16/08/2023 06:04
HTX Quyết Thắng (thôn Đăk Tang, xã Đăk Xú) thành lập từ năm 2007; sản xuất kinh doanh trong các lĩnh vực nhang, tăm tre và nấm ăn. Các sản phẩm của HTX không sử dụng hóa chất độc hại; nguyên liệu, hương liệu sản xuất từ thiên nhiên nên đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
Ông Vũ Văn Biên- Giám đốc HTX Quyết Thắng cho biết: Sản phẩm tăm tre và nhang bình quân mỗi năm sản xuất khoảng 5 tấn, doanh thu trên 200 triệu đồng/năm. Nhà xưởng sản xuất nấm rộng 400m2; sản xuất các loại nấm sò, nấm linh chi; trung bình mỗi năm sản xuất khoảng 1 tấn sản phẩm, doanh thu khoảng 50 triệu đồng/năm. HTX Quyết Thắng giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động ở địa phương với mức thu nhập bình quân 200.000 đồng/người/ngày.
|
“Nhu cầu tiêu dùng của khách hàng rất lớn, sản phẩm làm ra không đủ bán nhưng HTX không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Nếu thế chấp tài sản nhà xưởng cũng có thể vay được vốn, nhưng lãi suất ngân hàng thương mại khá cao nên HTX “không chịu nổi”. Nếu Nhà nước có chính sách ưu đãi lãi suất thì HTX mới dám vay vốn đầu tư sản xuất, đảm bảo kinh doanh đạt hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương nhiều hơn” - ông Biên bộc bạch.
Cũng “khát vốn” như HTX Quyết Thắng, Tổ hợp tác Vùng Ba Biên (thôn Ngọc Tiền, xã Đăk Xú) cũng cần một nguồn vốn vay khá lớn để đầu tư phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng và đăng ký mã vùng trồng cây, xây dựng sản phẩm OCOP.
Tổ hợp tác Vùng Ba Biên thành lập ngày 18/9/2021, có 16 thành viên, liên kết các hộ trồng cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả trong thôn với tổng diện tích canh tác 80ha, gồm cà phê, cao su, cây ăn quả các loại và ao nuôi nuôi thủy sản.
Một trong những hộ làm ăn hiệu quả nhất trong Tổ hợp tác này là gia đình anh Trần Văn Thọ. Gia đình anh Thọ có 2,5ha cây sầu riêng, 1,5ha cao su,1ha cà phê trồng xen với các loại cây ăn quả khác như chôm chôm, bơ, chuối. Ngoài ra, gia đình còn kinh doanh các loại vật tư nông nghiệp, buôn bán trái cây. Riêng cây sầu riêng, doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng; cộng các khoảng thu khác, thu nhập của gia đình anh mỗi năm trên 3 tỷ đồng.
|
Gia đình anh Thọ là một trong số ít thành viên của Tổ hợp tác Vùng Ba Biên có tiềm lực kinh tế, có vốn tích lũy để tái đầu tư mở rộng sản xuất. Trong khi đó, nhiều thành viên khác rất “khát vốn” để đầu tư sản xuất. Như trường hợp anh Tống Văn Chín, để đầu tư trồng 1,4ha chanh dây, anh phải vay mượn anh em, bạn bè, bà con để có tiền mua giống, làm đất, làm giàn, phân bón, chăm sóc. Vì gia đình anh không thuộc diện hộ được ưu tiên vay vốn tín dụng chính sách nên anh phải vay vốn từ ngân hàng thương mại với lãi suất cao, nên cần tính toán để vay vốn đầu tư.
“Mình chỉ mong trong thời gian tới, Nhà nước ưu tiên dành nguồn vốn với lãi suất hợp lý, thấp hơn lãi suất các ngân hàng thương mại để các HTX, THT vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, góp phần tăng thu nhập cho các thành viên, hộ gia đình”- anh Chín chia sẻ.
Ông Nguyễn Chí Tường- Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hồi cho biết, huyện Ngọc Hồi có 36 HTX, THT đang hoạt động với gần 1.000 thành viên tham gia, trong đó có khoảng 50% thành viên là người DTTS. Hiện nay, các chính sách hỗ trợ KTTT vẫn còn một số bất cập, chưa sát với thực tiễn, chưa tạo được “cú hích” để các HTX và THT đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất và kinh doanh có hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc các HTX, THT trên địa bàn huyện Ngọc Hồi hiện nay tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước còn gặp những khó khăn nhất định. Ví dụ, về đất đai, hiện nay chỉ có HTX Quyết Thắng được giao, cho thuê đất xây dựng trụ sở và cơ sở sản xuất với diện tích 3.910m2 tại Cụm Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp xã Đăk Xú. Hoặc chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đến nay huyện mới chỉ hỗ trợ 250 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình MTQG Xây dựng nông thôn mới để HTX Dục Nông xây dựng trụ sở làm việc và trưng bày, buôn bán các sản phẩm OCOP do HTX sản xuất.
Về nguồn vốn, hiện nay việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại của HTX, THT còn khó khăn. Hơn nữa, một số hộ gia đình, thành viên HTX, THT chưa làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể thế chấp ngân hàng để vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Xem ra, bài toán “khát vốn” cho KTTT cần “lời giải” từ Trung ương thì mới tạo nên xung lực mới cho KTTT phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Quang Định