Cần tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chủ trương trồng rừng - Bài 2: Vướng mắc trong thực hiện chủ trương trồng rừng

19/09/2023 13:20

Với quyết tâm thực hiện Nghị quyết 06 -NQ/TU của Tỉnh ủy cũng như bám sát chỉ tiêu được được giao, Ban Thường vụ Huyện ủy Ia H’Drai chỉ đạo UBND huyện xây dựng kế hoạch để triển khai trồng rừng đảm bảo hiệu quả. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, huyện gặp không ít những vướng mắc.

Đồng chí Võ Anh Tuấn- Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: Để Nghị quyết 06-NQ/TU và Chương trình 51-CTr/HU của Huyện ủy trở thành hiện thực, Ban Thường vụ Huyện ủy đặc biệt chú trọng đến việc lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương về kế hoạch trồng rừng để người dân biết về vai trò, ý nghĩa của việc trồng rừng trên địa bàn. Đồng thời, giao cơ quan chuyên môn thường xuyên kiểm tra, đôn đốc triển khai trồng phù hợp với mùa vụ, hạn chế thấp nhất cây trồng bị chết hoặc sinh trưởng phát triển kém, đem lại hiệu quả cao trong trồng rừng. Ban Thường vụ Huyện ủy cũng chỉ đạo việc ký kết quy chế phối hợp giữa Hạt Kiểm lâm và Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện về công tác trồng rừng để tham mưu UBND huyện thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay, góp sức của các đơn vị, công ty, doanh nghiệp và nhân dân, sau 3 năm đầu triển khai thực hiện kế hoạch, huyện Ia H’Drai đã trồng được 957,2 ha rừng (đạt 68,3% chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021- 2025) và trồng được 143.963 cây phân tán (đạt 72% chỉ tiêu kế hoạch giai đoạn 2021-2025).

Tuy nhiên, để tiếp tục triển khai kế hoạch trồng rừng trên địa bàn huyện Ia H’Drai đảm bảo theo kế hoạch, đòi hỏi nhu cầu kinh phí thực hiện là rất lớn (ước tính khoảng 15 tỷ đồng). Mặc dù huyện tích cực vận động nguồn kinh phí xã hội hóa, nhưng do  đời sống của người dân trên địa bàn còn nhiều khó khăn, cùng với tác động của suy thoái kinh tế và dịch bệnh dẫn đến hoạt động của các doanh nghiệp khó khăn, vì vậy, việc kêu gọi xã hội hóa trồng rừng vẫn “như muối bỏ bể”.

 
Quân và dân huyện Ia H’Drai ra quân trồng rừng năm 2022, quyết tâm phủ xanh rừng. Ảnh: DĐN

 

Huyện Ia H’Drai có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 94.903,28ha, trong đó diện tích có rừng 85.372,61ha (diện tích rừng tự nhiên 59.840,68ha; diện tích rừng trồng 25.531,93ha - bao gồm cây cao su), tỷ lệ độ che phủ rừng đạt 87,1%, cao nhất tỉnh. Tuy diện tích đất trên địa bàn huyện đa số là đất rừng và đất lâm nghiệp (chiếm 97% tổng diện tích tự nhiên), nhưng diện tích đất còn lại phân bố manh mún, nhỏ lẻ, chủ yếu ở phía bắc và phía đông có địa hình phức tạp, độ dốc cao, sỏi đá, bạc màu, suy thoái, khô cằn, xa xôi, chưa có đường giao thông; một số diện tích đất xen kẽ diện tích đất của các công ty, doanh nghiệp trồng cao su nên việc trồng rừng gặp khó khăn.

Và để triển khai công tác trồng rừng có hiệu quả, huyện đã thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đăng ký tham gia trồng rừng. Tuy diện tích đất nhân dân đăng ký nhiều, nhưng qua kiểm tra, đo đạc thực tế và đối chiếu với quy định thì nhiều diện tích đăng ký là đất nông nghiệp ngoài quy hoạch 3 loại rừng, không đảm bảo điều kiện để hỗ trợ; một số diện tích có sự chồng chéo khi rà soát trên bản đồ thuộc các đơn vị chủ rừng khác. Mặt khác, diện tích đất giao về cho địa phương quản lý theo Quyết định 1221/QĐ-UBND, ngày 15/11/2017 của UBND tỉnh chưa được bàn giao về cho địa phương. Đây là những khó khăn lớn ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng trồng rừng cũng như trong việc phấn đấu thực hiện đạt chỉ tiêu những năm còn lại theo kế hoạch trồng rừng giai đoạn 2021-2025 của huyện cũng như Chương trình số 51-CTr/HU của Huyện ủy đã đề ra.

Mặt khác, đối tượng tham gia dự án trồng rừng sản xuất tập trung là các hộ gia đình. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn chưa thiết tha, mặn mà và chưa coi trọng công tác trồng rừng, chưa nhận thức được việc chuyển đổi các giống cây trồng chưa hiệu quả sang trồng rừng sản xuất tập trung là hướng đi phù hợp, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế lâu dài để tạo ra nguồn thu nhập cho gia đình sau này, hay tâm lý e ngại về đầu ra cho sản phẩm nên chưa mạnh dạn trong việc đầu tư trồng rừng.

Bên cạnh đó, việc triển khai công tác chi trả kinh phí cho các hộ dân nhận khoán theo Quyết định 304/2005/QĐ-TTg, ngày 23/11/2005 của Thủ tướng Chính phủ “về việc thí điểm giao rừng, khoán bảo vệ rừng cho hộ gia đình và cộng đồng trong buôn, làng là đồng bào DTTS tại chỗ các tỉnh Tây Nguyên”, hộ gia đình cư trú tại xã khu vực III nhận bảo vệ rừng tại xã khu vực I và ngược lại; hộ gia đình cư trú tại xã khu vực III nhận bảo vệ rừng tại xã khu vực I và khu vực III chưa có hướng dẫn cụ thể nên địa phương gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện.

Tập quán chăn thả gia súc của bà con nhân dân cũng gây ảnh hưởng cho diện tích rừng mới trồng, mới dặm. Mặc dù chính quyền các cấp, các lực lượng chức năng thường xuyên tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức, kiến thức cho người dân chăn nuôi gia súc trên địa bàn nhằm ngăn chặn tình trạng vi phạm pháp luật nói chung và làm ảnh hưởng đến diện tích rừng trồng nói riêng, nhưng một bộ phận người dân vẫn còn lơ là trong việc trông coi, chăn thả gia súc, hoặc để gia súc tự do ăn, ngủ lại trong rừng nhiều ngày, làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc trồng, chăm sóc rừng trên đia bàn.
(còn nữa).                

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác