05/01/2015 07:52
Việc mở rộng diện tích trồng mỳ một cách tự phát cùng với hình thức canh tác quảng canh để lại hậu quả nặng nề với môi trường và là nguyên nhân trực tiếp đe dọa đến diện tích rừng. Tìm giải pháp cho cây mỳ phát triển bền vững đang là đòi hỏi cấp bách…
Khi diện tích mỳ khó kiểm soát
Nằm sát vùng lõi Vườn Quốc gia Chư Mom Ray, làng Ba Rờ Gốc, xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) có trên 150 hộ đồng bào DTTS Ja Rai. Những năm gần đây, đặc biệt thời điểm cây mỳ được giá, người dân trong làng liên tục mở rộng diện tích, kết quả cây mỳ lấn cả vào vùng lõi Vườn Quốc gia; đã có người dân trong làng bị chính quyền xử phạt vì phá rừng lấy đất trồng mỳ.
Cũng như bất cứ gia đình nào trong làng, nhà ông A Nhí có hơn 1ha mỳ. Ông cho biết: Trong làng, nhà ít thì vài sào, nhiều tới 3-4ha mỳ. Bà con trong làng biết trồng cây công nghiệp mới cho thu nhập cao và lâu dài, song cây mỳ dễ trồng, lại nhanh bán được tiền. Tiền mua quần mua áo cho con đi học, tiền mua xe máy, sắm ti vi… đều trông cả vào cây mỳ.
|
Có một ranh giới rất mong manh tồn tại ở Vườn Quốc gia Chư Mom Ray. Ngay sát cột mốc giới hạn vùng lõi của Vườn là rẫy mỳ của dân bao bọc. Khái niệm vùng đệm hầu như chỉ còn trên giấy tờ. Nương rẫy đã bao quanh Vườn Quốc gia từ nhiều năm nay và luôn lăm le lấn vào vùng lõi.
Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh trên địa bàn huyện Đăk Glei, trước áp lực phá rừng để mở rộng diện tích cây mỳ của người dân, mặc dù Ban quản lý Khu Bảo tồn đã thành lập 5 Trạm quản lý bảo vệ rừng tại 5 xã cùng một Đội kiểm lâm cơ động, song vẫn không thể kiểm soát được triệt để, rừng luôn đứng trước nguy cơ bị xâm hại.
Để cây mỳ phát triển bền vững
Theo số liệu thống kê, diện tích mỳ hiện nay của tỉnh đã đạt khoảng 35.000ha và vẫn có dấu hiệu gia tăng. Một nguyên nhân khiến diện tích cây mỳ luôn có xu hướng mở rộng, phá vỡ quy hoạch là những hạn chế về kỹ thuật canh tác. Do áp dụng hình thức quảng canh là chủ yếu nên người dân thường lấy diện tích “bù” năng suất. Thực tế cho thấy hầu hết diện tích mỳ trong vùng đồng bào DTTS ít được chăm sóc, bón phân. Năng suất phổ biến chỉ đạt từ 18- 25 tấn/ha; trong đó diện tích đạt dưới 10 tấn cũng không phải ít. Như vậy người dân phải trồng hơn 3ha mới thu được sản lượng bằng 1ha so với các vùng có kỹ thuật cao.
Ông Huỳnh Nam Giang - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH tinh bột sắn Tây Nguyên- Đăk Hà cho biết: Ở Tây Ninh, năng suất mỳ phổ biến từ 50-60 tấn/ha. Cá biệt có diện tích năng suất đạt tới 90- 100 tấn/ha.
Cũng theo ông Giang, nguyên nhân nữa khiến năng suất cây mỳ ở Kon Tum thấp là đa số diện tích người dân trồng giống mỳ cũ (KM94). Cây mỳ này có tán lá rộng, nhiều nhánh nên chiếm nhiều diện tích đất; mật độ cây chỉ được từ 12.500- 13.000 cây/ha. Trong khi với giống mỳ mới KM49, với đặc điểm tán lá hẹp, cây thẳng, chiều cao cây thấp, có thể trồng được từ 16.000- 17.000 cây/ha. Giống mỳ này sau 7 tháng trồng đã cho thu hoạch với hàm lượng tinh bột cao.
Để cây mỳ phát triển bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao và hạn chế được những tác động tiêu cực của cây mỳ đối với môi trường, những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực này cho rằng, tăng năng suất trên một đơn vị diện tích là vấn đề mấu chốt. Việc đưa giống mới vào sản xuất và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân phải được đặt lên hàng đầu. Điều này có ý nghĩa rất lớn để không mở rộng thêm diện tích nhưng vẫn đảm bảo nguồn nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động và tăng thu nhập của người dân từ cây mỳ.
Khoa Điềm
|