Cần tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện chủ trương trồng rừng - Bài 1: Điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết phủ xanh rừng

19/09/2023 06:11

Bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước, huyện Ia H’Drai còn huy động nguồn vốn lớn xã hội hóa từ sự đóng góp, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán, thể hiện sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng để trồng rừng, trở thành điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết của Đảng về phủ xanh rừng.

Quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 25/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển lâm nghiệp bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngày 6/1/2022, Huyện ủy Ia H’Drai đã ban hành Chương trình số 51-CTr/HU để cụ thể hóa triển khai thực hiện Nghị quyết trên.

Theo số liệu của Huyện ủy Ia H’Drai, toàn huyện có tổng diện tích tự nhiên 98.021,81ha; trong đó, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp là 94.903,28ha. Trong giai đoạn 2021-2025, huyện được giao chỉ tiêu trồng 1.400ha rừng và 200.000 cây phân tán.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy, thời gian qua, các cấp, ngành trong huyện triển khai đồng bộ nhiều biện pháp để thực hiện nhiệm vụ trồng rừng và trồng cây phân tán, luôn phấn đấu hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu trồng rừng. Điều này không chỉ đưa huyện dẫn đầu cả tỉnh về tỷ lệ độ che phủ rừng (đạt 87,10 %, bao gồm cây cao su) mà còn mở hướng phát triển kinh tế ổn định, bền vững ở địa phương.

Người dân tham gia trồng rừng tại khoảnh 1, tiểu khu 755, thôn 1, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Ảnh: THANH XUÂN

 

Đồng chí Trương Thị Linh- Bí thư Huyện ủy chia sẻ: Hàng năm, huyện đã ban hành kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán trên địa bàn, trong đó, nâng  cao  trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn xác định được tầm quan trọng của việc phát triển rừng. Đồng thời giao chỉ tiêu cụ thể cho các xã để thực hiện và thường xuyên chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, phấn đấu hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch.

Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các đơn vị chủ rừng, các công ty, doanh nghiệp và người dân nên công tác trồng rừng trên địa bàn huyện đã có nhiều chuyển biến tích cực. Việc trồng rừng tập trung được triển khai thực hiện trên các diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất bạc màu và một số vùng hoặc khu vực có rừng nhưng đã nghèo kiệt, khả năng phục hồi thấp hay một số diện tích đất khác có diện tích liền vùng từ 0,3ha trở lên.

Đối với cây phân tán được trồng dọc hành lang các tuyến giao thông; khuôn viên các đồn biên phòng, doanh trại quân đội, công an, các trường học, các điểm du lịch và dọc tuyến đường tuần tra biên giới với nhiều giống cây cho giá trị kinh tế cao, phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn.

Để hiện thực hóa mục tiêu nhân rộng diện tích trồng rừng, tăng độ che phủ rừng trên địa bàn huyện thì cần có nguồn ngân sách rất lớn. Bên cạnh việc sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước thực hiện theo chính sách đầu tư và hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương, tỉnh, huyện theo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025, huyện cũng huy động nguồn vốn lớn từ nguồn xã hội hóa, vốn đóng góp, tài trợ hợp pháp của các doanh nghiệp, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây phân tán. Đây là nguồn vốn có vai trò quan trọng, thể hiện sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng cho các hoạt động trồng rừng, trồng cây phân tán thông qua việc hỗ trợ cây giống, hỗ trợ vận chuyển, hay sự đóng góp sức lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh của các tổ chức, đoàn thể và người dân tham gia.

Qua 3 năm thực hiện, toàn huyện trồng 957,2ha/1.400ha rừng, đạt 68,3% chỉ tiêu được giao giai đoạn 2021-2025 và cây phân tán trồng được 143.963 cây, tỷ lệ cây trồng sống đến nay đạt từ 85-95%. Trong tổng diện tích 957,2 ha rừng trồng trong 3 năm qua, thì có 835,9 ha rừng được trồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Riêng trong năm 2023, toàn bộ nguồn vốn trồng rừng trên địa bàn được sử dụng từ nguồn kinh phí xã hội hóa với hơn 368,2 triệu đồng.

Những vạt đồi trọc đều được trồng rừng tập trung. Ảnh: DĐN

 

Có thể nói, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Huyện ủy Ia H’Drai thì cấp ủy các cấp với vai trò là hạt nhân chính trị đã lãnh đạo, huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện chủ trương lớn phủ xanh rừng. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương cũng đã tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các công ty, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư về công tác quản lý bảo vệ rừng, phát triển rừng và trồng cây xanh phân tán.

Đồng chí Trương Thị Linh chia sẻ thêm: Với quyết tâm chính trị cao nhất, huyện đã kêu gọi, huy động nguồn lực từ xã hội hóa, kết hợp lồng ghép với các chương trình, dự án tài trợ, dự án đầu tư công theo quy định của pháp luật để thực hiện kế hoạch trồng rừng và trồng cây phân tán hàng năm. Trong đó, có sự đóng góp lớn của Công ty cổ phần đầu tư phát triển Duy Tân và các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn, các tổ chức đoàn thể, nhân dân trong việc hỗ trợ giống cây trồng, xe vận chuyển, công lao động phát quang, dọn dẹp thực bì và trồng rừng.

(còn nữa)

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác