn 660 hộ, 2.260 khẩu, phần lớn thuộc vùng đệm của Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Toàn xã có diện tích đất tự nhiên trên 6.534 ha; trong đó, có diện tích đất lâm nghiệp là 2.943,4 ha và đất có rừng là 2.913,2 ha. Những năm trở lại đây, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực trong việc chung sức bảo vệ lâm sản, khoáng sản trên địa bàn. Để có sự chuyển biến này, hàng năm, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ, phòng cháy, chữa cháy rừng; chỉ đạo tổ nhận khoán bảo vệ rừng thường xuyên tuần tra, kiểm tra rừng. Nhờ vậy, từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xã không có vụ cháy rừng xảy ra, số vụ vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng giảm đáng kể so với những năm trước.

 Để công tác phòng, chống cháy rừng trong mùa khô năm 2021 đạt hiệu quả, ngay từ cuối năm trước, xã Sa Sơn tiến hành kiện toàn các tổ, đội bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy rừng cho cán bộ và người dân trên địa bàn xã; xây dựng phương án, kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng, triển khai đến các thôn để người dân ký cam kết và thực hiện. Công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân luôn được chú trọng, bằng các hình thức tuyên truyền tại khu dân cư, lồng ghép các buổi họp của thôn để đưa các nội dung, văn bản pháp luật liên quan công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng đến từng hộ dân. Đưa công tác quản lý, bảo vệ rừng vào hương ước, quy ước trong cộng đồng dân cư. Công tác chữa cháy rừng được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”.

Không chỉ xã Sa Sơn mà tại tất cả các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sa Thầy đều chủ động triển khai xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng mùa khô năm nay rất sớm và phân công rõ trách nhiệm tới từng tổ chức, cá nhân liên quan chuẩn bị các phương án chủ động đối phó và khắc phục nếu cháy rừng xảy ra, tăng cường lực lượng thường trực ở các chốt, trạm bảo vệ rừng để có thể phát hiện nhanh nhất các đám cháy xảy ra.

Mặc dù là địa phương có diện tích lớn, trong thời gian qua, huyện Sa Thầy chủ động triển khai thực hiện khá tốt công tác phòng cháy chữa cháy rừng- nhất là ở các xã có diện tích rừng nhiều, và nguy cơ cháy rừng cao nên đã góp phần bảo vệ có hiệu quả nguồn tài nguyên rừng trước sự xâm hại của “giặc lửa”.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền nâng cao trách nhiệm của người dân trong việc tự nguyện tham gia quản lý, bảo vệ rừng cũng được các chủ rừng chú trọng nên các trường hợp vi phạm lâm luật như khai thác lâm sản trái phép, chặt củi đốt than, phá rừng làm rẫy  đã giảm đáng kể so với nhiều năm trước.

Với sự chỉ đạo sâu sát của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự chủ động của ngành chức năng trong việc thực hiện các phương án phòng cháy, chữa cháy rừng trong mùa khô, huyện Sa Thầy đang nỗ lực để bảo vệ diện tích rừng hiện có, ngăn chặn, hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng xảy ra.   

Đắc Vinh

Chuyên mục khác