Cần gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng cho các công trình

13/04/2023 13:14

“Nút thắt” về đền bù giải phóng mặt bằng đang là rào cản ảnh hưởng đến tiến độ xây dựng các công trình trên địa bàn. Điều đó cũng ảnh hưởng lớn đến việc giải ngân vốn đầu tư, làm chậm sự phát triển.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình đã và đang gặp vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án bởi chưa có đầy đủ mặt bằng để triển khai thi công. Đặc biệt là những công trình trọng điểm trên địa bàn thành phố Kon Tum, có số lượng dân cư đông. Vì vậy, nhiều công trình phải triển khai thi công theo kiểu chắp vá, có mặt bằng đến đâu làm đến đó. Và lẽ dĩ nhiên, điều đó vừa ảnh hưởng đến tiến độ dự án, vừa ảnh hưởng việc giải ngân vốn đầu tư đã được bố trí. Đương nhiên, việc dự án kéo dài là khó tránh khỏi, ảnh hưởng đến cuộc sống, cũng như việc đi lại của người dân trên địa bàn. 

Đường Trường Chinh vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt bằng nên khó khăn trong thi công. Ảnh: PN

 

Đơn cử như Dự án đường Trường Chinh (đoạn từ Phan Đình Phùng đến đường Đào Duy Từ - phạm vi cầu nối qua sông Đăk Bla) được UBND tỉnh phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 221/QĐ-UBND ngày 24/3/2021 và phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tại Quyết định số 826/QĐ-UBND ngày 6/9/2021 với tổng mức đầu tư 457,126 tỷ đồng. Dự án này đang được Ban quản lý dự án các công trình giao thông dân dụng và công nghiệp tỉnh (Ban quản lý dự án) làm chủ đầu tư. Hiện nay, Ban quản lý dự án đã tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng để triển khai các gói thầu thuộc hợp phần 1. Gói thầu xây lắp số 01 (theo Hợp đồng số 57/2020/HĐ-XD ngày 23/6/2020) có giá trị hợp đồng 68,101 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 3 năm đến tháng 6/2023 phải hoàn thành. Gói thầu xây lắp công trình (bổ sung hợp phần 1) có giá trị hợp đồng 103,537 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng đến tháng 9/2023 hoàn thành.

Tuy nhiên, dự án đang gặp khó khăn bởi công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đến nay, dù đã cơ bản thực hiện xong công tác kiểm kê khối lượng tài sản bị ảnh hưởng, nhưng vẫn còn 52 hộ chưa nhận tiền bồi thường và vẫn còn 67 hộ phê duyệt phương án bồi thường. Khó khăn lớn nhất là đối với 61 hộ dân có nguồn gốc đất do UBND tỉnh và Sư đoàn 10 giao đất  năm 1991-1993 (thuộc Tổ 3, 4 đoạn từ đường Trần Phú đến Nguyễn Viết Xuân, với bên phải tuyến dài 320 m, bên trái tuyến 190m) chưa đồng ý với giá đền bù.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, với Dự án đường trục chính phía Tây thành phố Kon Tum, được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1020/QĐ-UBND ngày 18/10/2020 với tổng mức đầu tư 1.492,6 tỷ đồng. Tổng số hộ bị ảnh hưởng là 419 hộ và 3 tổ chức với 119,4ha. Đến nay, tại địa bàn phường Ngô Mây chỉ mới bàn giao đoạn km0-km0+300 và đoạn từ km1+800 đến km2+500. Tại địa bàn xã Vinh Quang mới bàn giao mặt bằng phạm vi thi công cầu qua suối Trung Thành (đoạn km5+722 và đoạn km5+880,5 - km6+599,97 thi công cầu qua sông Đăk Bla thuộc địa bàn xã Vinh Quang). Tại địa bàn xã Đoàn Kết, mới bàn giao mặt bằng (khoảng 500m liên tục) đoạn Km9+280 đến Km10+050, phạm vi đất ruộng lúa thuộc địa bàn thôn 5, xã Đoàn Kết). Ngoài ra, các hộ dân thuộc vùng bán ngập lòng hồ thủy điện Yaly chưa thực hiện công khai phương án bồi thường nên chưa có mặt bằng để nhà thầu thi công.

Không có mặt bằng sạch nên nhà thầu tranh thủ thi công những đoạn đã có mặt bằng. Ảnh: P.N

 

Đối với Dự án Kè chống lũ lụt, sạt lở các làng đồng bào DTTS dọc sông Đăk Bla trên địa bàn thành phố Kon Tum (tuyến bờ Bắc - đoạn từ làng Kon Hra Chót đi làng Kon Tum Kơ Nâm, Kon Klor 1 và Kon Tum Kơ Pơng), thì  Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1106/QĐ-UBND ngày 10/11/2020 với tổng mức đầu tư được duyệt là 473,441 tỷ đồng. Cho đến nay, các đơn vị thi công cũng mới chỉ tổ chức thi công những đoạn đã có mặt bằng. 

Theo Ban quản lý dự án, đến nay, dự án này vẫn còn một số vướng mắc về chồng lấn một phần diện tích đã thu hồi khi đầu tư xây dựng tuyến Kè bờ Bắc (giai đoạn 2 thuộc địa phận phường Thống Nhất) đã được đầu tư xây dựng trước đây (do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư). Những phần diện tích không xây dựng này sau khi thi công xong tuyến kè, chủ đầu tư chưa bàn giao về cho các địa phương quản lý, dẫn đến các hộ dân lấn chiếm tiếp tục canh tác trên đất. Vấn đề này, Ban quản lý dự án đang phối hợp với Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh rà soát số liệu về các trường hợp chồng lấn, thống kê cụ thể diện tích nào đã thực hiện bồi thường và chưa bồi thường để làm cơ sở lập phương án bồi thường cho các hộ dân thuộc tuyến Kè. Đặc biệt, tại khu vực này, một số diện tích mua bán, chuyển nhượng đất (chủ yếu bằng viết tay) dẫn đến việc một số người dân phản đối về công tác thu hồi đất, không phối hợp để đo đạc địa chính, kiểm đếm khối lượng bồi thường thiệt hại. Bởi người dân so sánh đơn giá đất cụ thể áp giá tính tiền lập phương án bồi thường thấp không bằng giá đất chuyển nhượng mua bán trên thị trường. Đây cũng là một trong những khó khăn vướng mắc diễn ra trong công tác thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các dự án đầu tư công phát triển hạ tầng đô thị thành phố Kon Tum.

Ông Phùng Văn Long- Phó trưởng Phòng Quản lý dự án (Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông, dân dụng và công nghiệp tỉnh) cho biết: Việc không có mặt bằng sạch gây khó khăn cho các nhà thầu trong quá trình triển khai thi công và ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Vì vậy, hiện nay, các nhà thầu chỉ triển khai được tại các vị trí, những đoạn có mặt bằng.

“Chúng tôi mong rằng, đơn vị chức năng, chính quyền thành phố Kon Tum cần có các biện pháp gỡ vướng mắc trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng; tập trung vận động giải thích cụ thể về chính sách bồi thường của nhà nước khi thu hồi đất thực hiện dự án để các hộ hiểu, bàn giao mặt bằng và các nhà thầu triển khai biện pháp thi công liên hoàn, sớm hoàn thiện, đưa công trình vào sử dụng, phục vụ đi lại, góp phần tạo vẻ đẹp đô thị, thúc đẩy kinh tế phát triển”- ông Long đề nghị.          

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác