Cầm vàng đừng để vàng rơi

29/06/2020 13:01

Nhiều người cho rằng, Kon Tum đang “cầm vàng trên tay” với việc Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm sâm củ “Ngọc Linh” và cà phê “Đăk Hà”. Tuy nhiên, để có “vàng” đã khó, giữ được “vàng”, không để “vàng” rơi và cho “vàng” sinh lợi lại càng khó hơn, đòi hỏi những giải pháp đồng bộ, hiệu quả.

Tôi nhận được 2 cuộc gọi liền nhau trong sáng 26/6. Điều đáng nói là cả 2 đều liên quan đến sự kiện UBND huyện Đăk Hà tổ chức đón nhận văn bằng bảo hộ đăng ký chỉ dẫn địa lý Cà phê Đăk Hà, nhưng lại mang nội dung khác nhau.

Cuộc gọi đầu tiên là của anh bạn đang làm tại một viện nghiên cứu của Bộ NN&PTNT. "Chúc mừng nhé. Vậy là Kon Tum có thêm một sản phẩm nông nghiệp nữa, sau sâm Ngọc Linh, được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý. Thật đáng tự hào"- anh nói.

Tôi như sống lại không khí phấn khởi cách đây 4 năm, vào tháng 8/2016, khi được dự lễ đón nhận giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp cho sản phẩm sâm củ Ngọc Linh tại các xã Măng Ri, Ngọc Lây thuộc huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum và xã Trà Linh, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam.

Cũng xin được nói thêm, 2 năm sau, vào tháng 7/2018, Cục Sở hữu trí tuệ sửa đổi chứng nhận địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ với việc mở rộng chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” thêm 7 xã của tỉnh Kon Tum và 6 xã của tỉnh Quảng Nam.

Chỉ dẫn địa lý ‘’Ngọc Linh’’ đem lại giá trị cao về mặt thương hiệu cho sản phẩm sâm củ của tỉnh Kon Tum. Ảnh: H.L

 

Khi ấy, tôi khá bận rộn với việc trả lời tin nhắn, email của bạn bè gần xa. Họ đồng loạt chúc mừng, chia vui với tôi bởi "Ngọc Linh" là địa danh đầu tiên của tỉnh Kon Tum được cấp giấy chứng nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý; trở thành chỉ dẫn thứ 49 mà Việt Nam đã bảo hộ và chỉ dẫn địa lý thứ 45 của Việt Nam được bảo hộ.

Cũng từng nghe nói về sâm Ngọc Linh đắt đỏ, quý hiếm, nhưng cũng chỉ là truyền miệng và mơ hồ về nguồn gốc, khu vực sinh trưởng, phát triển của sâm. Nhưng với việc được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, những người quan tâm đến sâm Ngọc Linh sẽ hiểu rõ ràng hơn- một người viết.

Với sự kiện sản phẩm cà phê Đăk Hà được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng vậy. Tôi đón nhận những lời chúc mừng của bạn bè với niềm tự hào. Nhiều người còn đề nghị tôi cung cấp thêm tư liệu về cà phê Đăk Hà. Và tất nhiên, tôi sẵn lòng làm việc ấy trong niềm tự hào.

Sau khi anh bạn cúp máy, tôi nhận được cuộc gọi của một nông dân Đăk Hà. Như rất nhiều hộ gia đình khác, ông Đình trồng cà phê mấy chục năm nay. Có thể nói, cuộc sống của cả đại gia đình ông, gồm 4 gia đình nhỏ, đều gắn chặt với cà phê, nên ông hay nói đùa, mà thật, rằng “yêu cà phê hơn yêu vợ”. 

Ông Đình tò mò hỏi tôi, chỉ dẫn địa lý là gì? Vì sao phải cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm cà phê Đăk Hà, khi mà "bản thân nó đã là cà phê ở Đăk Hà, chứ không phải cà phê ở Đăk Tô, hay ở Ngọc Hồi"?  Có chỉ dẫn địa lý thì bà con nông dân có lợi gì? Giá bán cà phê có cao hơn không?

