Canh lửa giữ rừng

10/05/2024 14:17

Vài cơn mưa dông không thể làm các cánh rừng đang khô khát “hạ nhiệt”. Và những người làm nhiệm vụ canh lửa giữ rừng vẫn chưa được phép lơ là, lơi lỏng.

Tháng 5 ở vùng biên, nắng hừng hực cháy da mặt. Mới băng qua được nửa quả đồi tôi đã thấy khát nhân đôi, quéo cổ họng; mệt nhân đôi, rã rời đôi chân. Nhưng anh Đào Xuân Thủy- Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray vẫn đi phăm phăm phía trước.

Đôi lúc, nhìn dáng người nhỏ nhắn, thư sinh ấy, tôi tự hỏi đâu là nguồn năng lượng giúp anh vượt qua bao gian khó, trụ lại với “nghề rừng”- một nghề đòi hỏi có thể lực tốt, dù ít dù nhiều- suốt mấy chục năm qua.

Đứng trên đầu dốc, tôi nhìn bao quát một vùng rộng lớn, và cảm nhận rõ sự khốc liệt của mùa khô năm nay. Phần lớn cây cối, thảm thực vật bìa rừng đều khô quắt, tạo nên lớp thực bì khô dày đặc, chỉ cần một sơ suất nhỏ trong sử dụng lửa là có thể bùng cháy.

Những lúc này thì đúng là cảnh tượng “rừng chiều nghe lao xao, tiếng lá non gọi gió. Tôi đứng giữa ngàn xanh mà say trong hương rừng” chỉ có trong… âm nhạc.

Kiểm tra, ngăn chặn người dân sử dụng lửa trong rừng. Ảnh: T.H

 

Với tổng diện tích hơn 56.000ha, trải dài trên địa bàn 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi, Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray đang phải huy động tổng lực và áp dụng các biện pháp chống cháy phù hợp thực tế- anh Đào Xuân Thủy cho hay.

Những năm gần đây, Ban quản lý Vườn quốc gia Chư Mom Ray triển khai thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin vào theo dõi và quản lý tài nguyên rừng.

Theo đó, từ các số liệu đầu vào thu thập được từ ảnh vệ tinh kết hợp với số liệu điều tra thực địa, Ban quản lý kịp thời phát hiện những biến động tài nguyên rừng một cách nhanh chóng, từ đó chủ động xây dựng phương án xử lý kịp thời, triệt để.

Đơn cử như trong phòng cháy chữa cháy rừng, trước đây, nếu như có điểm cháy rừng, người dân báo tin, nguyên chuyện xác định vị trí, tọa độ để hành quân (chưa nói chuyện bị lạc đường) đã tốn bao nhiêu thời gian, khi đến nơi thì đã thành đám cháy lớn. Nhưng nay, chỉ một dấu hiệu, một đốm khói nhỏ là đã được phát hiện.

Nhưng không vì thế mà lực lượng bảo vệ rừng được phép chủ quan. Diện tích rộng, địa bàn phức tạp, đồi dốc hiểm trở, đường ranh giới dài, bao quanh bởi thôn làng và ruộng rẫy, trong khi nhân lực mỏng, chỉ hơn 70 người, nên phải chia trực tại nhiều trạm, chốt, xác định cụ thể từng khu vực trọng điểm để tập trung canh giữ.

Cũng do lực lượng có hạn, bài học quý nhất là dựa vào tai mắt của người dân để canh lửa được phát huy cao độ.

Theo kinh nghiệm của anh em, các trạng thái rừng đồi cỏ xen lồ ô, tre nứa, rừng trồng (với diện tích hơn 2.000ha) xen kẽ trong rừng già có nguy cơ xảy ra cháy rất cao.

Mà khi đã xảy ra cháy rừng rồi thì nguy hiểm, khó khăn lắm. Người dập lửa đằng trước gió thổi bùng lửa ở  đằng sau, không để ý thì nguy hiểm đến tính mạng chứ đừng nói đến cứu rừng.

Vì thế, những người làm nhiệm vụ canh lửa giữ rừng chưa bao giờ được phép lơ là, lơi lỏng. Anh em hay đùa nhau, ngủ cũng chỉ được ngủ một mắt, mắt kia mở để canh lửa. 

Kiểm tra công tác xử lý thực bì trong rừng cao su. Ảnh: TH

 

Mình mệt một, anh em mệt gấp mười, gấp trăm lần, vì phải bám địa bàn 24/24 giờ, tổ chức lại các tổ đội quần chúng bảo vệ và chữa cháy rừng; hướng dẫn bà con sử dụng lửa đúng quy trình; ngăn chặn không cho sử dụng lửa ở các khu vực trọng điểm- anh Đào Xuân Thủy chia sẻ.

Mùa khô đang ở những ngày khốc liệt nhất. Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước áp lực canh lửa giữ rừng, lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và các đơn vị chủ rừng đã chủ động xây dựng phương án PCCCR mùa khô 2023-2024; đẩy mạnh tuyên truyền về PCCCR cho người dân.

Đồng thời tu sửa các công trình phòng cháy; mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện khi cần.

Tuy nhiên, công tác PCCCR vẫn còn đó nhiều nỗi lo. Như việc huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng còn gặp khó khăn do những diện tích rừng dễ cháy nằm xa khu dân cư.

Đa phần các khu vực trọng điểm cháy rừng thường ở các vị trí cao, đất dốc nên các phương tiện chữa cháy (như xe bồn chứa nước) khó tiếp cận, trang thiết bị dụng cụ chữa cháy còn thô sơ (dao, rựa, bàn dập) nên hiệu quả trong việc chữa cháy còn nhiều hạn chế.

Việc làm đường băng cản lửa trên một số diện tích rừng cao su giáp ranh với rừng tự nhiên vẫn chưa được thực hiện. Đặc biệt là một số đơn vị chủ rừng không có kinh phí để xử lý triệt để vật liệu cháy trong lô nên nguy cơ cháy rừng là rất cao.

Những ngày này, trên biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng của tỉnh tràn ngập hai màu đỏ tươi (cấp IV- nguy hiểm) và đỏ thẫm (cấp V- cực kỳ nguy hiểm). UBND tỉnh liên tục có văn bản yêu cầu các cấp, các ngành xác định công tác PCCCR là nhiệm vụ trọng tâm, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Các chuyên gia khuyến cáo rằng, phòng, chống cháy rừng cần được thực hiện theo hướng quản lý rủi ro trong đó lấy phòng ngừa là chính; xác định phòng hơn chống để đầu tư thỏa đáng cho phòng ngừa.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong thực hiện các quy định về phòng cháy rừng; cấm tất cả các hoạt động đốt rẫy, đốt dọn thực bì trong thời kỳ cấp dự báo cháy rừng là cấp IV, cấp V.

Rà soát, khoanh vùng các khu vực trọng điểm cháy rừng; tăng cường lực lượng ứng trực, tuần tra, kiểm tra tại các khu vực này nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các điểm cháy khi mới xuất hiện.

Chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”; tổ chức lực lượng trực 24/24 giờ; kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện ra vào rừng.

Vài cơn mưa dông vừa qua không thể làm những cánh rừng bớt khô khát. Giữ rừng an toàn trước “giặc lửa” là mệnh lệnh cần phải được chấp hành với quyết tâm cao nhất.

Thành Hưng

Chuyên mục khác