Cần tháo gỡ khó khăn cho “huyện 30a”

23/10/2023 13:04

Tu Mơ Rông là huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ. Trong những năm qua, mặc dù Nhà nước ưu tiên đầu tư nhiều về các lĩnh vực, nhưng hiện nay vẫn còn một số bất cập cần được tháo gỡ trong thời gian tới.

Với đặc thù là huyện miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS có trên 95% là dân tộc Xơ Đăng, với xuất phát điểm nền kinh tế thấp, nên điều kiện kinh tế-xã hội của huyện Tu Mơ Rông còn gặp rất nhiều khó khăn. Để thoát khỏi huyện nghèo, trong những năm qua, Huyện uỷ, UBND huyện đã xác định: Quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, trồng dược liệu, chăn nuôi dưới tán rừng, gắn với du lịch là định hướng phát  triển lâu dài, bền vững; trong đó, việc phát triển dược liệu, chăn nuôi đã và đang được quan tâm phát triển đảm bảo lộ trình.

Anh A Đức ở thôn Ba Khen, xã Văn Xuôi, huyện Tu Mơ Rông chăm sóc bò. Ảnh: TVH

 

Tuy nhiên, hầu hết các điểm có tiềm năng phát triển du lịch của huyện như: Điểm du lịch cộng đồng xã Đăk Na với điểm nhấn là thác Siu Puông đẹp, hùng vĩ và hoang sơ có độ cao từ chân  thác đến đỉnh thác hơn 400m; các điểm du lịch trải nghiệm vườn sâm Ngọc Linh ở xã Măng Ri đều liên quan hoặc thuộc vùng an toàn khu cách mạng của tỉnh.

Chủ tịch UBND huỵện Võ Trung Mạnh cho biết: Để việc triển khai thực hiện phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn huyện, trong đó phát triển du lịch là thế mạnh, trong thời gian tới, UBND huyện đề nghị Quốc hội, Chính phủ có ý kiến chỉ đạo để huyện triển khai các dự án phát triển và thu hút phát triển du lịch trên địa bàn huyện có liên quan tới thuộc vùng an toàn khu cách mạng của tỉnh (không thuộc vùng lõi). Đồng thời, cho chủ trương nâng cấp Quốc lộ 40B từ huyện Đăk Tô đi huyện Nam Trà My về đến thành phố Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam), nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư  và phát triển du lịch, vì Quốc lộ 40B được đầu tư khá lâu nay đã xuống cấp; hỗ trợ đầu tư, nâng cấp đường Ngọc Hoàng Măng Bút, nhằm kết nối từ Khu du lịch sinh thái quốc gia Măng Đen qua vườn sâm Ngọc Linh và các điểm du lịch của huyện, tạo thành tuyến du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng của tỉnh.

Hiện nay, việc triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) gặp nhiều khó khăn do các văn bản hướng dẫn chậm, chồng chéo, đặc biệt là Dự án Trung tâm Giống thuộc dự án 3 Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (gọi chung là vùng đặc biệt khó khăn). Từ thực tế trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp tới việc triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn thuộc các chương trình MTQG. Dự báo trong năm 2023, các địa phương khó có thể triển khai và giải ngân 100% kế hoạch vốn thuộc các chương trình MTQG được giao. Do đó, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho  kéo dài kế hoạch vốn thực hiện các chương trình MTQG sang năm 2024 tiếp tục thực hiện.

Mô hình trồng sâm Ngọc Linh của Đoàn xã Ngọc Lây. Ảnh: TVH

 

Đặc biệt, chỉ đạo các bộ, ngành như: Công an, Công thương, Cục Quản lý thị trường, Y tế xử lý nghiêm minh, quyết liệt các trường hợp lợi dụng thương hiệu, sản xuất, bán các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh, nhất là việc chế biến sản phẩm dược liệu, thực phẩm chức năng được công bố có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh để lừa người tiêu dùng, làm mất uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh.

Về chế độ chính sách, đề nghị tỉnh kiến nghị Quốc hội nghiên cứu giữ nguyên các chính sách hỗ trợ như: Bảo hiểm y tế, giáo dục, cán bộ và viên chức vùng đặc biệt khó khăn khi xã đạt chuẩn nông thôn mới để động viên cán bộ, công chức an tâm công tác lâu dài ở vùng sâu, vùng xa, vì thực tế đạt chuẩn nông thôn mới rồi nhưng việc công tác tại vùng sâu, vùng xa vẫn hết sức khó khăn.

Chủ tịch UBND huyện Võ Trung Mạnh cho hay: Hiện nay, cán bộ huyện luân chuyển về xã để đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện được tính là cán bộ, công chức xã và phải thực hiện quy trình xét tuyển lại công chức huyện, nhưng không thành lập hội đồng xét tuyển. Vấn đề này, còn nhiều cách hiểu khác nhau giữa Nghị định 138/2020/NĐ-CP của Chính phủ “quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức” và các văn bản liên quan khác.

“Trong đó, luân chuyển cán bộ, công chức của huyện đến xã giữ các chức vụ chủ chốt theo các quy định của Đảng có thời hạn nhất định để đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu của chức danh quy hoạch (theo khoản 1, Điều 3 và Điều 8 của Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ) và nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển được hiểu là nếu có quyết định bố trí ổn định nơi luân  chuyển thì mới không còn là cán bộ luân chuyển (theo khoản 2, điều 10 của Quy định số 65-QĐ/TW về luân chuyển cán bộ). Hiện nay, huyện vẫn giữ biên chế tại huyện (chưa tuyển), nhưng khi thực hiện quy trình công tác cán bộ phải thực hiện quy trình  xét tuyển thì có hợp lý không ”- Chủ tịch UBND huyện Võ Trung Mạnh nêu rõ.                 

Trần Vũ Hùng

Chuyên mục khác