Đây là những câu hỏi khó với kẻ "ngoại đạo" như tôi. Và tôi biết chắc chắn rằng, đó cũng là thắc mắc chung của rất nhiều nông dân đang ngày đêm gắn bó với cà phê ở Đăk Hà.

Tất nhiên tôi đã cố giải thích một cách ngắn gọn nhất có thể với ông rằng, chỉ dẫn địa lý là thông tin về nguồn gốc của hàng hóa (bao gồm từ ngữ; dấu hiệu; biểu tượng; hình ảnh…) để chỉ một quốc gia, một vùng lãnh thổ, một địa phương mà hàng hóa được sản xuất ra từ đó.

Rằng, với những điều kiện đặc thù để được công nhận và bảo hộ, chỉ dẫn địa lý đóng vai trò như sự đảm bảo sản phẩm mang chỉ dẫn có được chất lượng, uy tín nhờ xuất xứ địa lý vùng miền. Rằng, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng nghĩa với sản phẩm được công nhận và đảm bảo chất lượng, tạo thế mạnh trong cạnh tranh so với các sản phẩm chỉ mang nhãn hiệu thông thường. Hay nói ngắn gọn, chất lượng, uy tín, danh tiếng của hàng hóa phần lớn do nguồn gốc địa lý tạo nên.

Tôi cũng đưa ra những dẫn chứng cụ thể để ông có thể hình dung ra lợi ích của chỉ dẫn địa lý. Ví dụ như khi nói đến nước mắm, người tiêu dùng nghĩ ngay đến địa danh “Phú Quốc”, hay nhắc đến gốm sứ, sẽ nhớ ngay đến "Bát Tràng", nói đến Ngọc Linh sẽ nghĩ ngay đến sản phẩm sâm củ đặc hữu ở Kon Tum. Rồi mai đây, nói đến cà phê, người tiêu dùng sẽ nhắc tới tên “Đăk Hà”…

Còn rất nhiều lợi ích khác mà bản thân những người trồng cà phê ở Đăk Hà như ông Đình cần tự tìm hiểu, khám phá.

Người trồng cà phê Đăk Hà sẽ được hưởng lợi khi sản phẩm cà phê được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Ảnh: H.L

 

Thực tế đã chứng minh vai trò, lợi ích của việc một sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Xét về khía cạnh pháp lý, bảo hộ chỉ dẫn địa lý giúp ngăn cấm những chủ thể không có thẩm quyền sử dụng chỉ dẫn, hoặc loại trừ những mặt hàng thuộc cùng một khu vực địa lý nhưng sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng; để sản phẩm có chỉ dẫn địa lý không trở thành một tên gọi chung, làm mất đi tính phân biệt với các hàng hóa thông thường khác.

Về mặt kinh tế, sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý sẽ đem lại niềm tin cho người tiêu dùng về chất lượng, sự an toàn của sản phẩm, từ đó xây dựng hình ảnh tốt đẹp của sản phẩm, đem lại lợi ích cho người sản xuất. Chưa kể đến vai trò thúc đẩy hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực liên tỉnh, liên vùng, nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường trong và ngoài nước.

Vì vậy mà, đúng như anh bạn nói, tôi thật sự tự hào khi tỉnh nhà có tới 2 sản phẩm được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Nên biết rằng, cho đến đầu năm 2020, giữa hàng ngàn sản phẩm nông nghiệp có tiếng trong toàn quốc, mới có hơn 70 sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý.

Bên cạnh đó, tôi cũng chung sự trăn trở với những người nông dân đang một nắng hai sương làm nên những hạt cà phê mang "vị đắng ngọt ngào". Hơn thế, tôi càng băn khoăn khi chính họ lại mơ hồ về chỉ dẫn địa lý, bằng chứng là loạt câu hỏi mà ông Đình dành cho tôi.

Hành trình để được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho một sản phẩm nông nghiệp không hề đơn giản. Như sản phẩm Cà phê Đăk Hà, nhiều người luôn nghĩ vốn dĩ nó là Đăk Hà rồi, cần gì phải nhiêu khê như vậy, cũng phải mất 4 năm trời đằng đẵng, chưa kể cả một quá trình mấy chục năm định hình nên vùng cà phê Đăk Hà với bao công sức, mồ hôi, tiền của.

Hay như để có được chỉ dẫn địa lý Sâm Ngọc Linh phải mất nhiều năm bền bỉ gây dựng và hơn 4 năm nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục.

Có thể khẳng định, chỉ dẫn địa lý mở ra thêm nhiều cơ hội cho việc tiêu thụ hàng hóa nông sản cũng như nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Trong những lời chúc mừng mà tôi nhận được của bạn bè, có không ít người cho rằng Kon Tum đang cầm “vàng” trên tay.

Tuy nhiên, việc sản phẩm đã có chỉ dẫn địa lý nhưng khai thác không hiệu quả, gây lãng phí lớn về xây dựng thương hiệu cũng như giá trị kinh tế không phải là hiếm. Theo Trung tâm Hợp tác quốc tế nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển, hiện, nước ta có tới 50% số lượng chỉ dẫn địa lý chưa được quản lý, khai thác thật sự hiệu quả.

Vì vậy, để chỉ dẫn địa lý thực sự phát huy được hết giá trị, rất cần những giải pháp, chính sách cụ thể trong việc quản lý, khai thác.

Trước hết, cần nâng cao nhận thức, sự quan tâm, đầu tư về nguồn lực của các địa phương, nhận thức của doanh nghiệp, người dân trong việc bảo vệ danh tiếng, giá trị của các sản phẩm được bảo hộ; hình thành các tổ chức tập thể như hội, hiệp hội, thúc đẩy sự phát triển các hợp tác xã, kết nối vào các chương trình lớn của Nhà nước như Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Tăng cường công tác đào tạo, nâng cao năng lực về quản trị và phát triển thương hiệu nông sản gắn với các điều kiện để ràng buộc, như thu hồi quyền đăng ký nếu không sử dụng, phát triển thương hiệu sản phẩm, có hành vi làm ảnh hưởng đến uy tín, danh tiếng của sản phẩm; tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng được sử dụng đồng thời nghiêm cấm các hành vi nhằm hạn chế, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân trong cộng đồng được sử dụng nếu các tổ chức, cá nhân đó đủ điều kiện.

Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trong các dự án, hoạt động hỗ trợ, làm nền tảng để thúc đẩy việc sử dụng thương hiệu trên thị trường, tạo cơ sở, động lực để nâng cao giá trị sản phẩm.

Thực tế cho thấy, có những trường hợp chính quyền tỉnh thực hiện đăng ký chỉ dẫn địa lý xong, giao cho địa phương quản lý, khai thác nhưng địa phương cũng không có chiến lược sử dụng hiệu quả, dẫn đến tình trạng đăng ký xong để đó, khiến việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm không có bất kỳ sự thay đổi tích cực nào.

Điều đáng lo ngại hơn, do việc tuyên truyền, khai thác chưa hiệu quả nên chính những người trực tiếp tham gia vào quá trình tạo nên sản phẩm tại địa phương được bảo hộ chỉ dẫn địa lý cũng không biết mình có quyền được sử dụng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, khiến hình ảnh sản phẩm ít được quảng bá và khó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Rõ ràng là, để có “vàng” đã khó, giữ được “vàng”, không để “vàng” rơi, làm cho “vàng” sinh lợi càng khó hơn. Chỉ dẫn địa lý chỉ là “vàng” khi phát huy đúng giá trị.

Vậy mới mong những người có trách nhiệm “cầm vàng đừng để vàng rơi”!        

Hồng Lam

Chuyên mục khác